Vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào để không làm méo mó chính sách
EmailPrintAa
16:22 24/01/2013

Sáng nay, 13.7, UBTVQH đã xem xét đề nghị của Chính phủ về việc miễn, giảm, giãn thuế trong năm 2011. Cơ bản tán thành với chủ trương này, tuy nhiên chính sách bao giờ cũng có 2 mặt. Đối với doanh nghiệp yếu không sản xuất được nữa, ngừng hoạt động thì không hy vọng bằng chính sách này mà doanh nghiệp có thể “sống” lại. Nhưng đối với những doanh nghiệp khó khăn cận kề, nếu không tiếp sức thì sẽ rơi vào tình trạng đình đốn, ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để chính sách này đúng đối tượng, không bị lợi dụng, không bị biến dạng...

Chủ tịch HĐDT K’Sor Phước: Phương án bù đắp như thế nào?

 

Tôi đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Đọc kỹ ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách tôi thấy cũng có lý. Tuy nhiên tôi vẫn nghiêng về phương án theo Tờ trình của Chính phủ. Có 2 vấn đề nêu ra tôi còn băn khoăn. Đối tượng được thụ hưởng đúng thì không sao, nhưng việc lợi dụng thì chắc chắn sẽ xảy ra, do vậy, làm sao giảm bớt được số đối tượng lợi dụng, không có chính sách nào không bị lợi dụng, đòi hỏi 100% thì rất khó. Bây giờ bù đắp làm sao bảo đảm cân đối vĩ mô trong chi tiêu, thu chi phải bảo đảm làm giảm bớt bội chi ngân sách theo mục tiêu mà QH đã đề ra. Ở đây Chính phủ chưa nói phương án bù đắp như thế nào, hay lại tiếp tục mua công trái hay vay gì đó? Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Đây chỉ là biện pháp tức thời và chỉ để giải quyết cho năm 2011 Về cơ bản, tôi rất đồng tình với chủ trương. Đây là biện pháp tức thời và chỉ để giải quyết cho năm 2011. Đến 2012 nếu còn khó khăn thì sẽ tiếp tục tính toán thêm.Thứ hai, tôi đồng tình với ý kiến của Ủy ban Tài chính và Ngân sách về quan điểm cần phải cân nhắc một số vấn đề. Thực ra một số chính sách chúng ta đã xây dựng rồi và muốn những chính sách đó phải đi những bước dài dài hạn hơn. Ví dụ như Luật Thuế thu nhập cá nhân để nâng cao trách nhiệm của công nhân ở mức thu nhập nào đó phải đóng góp cho đất nước và đó là trách nhiệm cá nhân. Nhưng Luật Thuế thu nhập cá nhân cứ đi theo kiểu như thế này thì rất khó để vận động toàn xã hội về một chính sách thuế mà theo chúng ta là tiến bộ. Tôi rất chia sẻ với ý kiến của Ủy ban Tài chính và Ngân sách như thế, tuy nhiên vì là biện pháp để giải quyết những khó khăn trong năm 2011, vì vậy, cơ bản tôi đồng tình với tờ trình của Chính phủ. Tôi thấy Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thì không nên mở rộng mà chỉ giới hạn ở doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Tuy nhiên, ở lĩnh vực xã hội tôi lại đồng tình với ý kiến của Chính phủ. Bởi vì thực ra nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, hoạt động sản xuất gia công, chế biến nông, lâm thủy sản, dệt may da giày, linh kiện điện tử, một số nhóm trong đây cực kỳ khó khăn trong năm 2011. Đình công diễn ra ở nhóm này rất lớn. Giảm thuế không phải vì nó quá ghê gớm, nó cũng giảm bớt một phần khó khăn nhất định, hỗ trợ một phần nào đó cho doanh nghiệp thực hiện chính sách khác của Chính phủ đó là nâng tiền lương tối thiểu lên sớm hơn lộ trình. Vì vậy, tôi đồng tình với ý kiến của Chính phủ là nên mở rộng ra tới nhóm này. Thứ hai là giảm 50% đối với nhóm kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với một số công nhân, sinh viên ở điểm thứ hai. Tôi thấy ý kiến của Ủy ban Tài chính và Ngân sách là ý kiến cần được cân nhắc. Ở đây chúng ta có đưa ra là với điều kiện giữ ổn định mức giá ổn định cho thuê như giá năm 2011. Thực ra kiểm soát vấn đề này rất khó nhưng tôi nghĩ rằng nếu cố gắng hết mức thì cũng có thể kiểm tra được việc này, không đến nỗi trên địa bàn mà không kiểm tra được mức giá cuối năm 2010 như đã định. Về lâu dài Chính phủ nên nghiên cứu chuyển sang cơ chế trợ cấp trực tiếp.

