GIỚI THIỆU TÓM TẮT CÁC DỰ ÁN LUẬT VÀ NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QH KHÓA XIII.
EmailPrintAa
16:55 18/01/2013

 

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua 9 dự án luật và 10 Nghị quyết đồng thời cho ý kiến 6 dự án luật khác để kỳ họp thứ 5 sẽ trình quốc hội xem xét thông qua. Thông tin Đại biểu nhân dân Hà Tĩnh xin giới thiệu tóm tắt nội dung của các Luật và Nghị quyết Quốc hội đã thông qua. 

 

1. Các dự án luật được Quốc hội thông qua, cho ý kiến

a) Các dự án luật được Quốc hội thông qua

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư

Luật luật sư được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư gồm 2 điều để sửa đổi một số điều của Luật luật sư vàbổ sung thêm Điều 92a quy định Điều khoản chuyển tiếp. Các nội dung sửa đổi quy định mới về những nội dung như: chức năng xã hội của luật sư, nguyên tắc quản lý luật sư và hành nghề luật sư; các hành vi bị nghiêm cấm; đào tạo luật sư…

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2013.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực

Luật điện lực được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành 01/7/2005. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực gồm 3 điều. Điều 1 của Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Điện lực như  quy định về giá điện và các loại phí; quy hoạch phát triển điện; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo lường điện; giá bán điện ở nông thôn… Điều 2 sửa đổi một số thuật ngữ như: thay cụm từ “quy hoạch phát triển điện lực địa phương” bằng cụm từ “quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh”; thay cụm từ “phí dịch vụ phụ trợ” bằng cụm từ “giá dịch vụ phụ trợ”; thay cụm từ “phí truyền tải điện” bằng cụm từ “giá truyền tải điện” …

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2013.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế

Luật quản lý thuế được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi  hành từ ngày 1/7/2007. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế gồm 2 điều để sửa đổi, bổ sung một số quy định có nội dung như: quy định về việc áp dụng quản lỷ rủi ro trong quản lý thuế; địa điểm nộp hồ sơ kê khai thuế; thời hạn nộp thuế; xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; thẩm quyền gia hạn nộp thuế...

Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2013.

- Luật hợp tác xã (sửa đổi)

Luật Hợp tác xã năm 2003 được Quốc hội XI thông qua tại kỳ họp thứ 4 và có hiệu lực 01/7/2004. Luật hợp tác xã (sửa đổi) gồm 9 chương, 64 điều quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đối tượng áp dụng là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên hợp tác xã (sau đây gọi là thành viên), hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi là hợp tác xã thành viên) và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức, hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

- Luật Xuất bản (sửa đổi)

Luật xuất bản năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản năm 2008 đã bộc lộ những bật cập cho sự phát triển của ngành xuất bản trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Luật xuất bản sửa đổi lần này gồm có 6 chương, 54 điều quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản (bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành bản phẩm). Luật này có bổ sung thêm chương V quy định về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân

Luật thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân gồm 2 Điều để sửa đổi một số quy định cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, như mức giảm trừ gia cảnh; phạm vi đối tượng tính thuế; kỳ tính thuế; thủ tục kê khai thuế; quyết toán thuế…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.


Đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII
 

 

- Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, để thực hiện Kết luận tại Hội  nghị Trung ương lần thứ 5, khóa XI và khắc phục những bất cập, hạn chế trong mô hình, tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng; khắc phục những tồn tại của việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập; về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; về quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng… Nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)gồm 2 Điều để sửa đổi, bổ sung một số quy định về công khai, minh bạch: trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, trong quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong việc thực hiện chính sách dân tộc; công khai bản kê khai tài sản, nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2013.

- Luật dự trữ quốc gia

Luật này quy định việc hình thành, tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc hình thành, tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng dữ trữ quốc gia. Theo đó, Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạt, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của nhà nước.

Luật có 6 chương, 66 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013.

- Luật thủ đô

Luật này quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật khẳng định, Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội, với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Luật này có 4 chương, 27 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013.

b) Các dự án pháp luật được Quốc hội cho ý kiến

Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 6 dự án luật, gồm: Luật khoa học và công nghệ; Luật đất đai (sửa đổi); Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Luật hòa giải cơ sở; Luật phòng, chống khủng bố; Luật giáo dục quốc phòng – an ninh.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, kịp thời chỉnh lý các dự án Luật này để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp sau.

2. Các Nghị quyết được Quốc hội thông qua

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết, gồm:

- Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2013.

- Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013.

- Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2013.

- Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992:Nhằm phát huy quyền làm chủ và tạo sự đồng thuận, huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân để nhân dân thể hiện được ý chí, nguyện vọng của mình trong việc xây dựng Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết này, để tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đai biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; hình thức lấy ý kiến đa dạng, phong phú (góp ý trực tiếp, góp ý bằng văn bản, thông qua tọa đàm, hội thảo, hội nghị, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua Website htttp://duthaoonline.quochoi.vnvà các hình thức phù hợp khác). Thời gian lấy ý kiến của nhân dân từ ngày 02/01/2013 đến ngày 31/03/2013.

- Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn: Nghị quyết này quy định đối tượng, quy trình, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; mục đích; nguyên tắc; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm; phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm; thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm...Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/02/2013.

- Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013: Nghị quyết nàyquy định các nội dung giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, tại kỳ họp thứ 5, thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội giám sát tối cao thông qua hoạt động xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 và thứ 5của Quốc hội; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012”.

- Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai: Nghị quyết này của Quốc hội khẳng định những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và yêu cầu Chính phủ triển khai các giải pháp để thực hiện tốt chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc ban hành, thực hiện các quyết định hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

- Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại: Nghị quyết này khẳng định kết quả thành công của việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) chính là sự thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng được quy định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án dân sự. Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015.Các tổ chức Thừa phát lại đã được thành lập và hoạt động theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 được tiếp tục hoạt động từ ngày 01 tháng 7 năm 2012 cho đến khi Quốc hội có quyết định mới.

- Nghị quyết về công tác tư pháp: Để khắc phục những hạn chế trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết này, yêu cầu Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để năm 2013 đạt được những chỉ tiêu cụ thể, có chuyển biến rõ rệt, tạo đà ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật trong những năm tiếp theo…

- Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, trong đó giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét những nội dung được đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp và những chất vấn khác được gửi đến trong thời gian giữa hai kỳ họp để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiến hành các phiên họp giải trình của các Bộ trưởng, Trưởng ngành về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách được cử tri kiến nghị và đại biểu Quốc hội chất vấn; các đại biểu Quốc hội giành thời gian tham dự các phiên chất vấn và giải trình.


    Ý kiến bạn đọc