Chúng tôi trở lại những vùng đất trước đây là nơi chôn rau cắt rốn của bà con nhân dân các xã Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long của huyện Kỳ Anh. Nếu trước đây, những vùng đất này là những ruộng trồng hoa màu, lúa, là bến bờ của tàu thuyền cập bến hay ra khơi đánh bắt hải sản thì nay đã trở thành những đại công trường đang thi công ồ ạt, sôi động của Dự án Khu liên hiệp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương của tập đoàn FOR MOSA, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng… Để phục vụ cho dự án này, với sự triển khai quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Kỳ Anh đã thực hiện thành công trong công tác giải phóng mặt bằng, vận động bà con nhân dân di dời để nhường đất cho dự án. Dẫu khó khăn vất vả, nhưng ngay từ lúc bắt tay vào công tác giải phóng mặt bằng các đồng chí, các ban, ngành, đoàn thể đến lãnh đạo huyện Kỳ Anh đã đến “từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, vận động bà con nhân dân di dời nhường đất cho dự án. Sau hơn 10 năm vật lộn với công tác giải phóng mặt bằng cho hàng trăm dự án nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh hoàn thành việc di dời hơn 3.000 hộ với hơn 15.000 người dân, hơn 12.000 ngôi mộ, 35 nhà thờ Thiên Chúa giáo và nhà thờ họ cùng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội của bốn xã: Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Lợi và Kỳ Phương đến vùng tái định cư. Đồng thời, giải phóng mặt bằng sạch 3.300ha (trong đó hơn 1.300ha mặt nước và hơn 1.900ha đất) bàn giao cho nhà đầu tư. Người dân di dời được đền bù, hỗ trợ tái định cư hơn 2.900 tỷ đồng và được hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm… Riêng đối với dự án xây dựng khu liên hiệp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của tập đoàn Formosa, huyện Kỳ Anh đã lập kỷ lục về giải phóng mặt bằng sạch 3.300ha chỉ thời gian ngắn mà không gây ảnh hưởng và xáo trộn lớn cuộc sống của người dân phải di dời trong vùng dự án. Trong đó, dự án xây dựng nhà máy luyện thép của tập đoàn Formosa với công suất 15 triệu tấn/năm - lớn nhất Châu Á và Cảng nước sâu Sơn Dương cho tàu 30-35 vạn tấn vào “ăn hàng” với tổng số vốn hơn 15 tỷ USD. Giai đoạn 1 dự án là nhà máy luyện thép công suất 7,5 triệu tấn/năm và cảng nước sâu Sơn Dương với số vốn đầu tư 7,9 tỷ USD; thời gian hoàn thành dự án từ 4-4,5 năm, kể từ lúc nhà đầu tư nhận bàn giao mặt bằng sạch, dự án sau hoàn thành sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Kỳ Anh tiếp tục triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng 84 dự án, diện tích đất thu hồi 1.821ha, số hộ ảnh hưởng 16.014, số tiền bồi thường 1.477 tỷ đồng.
... Giúp dân di dời nhà cửa giải phóng mặt bằng |
Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của Kỳ Anh đã gặt hái được sự thành công lớn; không chỉ giải phóng được lượng lớn diện tích để thực hiện dự án mà qua mỗi lần giải phóng mặt bằng, tái định cư sự đồng thuận của người dân ngày càng cao. Hà Tĩnh đã và đang có thêm những dự án lớn, mang tầm quốc gia, khu vực, quốc tế tiếp tục đầu tư vào, vì thế những bài học lớn về giải phóng mặt bằng, tái định cư của Kỳ Anh xứng đáng để nhiều địa phương trong tỉnh học hỏi.
Bài học từ công tác giải phóng mặt bằng
Ngay từ khi các dự án bắt đầu khởi động, tỉnh, huyện Kỳ Anh đã xác định khó nhất là việc giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Nhiều cuộc họp diễn ra, có những cuộc họp kéo dài và tranh luận gay gắt bởi các đồng chí lãnh đạo đều cho rằng: đưa người dân từ chỗ làm ăn khó khăn, đời sống bấp bênh lên chỗ khác để ở không khó nhưng làm cách nào để khi người dân từ chỗ ở cũ lên chỗ ở có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, vui vẻ, đồng thuận thì lại vô cùng khó. Dù như thế nào đi nữa thì chỗ ở cũ cũng là nơi “chôn rau cắt rốn”; ở nơi đó họ có nhà cửa, mồ mả ông bà, nơi mưu sinh qua đời này đến đời khác; lên nơi ở mới liệu có thể tạo cho người dân có được cuộc sống tốt hơn không? Nhận thức của đại đa số người Việt Nam đều nặng về tâm linh thì việc di dời mồ mả tổ tiên ông bà lên liệu có được người dân đồng thuận cao hay không… Đó là sự trăn trở không ít lãnh đạo, cán bộ huyện Kỳ Anh, tỉnh khi tiến hành công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án. Có thể nói, việc nhận thức đầy đủ trước những khó khăn, phức tạp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội ở huyện Kỳ Anh là bước đầu tiên thành công của chuỗi thành công sau này. Thay đổi đầu tiên phải là tư duy người cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ, có thể thay đổi được tư duy cán bộ thì từ người cán bộ đó mới có cách nghĩ, cách làm cho người dân hiểu và thực hiện theo đúng chủ trương, chính sách đề ra.
