Lộc Hà khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên để phát triển bền vững
EmailPrintAa
08:42 24/04/2012

Vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên phong phú, Lộc Hà đang hướng tới mục tiêu trở thành đô thị, du lịch, dịch vụ biển, là khu “hậu cần” cho thành phố Hà Tĩnh và Khu công nghiệp khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa của tài nguyên thiên nhiên trong chiến lược phát triển, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân Lộc Hà đã triển khai các bước thích hợp trong khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên để đẩy nhanh tốc độ phát triển theo hướng bền vững

 

Ngay sau khi thành lập, huyện đã chỉ đạo công tác nghiên cứu, đánh giá, phát hiện tiềm năng, trữ lượng, chất lượng và phân bố nguồn tài nguyên trên địa bàn; xây dựng kế hoạch và quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên trong vùng hợp lý và hiệu quả thông qua việc hình thành vùng sản xuất phù hợp với thế mạnh của từng địa phương trong huyện. Tuyên truyền, hướng dẫn cho người khai thác tài nguyên phương pháp khai thác, sử dụng cũng như ý nghĩa của việc khai thác hợp lý tài nguyên đối với cộng đồng. Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể sản xuất kinh doanh áp dụng phương pháp sản xuất hiện đại, đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Giao quyền khai thác, sử dụng và bảo vệ một số loại tài nguyên lâu dài cho những thành phần kinh tế thích hợp như tài nguyên rừng, biển, ao hồ, mặt nước… để chủ sở hữu yên tâm đầu tư sản xuất, phát huy tính sáng tạo, tổ chức khai thác tài nguyên hợp lý, sản xuất nhiều hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 Mặc dù cấp uỷ, chính quyền và người dân Lộc Hà đã có nhiều cố gắng trong quy hoạch, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên, nhưng theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì nguồn tài nguyên ở Lộc Hà hiện đang được khai thác và sử dụng chưa hợp lý. Điều này được thể hiện ở hiệu quả sử dụng đất/ha trong nông nghiệp còn thấp, diện tích đất chưa sử dụng còn nhiều (13% diện tích tự nhiên); khai thác tài nguyên biển để phát triển du lịch còn rất hạn chế, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm; nguồn nước ngầm và nước mặt chưa được đánh giá và khai thác hiệu quả...

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II đề ra là “đẩy nhanh tốc độ phát triển trên nguyên tắc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên để đảm bảo phát triển bền vững”. Để thực hiện mục tiêu đó, UBND huyện chỉ đạo quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn tài nguyên thông qua việc thu thuế để tăng ngân sách cho địa phương. Đồng thời, giám sát hoạt động khai thác tài nguyên một cách thường xuyên hoặc theo định kỳ như quản lý phương tiện khai thác thủy sản, khai thác cát, đá xây dựng...; tìm hiểu mức độ tác động của hoạt động khai thác đến trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên và môi trường; ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc những chủ thể khai thác không theo quy định, làm thất thoát tài nguyên và tổn hại đến môi trường.

Đối với việc khai thác những tài nguyên quan trọng, huyện tổ chức đấu thầu rộng rãi, công bằng, tạo cơ hội như nhau cho các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên ở huyện để phát triển kinh tế thông qua năng lực của mình, nhất là trên các lĩnh vực liên quan đến du lịch và dịch vụ biển. Qua đó, lựa chọn những đơn vị sản xuất có ưu thế về nguồn vốn đầu tư, tiên tiến về quy trình công nghệ, có thể khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ thể khai thác tài nguyên có thể tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, hiện đại hóa cơ sở sản xuất hiện có và mua mới phương tiện, thiết bị sản xuất (máy nông nghiệp, tàu thuyền đánh bắt, ao hồ để nuôi trồng, kho cấp đông, quảng bá du lịch, xây dựng khu vui chơi, nghỉ dưỡng…). Đây là yếu tố cần thiết để các hộ sản xuất, kinh doanh nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên, tăng năng suất lao động.

Tuyên truyền, tập huấn để chủ thể khai thác, sử dụng tài nguyên tự chủ trong sản xuất, học hỏi những mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả ở trong và ngoài địa bàn sinh sống để áp dụng vào tổ chức sản xuất hiệu quả, phát triển các ngành kinh tế ở Lộc Hà. Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm tài nguyên trên địa bàn huyện, cấp uỷ đảng, chính quyền định hướng để người sản xuất, kinh doanh khai thác lợi thế so sánh của huyện, tìm tòi, sáng tạo, hình thành những ngành, sản phẩm đặc thù, gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên như các ngành công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản (tạo nên các thương hiệu nổi tiếng về chất lượng và có giá thành hợp lý như nước mắm, ruốc kem...); hình thành các tuyến, điểm dịch vụ du lịch biển-rừng-di sản; phát triển dịch vụ ẩm thực chế biến từ các nguồn hải sản, nông sản trong vùng, phục vụ nhu cầu du khách tại các nhà hàng - khách sạn, các cơ sở lưu trú dịch vụ khác...

Khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đầu tư xây dựng các công trình, trang bị phương tiện có thể cải tạo tự nhiên, tăng vai trò của nguồn tài nguyên hiện có ở huyện. Như việc nghiên cứu, xây dựng các công trình để cải tạo và khai thác nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn ở Hộ Độ, Thạch Mỹ, Phù Lưu, Ích Hậu, sự tác động của thủy triều và sóng, bão ở Thịnh Lộc, Thạch Bằng, Thạch Kim... góp phần vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.

Khai thác lợi thế của huyện “đi sau”, Lộc Hà có nhiều phương án để lựa chọn mô hình phát triển, sự đúng hướng trong khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên sẽ giúp Lộc Hà phát triển ổn định, bền vững và ít phụ thuộc vào bên ngoài, tạo sự đa dạng về ngành nghề cũng như chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Dù “thời kỳ quá độ” để trở thành huyện có du lịch, dịch vụ phát triển còn dài, nhưng với truyền thống cách mạng và những bước đi vững chắc trong khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên sẽ đưa Lộc Hà phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.


    Ý kiến bạn đọc