Quốc hội trí tuệ nên đổi mới
EmailPrintAa
14:03 03/01/2012

QH Khóa XIII mới đi qua hai Kỳ họp. Điểm tôi ấn tượng là các ĐBQH mới đã nhập cuộc khá nhanh với những hoạt động của QH. Nhiều ĐBQH mới không lúng túng, mà thuần thục như ĐBQH tái cử. Sự nhập cuộc nhanh một phần là do nhìn chung chất lượng đại biểu được nâng cao. Trong đợt bầu cử ĐBQH nhiệm kỳ Khóa XIII vừa qua, cử tri đã lựa chọn được nhiều ĐBQH có bằng cấp cao, có học hàm, học vị. Và yếu tố quan trọng nhất là xã hội ngày càng quan tâm các hoạt động của QH, nên ngay cả người tham gia ứng cử ĐBQH cũng đã có những hiểu biết nhất định về cơ quan dân cử

Đây là thời điểm có lẽ khó lặp lại trong lịch sử hoạt động của QH

Một số ĐBQH mới từng chia sẻ với tôi là trước khi tham gia ứng cử đã thường xuyên theo dõi các hoạt động của QH, nên không quá bỡ ngỡ, hay có tâm lý e ngại trước mỗi hoạt động của QH. Ngoài ra, dù hiện nay đại biểu chỉ còn 7 phút để phát biểu tại phiên họp toàn thể, và 2 phút để nêu câu hỏi chất vấn, nhưng nhiều ĐBQH đã làm được, thậm chí phát biểu sắc sảo. Trong khi đó, với lượng thời gian chỉ có vậy mà nói lên những vấn đề để các ĐBQH khác đồng tình, người dân nghe chấp nhận được, và cơ quan, cá nhân có trách nhiệm cũng chấp nhận quả là một thách thức với đại biểu nói chung.

Qua tiếp xúc với cử tri tôi thấy, cử tri đánh giá cao những đổi mới đã triển khai ngay từ Kỳ họp thứ Hai, cũng như trong hoạt động của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Đoàn ĐBQH. Điều này cùng với sự bắt nhịp nhanh của ĐBQH cho chúng ta thêm niềm tin với nhiệm kỳ này. Nhưng có thể thấy, nhiệm kỳ QH Khóa XIII khá đặc biệt. Ngay từ Kỳ họp thứ Nhất, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban soạn thảo. Đây là thời điểm có lẽ khó lặp lại trong lịch sử hoạt động của QH. Và sau Hiến pháp sẽ phải sửa đổi, bổ sung những luật, bộ luật cơ sở cho hệ thống pháp luật nước ta. Thực tiễn đang đòi hỏi QH, UBTVQH, các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH và từng ĐBQH phải nỗ lực rất nhiều, phải đổi mới rất cụ thể, để có sản phẩm lập pháp tốt, có quyết định sáng suốt trước những vấn đề quan trọng của quốc gia. 

Những nhiệm vụ quan trọng, nặng nề được Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước giao cho là một động lực cho QH đổi mới. Nhưng chính cơ quan dân cử cũng tự đòi hỏi mình phải đổi mới. Thực tế cho thấy, kết quả hoạt động của QH khóa này bắt nguồn từ những đóng góp của các khóa trước. Không hề có sự cắt khúc theo kiểu QH Khóa XI làm được gì và QH Khóa XII làm được gì. Kết quả hoạt động của QH khóa trước là tiền đề để khóa sau tiến hành sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. QH khóa sau có sự kế thừa, phát triển và đóng góp của QH các khóa trước. Và QH đã sử dụng trí tuệ của mình để tạo nên đổi mới. Nội lực của sự đổi mới là từ trí tuệ. QH vận dụng trí tuệ để đạt được hiệu suất cao nhất cho lập pháp, hiệu suất cao nhất cho quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và cao nhất cho giám sát. Đổi mới của QH cũng xung quanh 3 vai trò này, đạt được những thành quả của 3 chức năng này. Vẫn là những chức năng, những nhiệm vụ và công việc đó nhưng QH có cái nhìn mới, phương thức mới, hành động mới, tinh thần làm việc mới, thái độ mới, thì sẽ tạo ra sự thay đổi. Nếu nhìn từ bình diện này thì chúng ta càng thêm tin tưởng hơn vào sự đổi mới của nhiệm kỳ Khóa XIII khi chất lượng đại biểu được nâng cao. Và tôi có mong muốn, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH sẽ có những biện pháp cụ thể để khởi phát nội lực của đại biểu, thu hút vào các hoạt động của mình. Những thể hiện của ĐBQH trong Kỳ họp thứ Nhất, Kỳ họp thứ Hai cho thấy nội lực của đại biểu là rất lớn. Đó là tài sản quý giá của QH nhiệm kỳ Khóa XIII, nên cần được phát huy tối đa.

