Xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021
EmailPrintAa
09:32 10/09/2021

Sáng 10/9/2021, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã tiến hành họp triển khai giám sát chuyên đề về “việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021”. Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần chủ trì cuộc làm việc.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, các Ban HĐND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh và Văn Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cùng dự.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự thống nhất sẽ tiến hành giám sát đối với Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án Dân sự các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Đoàn sẽ giám sát kết quả thi hành án dân sự từ 01/10/2018 đến 30/9/2021; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh về công tác thi hành án dân sự; kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp; công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí Chấp hành viên; việc thực hiện quy hoạch, luân chuyển cán bộ, công chức làm nhiệm vụ thi hành án…

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần phát biểu tại cuộc làm việc

Dự kiến, Đoàn sẽ tiến hành giám sát trực tiếp tại các đơn vị liên quan từ ngày 8/10 đến ngày 5/11/2021.

Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Nguyễn Văn Cường: Nên tập trung vào các nội dung lớn như việc chấp hành pháp luật trong xác minh điều kiện, trong cưỡng chế thi hành án; trách nhiệm của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, Công an trong công tác thi hành án.

Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phạm Văn Trung: Nên giám sát kết quả thi hành án dân sự từ 01/ 10 /201 8 đến 30/9/2021.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đánh giá cao công tác chuẩn bị giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát. Đồng thời, các đồng chí yêu cầu thông qua giám sát chuyên đề, Đoàn giám sát cần đánh giá rõ những kết quả đạt được của công tác chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021; công tác phối hợp của các ngành liên quan; hiệu quả hoạt động Ban chỉ đạo Thi hành án các cấp. Bên cạnh đó, cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp để tổ chức thực hiện công tác thi hành án dân sự ngày càng có hiệu quả hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nguyễn Đức Tới: Xem xét khởi tố một số vụ án đối tượng bị thi hành án chây ì, chống đối.

Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Trần Đình Trọng: Cần xem xét kỹ các vụ án Tòa tuyên không rõ, khó thi hành án; có giải pháp hỗ trợ Ngành Thi hành án giải quyết các vụ việc tồn đọng.

Trong quá trình giám sát, phải bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật; xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện; việc thu thập thông tin, tổng hợp, đánh giá phải bảo đảm tính chính xác, sát với tình hình thực tế để đưa ra những kiến nghị sát thực. Đoàn giám sát, đối tượng chịu sự giám sát và các cơ quan có liên quan có sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ: Cần trực tiếp đối thoại với một số tổ chức, cá nhân đã thi hành án hoặc chuẩn bị thi hành án nếu xét thấy cần thiết.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ yêu cầu việc giám sát cần linh hoạt, chủ động. Bên cạnh việc giám sát trực tiếp cần tiến hành giám sát thông qua báo cáo; giám sát qua thu thập thông tin từ tiếp xúc cử tri; đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân; kết quả làm việc của các cơ quan chức năng với Thi hành án Dân sự hai cấp; phương tiện thông tin đại chúng và một số hình thức cần thiết khác.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc