Người lính đánh thắng “giặc” đói nghèo
EmailPrintAa
07:28 16/04/2013

Nghe Chủ tịch Hội CCB Trần Trọng Loan khoe với chúng tôi: Hiện nay Hội CCB xã Hương Trạch ( Hương Khê – Hà Tĩnh ) quê anh có rất nhiều hộ gia đình làm ăn giỏi, kinh tế VAC phát triển như gia đình anh Phan Xuân Khang, Võ Hồng Kỷ, Phan Xuân Lục và 35 gia đình khác… đặc biệt người lính xung kích đi đầu trong việc khai phá rừng hoang, mở mang mô hình trang trại là CCB Trần Thanh Duyên ở xóm Kim Sơn là người rất giỏi, kiên trì, táo bạo thành công trở thành tấm gương xung kích trên trận tuyến đánh thắng giặc đói nghèo khiến cả xã khâm phục. Thế rồi theo bước chân thoăn thoắt của chủ tịch CCB với sức vóc cường tráng, nhanh nhẹn, chúng tôi đi tìm người lính làm giàu trên đất cằn sỏi đá…
          Đến một khu nhà nghỉ khang trang được xây dựng trong một khuôn viên thoáng rộng, có đập nước, hồ cá và có cả một thác nước nhỏ, bao quanh là một vùng rừng Keo ngút ngàn từ đường lên tới đỉnh đồi trông thật đẹp mắt. CCB Trần Thanh Duyên giới thiệu với chúng tôi: Trang trại của anh hiện có 50ha, 1000m2 ao hồ nuôi cá, 300 con gia cầm và đàn trâu bò trên 20 con. Hiện nay trung bình hằng năm gia đình thu hoạch trừ chi phí đầu vào đạt từ 250-300 triệu đồng. Trong đó chăn nuôi, trồng cây ăn quả đạt 80-90 triệu đồng, trồng rừng 130-150 triệu, kinh doanh nhà hàng 40-50 triệu… giải quyết công ăn việc làm cho 25 lao động là con em CCB của xã Hương Trạch. Ở một vùng núi xa xôi của huyện Hương Khê mà làm được như thế quả là điều không tưởng.
 
Cựu chiến binh Trần Thanh Duyên- Phó Chủ tịch HĐND xã Phúc Trạch bên mô hình VAC (Ảnh Văn Đình).
Cựu chiến binh Trần Thanh Duyên- Phó Chủ tịch HĐND xã Hương Trạch bên mô hình VAC (Ảnh: Văn Đình).
       
        Nhâm nhi ly chè đặc, CCB Trần Thanh Duyên kể với chúng tôi về những ngày đầu gian khó: Sau chiến thắng năm 1975 mặc dù trong chiến đấu anh có nhiều thành tích được đơn vị cử đi học lớp sỹ quan, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn anh phải xin ra quân. Lúc mới về, trước hoàn cảnh khó khăn chung của địa phương ruộng thì ít, nhưng đất trống đồi trọc thì nhiều, nông dân sống chủ yếu dựa vào nghề chặt gỗ, đốn củi trên rừng bán kiếm sống hàng ngày, có người bỏ quê đi làm ăn xa song cuộc sống quanh năm vẫn lận đận; cái đói cái nghèo cứ đeo đẳng mãi, gia đình anh 5 con nhỏ hàng ngày kiếm đủ cái ăn cái mặc đã khó chứ chưa tính đến chuyện làm giàu.
 
        Đang trong lúc khốn khó thì Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng theo chương trình 327, anh như người chết đuối vớ được cọc. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ: làm gì để thoát nghèo, nhà nước có chủ trương như thế liệu mình có làm được không? Sau khi bàn bạc kỹ với vợ, tham khảo ý kiến bạn bè, anh đi xem địa hình rồi quyết định nhận đất, lập trang trại để trồng cây ăn quả, trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Vạn sự khởi đầu nan, nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào việc mới bộn bề bao khó khăn phức tạp. Nào là thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết cả khoa học kỹ thuật, nhân lực lao động. Nhưng với bản lĩnh người lính được tôi luyện trong những năm chiến đấu đã làm anh không hề nản lòng. Anh đã lặn lội đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, sau đó trở về vay ngân hàng 200 triệu đồng nhận 10ha đất trang trại. Trang trại được quy hoạch cụ thể, chi tiết: vùng đất thấp màu mỡ trồng cây ăn quả như: Bưởi Phúc Trạch, Cam, Vải Thiều, vì đây là loại cây đặc sản ở quê ít nhiều anh đã có kinh nghiệm. Thời gian cây sinh trưởng ngắn, lại có hiệu quả kinh tế cao. Còn những nơi đồi núi dốc anh quy hoạch trồng  cây Keo, Tràm. “ Cái khó ló cái khôn “ trong lao động càng ngày anh càng rút được nhiều kinh nghiệm về chọn giống, chăm sóc cây trồng và áp dụng KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt phòng trừ dịch bệnh gia súc gia cầm. Một thời gian sau trang trại của anh ngày càng phát triển, diện tích ngày càng mở rộng. Từ 10ha lên 50ha, ao hồ từ 500m2 lên tới hàng ngàn mét, đàn Trâu Bò có lúc cao điểm lên tới 32 con, gia cầm 300 con.
 
         Nghe CCB Trần Thanh Duyên tâm sự, chủ tịch CCB Trần Trọng Loan chen vào: Ngoài làm giàu cho bản thân, đồng chí Duyên còn tích cực hướng dẫn cho anh em CCB, bà con nông dân kinh nghiệm phát triển kinh tế theo mô hình VAC, gương mẫu trong công tác xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, quỹ khuyến học, nhờ vậy được Đảng bộ chính quyền và nhân dân trong xã tin tưởng, Nhiệm kỳ 2011-2016 anh được bầu vào HĐND xã và giữ chức Phó Chủ tịch HĐND xã Hương Trạch. Anh thật sự là tấm gương tiêu biểu về CCB làm kinh tế giỏi của CCB tỉnh Hà Tĩnh đi dự Hội nghị do TW Hội CCB Việt Nam tổ chức.

    Ý kiến bạn đọc