 

Về thuế thu nhập cá nhân, tôi đồng tình quan điểm không nên xem thuế từ lãi suất tiết kiệm và từ chứng khoán như nhau. Nhưng năm nay khó khăn quá, nên đồng tình là nên ủng hộ Chính phủ để thực hiện chính sách này trong năm nay. Về miễn thuế thu nhập cá nhân, tôi cũng còn băn khoăn. Đúng là ý kiến của Ủy ban Tài chính và Ngân sách là đối với nhóm 10 triệu thì 1 tháng nộp có 140 nghìn, tác động không lớn, do vậy Chính phủ cân nhắc thêm vấn đề này. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận: Có giải pháp nào tốt hơn không? Tôi thực sự phân tâm khi nói rằng ủng hộ. Ở đây có 2 vấn đề liên quan đến chính sách này: thứ nhất, doanh nghiệp hiện nay khó khăn để tiếp cận nguồn vốn nhưng giả sử có tiếp cận được nguồn vốn thì lãi suất rất cao, chúng ta không giải quyết được. Thứ hai, trong nguyên tắc đánh thuế thì phải có lợi nhuận, bây giờ đánh thuế đồng loạt như thế này không biết có phải không?

 

Thuế thu nhập cá nhân trên thực tế cũng là thuế thu nhập cao. Những giải pháp đối với sắc thuế này tôi không nói cụ thể. Tôi băn khoăn 2 vấn đề không giải quyết được mà bây giờ áp dụng thuế. Nếu gọi là gián tiếp thì cũng có những tác động nhất định. Tôi cảm thấy chưa yên tâm lắm, tôi chia sẻ nhưng tôi chưa đồng tình. Có cách nào khác hơn không, nếu như thế này thì không phải đã trúng vấn đề.

 

 

Nói rất đơn giản thôi, một đồng cũng quý nhưng đánh giá tác động đến ngân sách tôi thấy mới báo cáo được một nửa. Năm 2011 so với tổng cân đối chung là hụt thu 11.100 tỷ của năm 2011, Chính phủ có giải pháp như thế nào để bù đắp được cái này, tiết kiệm chi hay cắt các khoản. Chúng tôi nghĩ nếu chủ trương này trình QH thì cũng phải báo cáo giải trình rõ 11.100 tỷ này lấy đâu ra. Đây là những điều phải tính toán cho kỹ. Con số 11.100 tỷ rất lớn so với ngân sách của quốc gia, mỗi một địa phương kiếm được 1, 2 tỷ khó lắm, 11 nghìn tỷ là tác động nếu gọi tác động đến ngân sách Nhà nước, tác động đến đời sống thì giữa cái được của Chính phủ này và cái mất của chính sách này thì phải tính toán cụ thể thêm. Theo tôi, đề nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính và Ngân sách tập trung nghiên cứu kỹ để làm sao có được những giải pháp tốt hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền: Không làm méo mó chính sách... Thứ nhất là chúng tôi đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc giãn, giảm, miễn thuế cho một số đối tượng như trong Tờ trình và chúng tôi cũng đồng tình, chia sẻ với một số ý kiến còn băn khoăn của Ủy ban Tài chính và Ngân sách. Trong Báo cáo thẩm tra cũng thể hiện thái độ đa số ý kiến là tán thành nhưng một số ý kiến còn băn khoăn. Những vấn đề băn khoăn đó có lý. Khi tiến hành thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Ủy ban Kinh tế có làm việc ở một số địa phương trọng điểm và gặp gỡ với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, chúng tôi thấy có hiện tượng chung là các doanh nghiệp rất khó khăn, một số doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm còn trụ được và cũng do dư âm các chính sách từ năm 2010 chuyển sang. Khó khăn đều thấy rất rõ mà ở đâu cũng nói đó là lãi suất rất cao. Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất ngân hàng như vậy thì không thể chịu được nhưng nếu không vay thì cũng không duy trì được sản xuất. Chi phí sản xuất lớn dẫn đến một hệ lụy là sức cạnh tranh của sản phẩm là rất kém cho nên doanh nghiệp không thể đầu tư, đã có một số doanh nghiệp ngừng hoạt động.

 

Theo nhận định của Ủy ban, trong 6 tháng cuối năm nhiều doanh nghiệp sẽ còn khó khăn hơn, do vậy cho nên trong Nghị quyết 11 của Chính phủ có một giải pháp là có những biện pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Chính trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trong 6 tháng đầu năm cũng kiến nghị cần phải sớm có những chính sách cụ thể, cụ thể là đối với chính sách thuế đối với các doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm giúp cho các doanh nghiệp có thể khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất. Nên việc Chính phủ trình Tờ trình này là rất kịp thời và cần thiết phải tiến hành như vậy. Chờ đợi việc giảm lãi suất ngân hàng cũng không phải là đơn giản, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao, không phải một lúc có thể hạ ngay được vì còn liên quan đến rất nhiều vấn đề xung quanh chính sách tiền tệ mà không thể bằng ý chí có thể thực hiện ngay được. Cho nên, những giải pháp giúp doanh nghiệp bằng chính sách thuế là phù hợp. Hơn thế nữa đối tượng trong Tờ trình của Chính phủ chủ yếu tập trung vào đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối tượng này lâu nay bị tổn thương nhiều nhất trong những khó khăn về kinh tế.

