Phải nâng cao năng lực của mỗi đại biểu
EmailPrintAa
18:17 28/04/2013

Muốn đổi mới chất lượng hoạt động của QH nên bắt đầu từ chính các ĐBQH. Nếu mỗi ĐBQH không có trình độ, không chịu học hỏi, nghiên cứu, không sống trong thực tiễn mà ở góc độ chung chung thì chất lượng hoạt động sẽ không cao. ĐBQH, CHỦ TỊCH HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM CÙ THỊ HẬU chia sẻ.

Là ĐBQH các Khóa V, VI, XI, XIII, Bà có thể cho biết những cải tiến, đổi mới trên các mặt hoạt động của QH, đặc biệt là QH Khóa XIII ?

Chủ tịch Cù Thị Hậu: Tham gia nhiều khóa QH, tôi nhận thấy rõ sự đổi mới của QH. Từ những khóa trước như Khóa V, VI, khi đó cơ cấu các ĐBQH bao gồm đủ các thành phần, trình độ của mỗi đại biểu cũng khác biệt nhau, thảo luận trong QH cũng khác nhau rất nhiều. Tại các khóa trước, mỗi đại biểu trước khi phát biểu, bao giờ cũng mở đầu bằng câu: “tôi ở tỉnh nào, phía bắc giáp đâu, phía đông giáp đâu, diện tích tỉnh bao nhiêu, có bao nhiêu dân số”. Khi thảo luận tại QH, đi vào những vấn đề về quyết sách, thì các nội dung đều được chuẩn bị trước, phát biểu tại hội trường chủ yếu là báo cáo các thành tích của địa phương.

Nhưng tới khóa này QH đã đi vào những nội dung cụ thể, các ý kiến đã thể hiện rõ quan điểm của đại biểu. Đặc biệt thời gian phát biểu chỉ có 7 phút, nếu phát biểu đúng trọng tâm thì sẽ hết thời gian. Cách giải quyết và thảo luận tại Khóa XI với thời gian 10 phút đã làm tốt rồi, nhưng đến khóa này đòi hỏi càng tốt hơn. Như vậy đòi hỏi mỗi ĐBQH phải nghiên cứu kỹ, phải nghiên cứu mới bảo đảm được thời gian và nêu trọng tâm vấn đề.

Tôi vẫn băn khoăn, đáng lẽ những tranh luận phải bằng quan điểm của mình, tôi không thích cách phát biểu là chuẩn bị giấy để đọc, mà cần phải đi thẳng vào vấn đề thì sẽ hấp dẫn hơn.

Muốn nâng cao chất lượng hoạt động của QH, phải chăng mỗi ĐBQH cần nâng cao năng lực của mình, thưa Bà?

Chủ tịch Cù Thị Hậu: Đúng vậy. Nếu mỗi ĐBQH không có trình độ, không chịu học hỏi, nghiên cứu, không sống trong thực tiễn mà ở góc độ chung chung thì chất lượng hoạt động sẽ không cao.

Tôi nghĩ đại biểu phải nghiên cứu sâu, thậm chí phải minh chứng bằng những số liệu cụ thể để tăng tính thuyết phục. Tôi xin dẫn chứng: khi có ý kiến  dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) là tại sao các tổ chức như Hội phụ nữ, Hội thanh niên không được trích kinh phí mà chỉ có công đoàn làm được. Tôi đã phân tích: tại doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động hai người đi chung một con thuyền giữa biển, muốn đưa con thuyền về đích thì cả hai bên phải đồng tâm hiệp lực, do đó trích kinh phí để chăm lo lợi ích cho quyền của người lao động tại doanh nghiệp đó bằng những con số cụ thể. Qua đó thấy rằng để có ý kiến thuyết phục, mỗi ĐBQH phải am hiểu rất sâu ở lĩnh vực mà mình nghiên cứu.

Về chất vấn, tôi có cảm giác các địa phương còn ngại chất vấn  bộ trưởng. Theo tôi, mỗi ĐBQH phải học tập, nghiên cứu, thể hiện rõ quan điểm của mình và phải có kiến thức từ thực tiễn.

Trong đổi mới cách làm luật của QH, Bà có kiến nghị gì?

Chủ tịch Cù Thị Hậu: Những nội dung  luật trình ra chỉ tập trung các ý kiến còn khác nhau để đi đến thống nhất, như vậy là rất tốt. Các cơ quan giúp việc của QH đã làm được điều đó, thẩm định không chỉ qua kênh của ĐBQH mà thông qua các đợt giám sát, đã có những số liệu cụ thể, mà quan điểm của các Ủy ban của QH cũng hướng về quyền và lợi ích của cử tri, từ đó đưa ra những ý kiến thẩm định giúp cho ĐBQH định hướng đúng đắn.

Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn, vì số lượng luật xây dựng mới không nhiều, nhưng sửa đi sửa lại quá nhiều. Chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, đòi hỏi điều hành đất nước, phải căn cứ vào luật pháp. Mọi thành phần kinh tế phải thực hiện theo luật, cho nên bắt buộc QH phải ban hành luật kịp thời, để đáp ứng sự điều hành của đất nước trong tình hình mới. Tôi có cảm giác cơ quan soạn thảo muốn lợi ích của cơ quan đó được thể hiện nhiều hơn trong luật; trong quá trình triển khai thực hiện, liên tục bị thay đổi, dẫn đến có những luật phải sửa đi sửa lại nhiều lần.

Xin trân trọng cám ơn Bà!


    Ý kiến bạn đọc