QH cần có kênh truyền hình riêng

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH Khóa XII đã phản ánh khá đầy đủ những thành tựu, và hạn chế, tồn tại trong các mặt lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Báo cáo này cũng đưa ra một số định hướng để QH Khóa XIII sớm điều chỉnh, tiếp tục có những đổi mới, cải tiến mạnh mẽ hơn nữa. Để tiếp nối nhiệm kỳ trước, ngay từ những phiên họp đầu tiên, QH đã áp dụng một số cải tiến, và đang tiếp tục xây dựng một Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động một cách toàn diện, có sự phổ quát sâu rộng hơn. Đây là nền tảng vững chắc cho QH Khóa XIII tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhưng đó mới là bước đi đầu tiên. Điều quan trọng là ĐBQH, Đoàn ĐBQH, các cơ quan của QH, UBTVQH sẽ thực hiện những giải pháp được đưa ra như thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của quốc gia. Ví dụ như nếu đi giám sát tại địa phương mà chỉ nghe báo cáo thì khó hiệu quả, vì chỉ nghe được thông tin. Trong khi đó, thông tin từ báo cáo chưa hẳn đã chuẩn, bởi lẽ tự nhiên không ai lại nói mình có một số khuyết điểm. Nghe thông tin như vậy thì chỉ giải quyết được về mặt vĩ mô, do chủ yếu địa phương phản ánh mình có những khó khăn, vướng mắc nào, không đánh giá sâu các tồn tại hiện có. Tôi hy vọng Hội đồng Dân tộc, cùng các Ủy ban của QH sẽ có những cải tiến mạnh mẽ trong cách thức giám sát tại nhiệm kỳ này.

Ngoài ra, QH cũng cần có một động lực khác cho quá trình đổi mới trong thời gian tới. QH cần có kênh truyền hình riêng của mình. Vì dễ thấy, khi một phiên họp được truyền hình cho đông đảo cử tri theo dõi thì ĐBQH sẽ phải cẩn trọng khi phát biểu trên nghị trường. Sự cẩn trọng là phản ứng tất yếu, do sức mạnh của đại biểu là từ cử tri. Nếu ĐBQH không thuyết phục được cử tri đang theo dõi phiên họp thì sẽ làm mất sức mạnh của mình. Mà về bản chất, sức mạnh của QH chính là sức mạnh của cử tri. Thực tế, sự tác động mạnh mẽ của báo chí, của công tác truyền thông đã góp phần quan trọng tạo thêm sức mạnh cho hoạt động giám sát của QH. Đây cũng là cầu nối quan trọng để cử tri cả nước giám sát và phản hồi hiệu quả nên có tác động mạnh đến đối tượng chịu sự giám sát. Một ý kiến được phát biểu tại nghị trường, sau vài tiếng đã có hàng nghìn ý kiến phản hồi từ dư luận. Điều này cũng sẽ giúp đánh giá việc thực hiện các chính sách vĩ mô sát thực hơn và cũng chính từ những phản hồi khen, chê với nhiều góc độ khác nhau thì hoạt động giám sát của QH cũng được cải tiến mạnh mẽ hơn.

Khi cử tri ghi nhận, khẳng định ĐBQH nói đúng ý của mình là một sự động viên rất lớn với đại biểu. Xin cám ơn cử tri đã dành sự quan tâm với QH, với ĐBQH. Làm ĐBQH đã phải chịu áp lực rất lớn của cử tri và dư luận xã hội. Cử tri tin tưởng, gửi gắm và chờ đợi ở ĐBQH mà ĐBQH không có đóng góp được nhiều thì băn khoăn lắm. Mỗi ĐBQH đều cảm thấy rất rõ áp lực: làm sao để có những đóng góp thiết thực cho QH, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Cử tri mình nói ở đây là trên số đông, là cuộc sống đang cần những vấn đề cụ thể nào, chứ không phải lợi ích riêng lẻ nào. QH không thể chỉ quan tâm đến vĩ mô, mà cũng phải quan tâm đến từng vấn đề nhỏ trong cuộc sống của người dân như giá hàng hóa, sản phẩm; việc bảo đảm an toàn khi ra đường; bảo đảm tính mạng, sức khỏe; được bảo vệ trong tranh tụng tại tòa...


    Ý kiến bạn đọc