Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động các xã, thị trấn sau sáp nhập
EmailPrintAa
04:55 17/06/2020

Sáng ngày 16/6/2020, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã tiến hành giám sát việc sắp xếp các đơn vị hành chính và thực hiện các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ cấp xã, cán bộ thôn, tổ dân phố tại huyện Thạch Hà. Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng chủ trì cuộc giám sát. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cùng dự.

Thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh; huyện Thạch Hà đã tiếp hành sắp xếp 15 xã, hình thành 6 xã, thị trấn mới. Ngay sau sáp nhập, các đơn vị đã gắn và sử dụng tên gọi mới trong các thủ tục hành chính, địa bàn hành chính, địa giới hành chính; thực hiện thu hồi con dấu cũ và sử dụng con dấu mới; bàn giao cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và các hồ sơ tài liệu của các đơn vị liên quan. Huyện cũng đã hoàn thành việc xây dựng Đề án sáp nhập các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn các xã đã thực hiện sáp nhập (sáp nhập 15 Trạm Y tế xuống còn 6 trạm, giảm 9 trạm; sáp nhập từ 9 trường tiểu học xuống còn 4 trường, giảm 5 trường; 9 trường mầm non xuống còn 4 trường, giảm 5 trường); các xã, thị trấn đã thực hiện sáp nhập, kiện toàn các hội đặc thù.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Thạch Hà Lê Thị Phương Thúy báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh và việc thực hiện các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn, tổ dân phố

Bí thư Đảng ủy xã Nam Điền Lê Xuân Ngọc: Sau sáp nhập các nhà văn hóa các xã phần lớn chưa đáp ứng các cuộc sinh hoạt chung; cơ sở vật chất các trường học chưa đáp ứng nhu cầu

Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn Dương Anh Dũng: Trụ sở xã mới sau sáp nhập không đủ phòng làm việc cho cán bộ; xã phải sắp xếp phòng làm việc diện tích 12m2 cho 4 cán bộ làm việc

Gắn với việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện Thạch Hà đã từng bước thực hiện tinh giảm biên chế. Số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của 15 xã, thị trấn sau sắp xếp còn 98 cán bộ (bao gồm 25 người từ cấp trưởng xuống làm cấp phó), công chức 112 người, người hoạt động không chuyên trách 42 người; giảm 44 cán bộ, 44 công chức, 111 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; tổng kinh phí chi trả theo quy định gần 14,1 tỷ đồng. Việc sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và lựa chọn trụ sở nơi làm việc các xã sau sắp xếp và việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được thực hiện đúng theo quy trình, quy định.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà: Đề nghị tỉnh xem xét chính sách tiền thưởng đối với xã về đích nông thôn mới và xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Trung: Thạch Hà thực hiện tốt chế độ, chính sách trong sáp nhập xã; sau khi tổng kết, đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách Sở Nội vụ sẽ tổng hợp, tham mưu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tiễn

Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga: Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc huyện. Đề nghị huyện Thạch Hà quan tâm tổ chức thực hiện để đảm bảo sử dụng hiệu quả đất đai, tài sản sau sáp nhập

Thạch Hà cũng đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh về quy định số lượng cán bộ, công chức, xã, phường, thị trấn; chức danh, số lượng mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố. Theo đó, hiện nay huyện Thạch Hà còn 255 cán bộ, giảm 36 người; 271 công chức, giảm 50 người; dôi dư 33 cán bộ và 71 công chức so với quy định. Đối với việc bố trí, sắp xếp người hoạt động không chuyên trách cấp xã; hiện huyện còn 158 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, giảm 181 người theo đúng yêu cầu của nghị quyết. Về bố trí, sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, hiện này toàn huyện có 211 thôn, tổ dân phố; bố trí 422 người, giảm 217 người. Về thực hiện khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố được huyện thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định.

Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Đề nghị huyện chỉ đạo chuyển việc cho vay vốn của các tổ chức tín dụng từ cán bộ chính sách xã cho các đoàn thể thôn, xóm để nâng mức thu nhập, giải quyết khó khăn cho những đối tượng này

Thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh Võ Văn Phúc: Cần có chế độ, chính sách ưu tiên cho các xã sáp nhập

Thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Hậu Tám: Một số chế độ, chính sách trong xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu còn chưa phù hợp, cần sửa đổi phù hợp thực tiễn

Phát biểu tại cuộc làm việc, các đại biểu tham dự đề nghị huyện Thạch Hà trong thời gian tới cần hoàn thiện việc sắp xếp, sáp nhập các trạm y tế, trường học theo Đề án đã phê duyệt; tiếp tục tuyên truyền, sắp xếp, bố trí để tiếp tục giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức còn dôi dư đảm bảo số lượng theo Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; có phương án chuyển đổi mục đích sử dụng một số trụ sở làm việc các xã cũ và trạm y tế đúng quy định; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kết hợp tinh giảm biên chế thực hiện giải pháp lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực để tiếp tục bố trí; tiếp tục chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân đảm bảo theo quy định; rà soát quy hoạch, chỉnh sửa nâng cấp hoặc xây dựng mới một số hạng mục như hội trường UBND xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của xã, thị trấn mới; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các tổ chức đối với các xã, thị trấn mới.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng phát biểu tại cuộc làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết 819/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh trên địa bàn huyện Thạch Hà. Huyện đã chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã thông tin đến các đại biểu tham dự một số vấn đề xung quanh việc sáp nhập xã, chế độ chính sách của cán bộ thôn, xóm; đặc biệt nhấn mạnh một số bất cập, khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ thôn, xóm trong điều kiện hiện nay.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y kết luận cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đề nghị huyện có các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho cán bộ thôn, xóm; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân; chủ động chuẩn bị cho công tác bầu cử nhiệm kỳ mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả các xã, thị trấn sau sáp nhập; bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế HĐND huyện đề ra để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và phương hướng 6 tháng cuối năm 2020; chủ động tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc