Nâng cao chất lượng giám sát của HĐND trên lĩnh vực tư pháp
EmailPrintAa
08:39 29/10/2015

Giám sát là một trong hai chức năng quan trọng của HĐND. Bên cạnh hoạt động giám sát thường xuyên thì giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND và các Ban HĐND là hoạt động thể hiện rõ nét nhất chức năng này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chức năng giám sát HĐND trên lĩnh vực tư pháp cũng bộc lộ nhiều bất cập. Với nỗ lực, đổi mới hoạt động giám sát, trong đó có hoạt động giám sát trên lĩnh vực tư pháp, trong những năm qua, HĐND thị xã Hồng Lĩnh đã có những cách làm hay, sáng tạo góp phần đổi mới hoạt động của cơ quan tư pháp, thực hiện tốt chương trình cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Theo quy định từ Điều 66 đến điều 69, Luật Tổ chức HĐND và UBND và Quy chế hoạt động HĐND các cấp năm 2005 thì HĐND có quyền giám sát hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, hoạt động của TAND, VKSND cùng cấp; giám sát cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang Nhân dân và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và các nghị quyết của HĐND cùng cấp.


Đại biểu Nguyễn Xuân Hoàng - thành viên Ban Pháp chế chất vấn Chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh tại kỳ họp thứ 7

 

Theo đó, các đoàn giám sát của HĐND có các quyền: yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, giải trình những vấn đề đoàn giám sát quan tâm; xem xét, xác minh những vấn đề đoàn giám sát thấy cần thiết; khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đoàn giám sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định. Thực tiễn cho thấy, giám sát của HĐND cấp tỉnh và cấp huyện đối với hoạt động tư pháp chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND nên hoạt động giám sát này còn mờ nhạt so với các lĩnh vực khác. Bản thân khái niệm “hoạt động tư pháp” cũng chưa được hiểu thống nhất. Có quan điểm hiểu “hoạt động tư pháp” chỉ bao gồm hoạt động xét xử của Tòa án; ý kiến khác cho rằng, “hoạt động tư pháp” bao gồm quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; quan điểm khác lại cho rằng, “hoạt động tư pháp” còn bao gồm cả việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trên lĩnh vực này.

 

Mặc dù vậy, trên cơ sở các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND hiện hành, có thể hiểu giám sát của HĐND đối với hoạt động tư pháp là giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của UBND, Công an, Toà án Nhân dân (TAND), Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) cùng cấp trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương liên quan đến lĩnh vực tư pháp; giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

 

Tại thị xã Hồng Lĩnh, trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Quy chế hoạt động của HĐND 2005, tại các kỳ họp, HĐND đã dành nhiều thời gian cho việc xem xét, thảo luận các báo cáo về hoạt động tư pháp; chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp các nội dung liên quan đến hoạt động tư pháp đã được chú trọng, tính từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đến nay, tại 3/11 kỳ họp, HĐND thị xã đã đưa hoạt động xét xử của Tòa án, hoạt động Thi hành án ra chất vấn trực tiếp, với nhiều ý kiến, làm rõ nhiều vấn đề mà cử tri Hồng Lĩnh quan tâm. Nội dung giám sát chuyên đề về hoạt động tư pháp được chú trọng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND và các Ban HĐND thị xã đã tổ chức giám sát 5 chuyên đề liên quan đến hoạt động của khối tư pháp (Thường trực HĐND tổ chức 02 chuyên đề; Ban Pháp chế tổ chức 03 chuyên đề) được đông đảo cử tri quan tâm và ủng hộ. Các kết luận giám sát trong hoạt động tư pháp đã đánh giá sát tình hình thực tế, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất có tác động tích cực, giúp các cơ quan tư pháp phát huy ưu điểm, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót.

 

Tuy nhiên, trong quá trình giám sát vẫn còn một số hạn chế như hình thức giám sát chủ yếu chỉ nghe báo cáo bằng văn bản, thiếu khảo sát, kiểm tra, đối chứng thực tế; thời gian giám sát quá ít, thường bố trí một buổi nên khó phát hiện được vấn đề; thành viên Ban Pháp chế HĐND hoạt động kiêm nhiệm nên việc dành thời gian cho hoạt động giám sát còn ít; chuyên gia am hiểu lĩnh vực tư pháp của cơ quan dân cử hầu như không có, trong khi nghiệp vụ hạn chế nên một số vấn đề mang tính chuyên ngành chưa sâu sát, khó khăn trong tiếp cận vấn đề, phải nhờ chuyên môn các đơn vị nên không tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”; một số đối tượng được giám sát chưa thực sự đồng tình, ủng hộ, báo cáo phục vụ đoàn còn sơ sài; việc trả lời ý kiến chất vấn tại kỳ họp một số vấn đề chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, còn vòng vo, làm cho Nhân dân bất bình. Tái giám sát việc thực hiện ý kiến chất vấn, kết luận giám sát chuyên đề chưa thực hiện được thường xuyên, mặt khác đến nay, vẫn chưa có quy định chế tài đủ mạnh đối với hành vi không thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

 

Để nâng cao chất lượng giám sát của HĐND trên lĩnh vực tư pháp, trước hết là phải nâng cao nhận thức về vai trò hoạt động giám sát của HĐND: Cấp ủy Đảng các cấp nhận thức đúng vai trò của hoạt động giám sát của HĐND để có chủ trương, đường lối cụ thể trong lãnh đạo hoạt động của HĐND, tạo điều kiện cho HĐND các cấp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND cần nhận thức đúng đắn vai trò hoạt động giám sát của HĐND để tự tin tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình. UBND, TAND, VKSND, Công an, các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân chịu sự giám sát cần nhận thức đúng đắn vai trò của hoạt động giám sát tư pháp của HĐND để thực hiện nghiêm túc những yêu cầu đặt ra của chủ thể giám sát. Trên cơ sở đó, phát huy những kết quả đạt được, tiếp thu, sửa chữa những thiếu sót, hạn chế với tinh thần cầu thị để cơ quan, đơn vị mình ngày càng tốt hơn, chính quyền ngày càng mạnh hơn.

 

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản liên quan để tổ chức thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương để sớm kiện toàn tổ chức HĐND trong nhiệm kỳ mới. Theo đó, tăng cường số lượng và chất lượng cho Thường trực HĐND, các Ban HĐND, nhất là Ban Pháp chế về con người và Văn phòng giúp việc cũng như các điều kiện đảm bảo hoạt động khác. Số lượng thành viên Ban Pháp chế nên bố trí từ 5-7 thành viên, 01 người chuyên trách; cơ cấu thành viên Ban theo hướng tăng đại biểu cơ quan Đảng, đoàn thể và các chuyên gia có năng lực, am hiểu hoạt động tư pháp, nhiệt tình và tâm huyết. Tăng cường vai trò của Tổ đại biểu HĐND, phát huy tốt nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức để đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri; tổ chức việc tiếp công dân của đại biểu HĐND; tổ chức để đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát; phân công đại biểu HĐND trong Tổ tham gia Đoàn giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND... Kiện toàn bộ máy Văn phòng HĐND - UBND theo hướng tách riêng Văn phòng HĐND, tuyển chọn những người có chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ hoạt động của HĐND.

 

Thứ ba, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND, Quốc hội cần sớm ban hành luật giám sát. Trong đó, cần cụ thể hóa sự phối hợp giữa hoạt động giám sát của HĐND với hoạt động giám sát của các cấp ủy Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các đoàn thể chính trị - xã hội, quy định rõ các chế tài cần thiết đảm bảo phát huy hiệu quả hoạt động giám sát.

Cuồi cùng, cần tăng cường hoạt động chất vấn tại kỳ họp cũng như xem xét các báo cáo, văn bản của ngành tư pháp trình kỳ họp, nâng cao hoạt động thẩm tra của Ban Pháp chế trên lĩnh vực tư pháp.


    Ý kiến bạn đọc