 

Những chính sách này sẽ giúp cho các doanh nghiệp thực ra cũng không nhiều như trong Báo cáo của Chính phủ đã nêu, nhưng ở đây có một vấn đề nữa, đấy là tạo tâm lý tích cực cho thị trường, đồng thời thể hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong khi kinh tế có những khó khăn. Nhưng cũng phải hiểu chính sách bao giờ cũng có 2 mặt, mặt tích cực và những tác động không tích cực. Ví dụ, đúng là đối với doanh nghiệp yếu đến nỗi không sản xuất được nữa, ngừng hoạt động thì cũng không hy vọng bằng chính sách này có thể “sống” lại ngay lập tức được. Nhưng đối với những doanh nghiệp khó khăn cận kề rồi nếu không tiếp sức thì lại rơi vào tình trạng đình đốn, ngừng sản xuất. Phải làm cho doanh nghiệp này có thể tiếp tục sản xuất được. Còn đối với những doanh nghiệp đang duy trì được nhưng không thể kéo dài thì chính sách này là cần thiết, kể cả đối với các dự án đầu tư cũng vậy.

 

Rút kinh nghiệm khi thực hiện chính sách kích thích kinh tế, lần này phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để làm sao chính sách này đúng đối tượng, không bị lợi dụng, không bị biến dạng thì mới hiệu quả. Nếu lơi lỏng, không kiểm soát hợp lý thì chính sách méo mó, mất hiệu quả. Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng: Cần thiết nhưng... Chúng ta đang trong bối cảnh có nhiều khó khăn cho nên phải tìm cách tháo gỡ. Tôi nghĩ chủ trương, giải pháp, tìm tòi những biện pháp để tháo gỡ tình hình hiện nay là rất cần thiết. Bây giờ khó khăn nhất của doanh nghiệp là vấn đề lãi suất quá cao, điều kiện tiếp nhận nguồn vốn rất khó. Không ai có thể làm gì có lãi để chi trả tiền lãi suất như thế. Lãi suất huy động cao thì đương nhiên lãi suất cho vay không thể thấp được. Cho nên nói bắt mạch, phát hiện nhưng không kê đơn, không đúng thuốc thì bài toán khó ở chỗ đó.

 

Trong lúc khó như vậy ta chưa xử lý được việc đó thì cũng có thể phải tìm giải pháp khác không được nhiều cũng được ít. Xét về tâm lý trong xã hội, mới nghe như thế này, đi đâu cũng thấy đó là giải pháp rất kịp thời. Về cơ bản tôi ủng hộ giải pháp mà Chính phủ đề ra.

 

Với những phân tích của Ủy ban Tài chính và Ngân sách tuy là đồng tình hay không đồng tình nhưng tôi nghĩ đó là những ý rất quan trọng, gợi ra tính 2 mặt của một chính sách. Nếu càng phải cố gắng để khi đặt ra rồi thì tổ chức điều hành như thế nào để hạn chế tối đa những mặt trái. Về cơ bản tôi đồng tình mặc dù thấy nó hết sức khó khăn và hiệu quả lớn đến mức nào cũng chưa dám nói nhưng tôi nghĩ là cần thiết.

 

Tuy nhiên, tôi thấy Điểm 2 của Nghị quyết là bây giờ giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp đối với kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, sinh viên, học sinh, trông giữ trẻ... chỗ này mặc dù Bộ trưởng cũng đã thuyết trình cam kết quản lý rất chặt chẽ, nhưng thực sự vẫn lo lắng. Trước đây chúng ta cũng đưa ra chủ trương là có một chế độ ưu đãi đối với những người xây nhà cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê và cũng cam đoan rằng sẽ bảo đảm những người này thuê đúng đối tượng nhưng vẫn không đồng tình vì không thấy được khả năng quản lý. Hiện nay có một việc vẫn không giải quyết được đó là công nhân, sinh viên thuê nhà trọ của hộ gia đình, cá nhân phải chịu tiền điện, tiền nước theo giá khác. Mặc dù chuyện đơn giản như vậy thôi mà cũng không làm gì được... cho nên, tôi vẫn không tin lắm vào lợi ích đến với người lao động, học sinh, sinh viên như ở trong này.

 

Theo Báo Đại biểu nhân dân


    Ý kiến bạn đọc