Song song với việc đó, đội ngũ cán bộ chủ chốt của Huyện ủy, UBND, các ban, ngành, đoàn thể huyện đã được huy động, giao nhiệm vụ cụ thể, về tại các địa bàn để nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, tâm trạng của từng người dân. Từ đó, chủ động tuyên truyền, giải thích chủ trương, chính sách, luật pháp đến từng người. Đặc biệt công khai giá đền bù, hỗ trợ; quyền lợi người bị thu hồi đất, người bị ảnh hưởng của dự án và tiêu chuẩn điều kiện của các hộ trong diện tái định cư... Trong quá trình vận động tuyên truyền, bên cạnh việc phát huy dân chủ, hầu hết cán bộ chủ chốt và đảng viên đều nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, nhất là những cán bộ, đảng viên trong diện bị thu hồi đất, bị giải tỏa. Đối với những trường hợp cá biệt, đoàn công tác tranh thủ vai trò, uy tín của các cán bộ về hưu, người cao tuổi, các chức sắc tôn giáo, các linh mục, Ban hành giáo, Ủy ban đoàn kết Công giáo, các giáo xứ, giáo họ để vận động, giác ngộ, động viên bà con giáo dân chấp hành chủ trương, chính sách đền bù, giải tỏa.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền đã bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh để triển khai thực hiện, đảm bảo “Dân chủ - công khai - công bằng - đúng luật”; Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành hàng trăm văn bản các loại như Nghị quyết, chỉ thị, Thông báo kết luận, Quyết định, Công văn để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng. Huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tham gia tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Năm 2012, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã thành lập 21 đoàn, tổ công tác; huy động gần 209 lượt cán bộ lãnh đạo, chuyên viên các ban Đảng, các phòng ban UBND, MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội cấp huyện tham gia tuyên truyền từng bước triển khai dự án, đo vẽ địa chính, kiểm kê, kiểm đếm, nhận tiền bồi thường, tháo dỡ, di dời; tuyên truyền không được xây dựng cơi nới trái phép… với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Trọng Bính - Bí thư Huyện ủy cho biết: “Việc thu hồi đất, giải tỏa, đền bù và tái định cư là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn với nhiều cam go, vất vả. Để hoàn thành được nhiệm vụ đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải được nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Muốn nhân dân đồng thuận thì người cán bộ làm nhiệm vụ giải tỏa, đền bù phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để giải quyết công việc, tuyệt đối tránh tình trạng áp đặt, mệnh lệnh, chủ quan. Mọi thắc mắc, kiến nghị và quyền lợi chính đáng của người dân đều phải được xem xét, giải quyết cụ thể, thỏa đáng trên cơ sở chính sách, pháp luật quy định”.
Giờ đây, cuộc sống của bà con nhân dân ở các xã phía Nam Kỳ Anh đổi thay đến chóng mặt, không còn cảnh đói nghèo, lam lũ và cả những cái làng quê chỉ có gió, mưa, bão, lũ và đói nghèo ấy hôm nay trở thành điểm nhấn của công nghiệp hoá hiện đại hoá. Cảng Vũng Áng ra đời, Cảng Sơn Dương được xây dựng, Khu nhiệt điện Vũng Áng được triển khai, rồi dự án siêu quốc gia có tên gọi Formosa đã được xây dựng vì những mục tiêu lớn hơn, lâu dài hơn của quê hương đất nước. Những mất mát tình cảm, những nỗi đau tâm hồn, những tổn thất tâm linh và thua thiệt có chăng của người dân âu cũng là điều khó tránh khỏi trong công cuộc hiện đại hóa quê hương, đất nước; Cầm lòng vậy, đành lòng vậy nhưng vì theo ý Đảng, vì tất cả tương lai quê hương đất nước, vì con cháu của mình mai sau. Tất cả như một cuộc thiên di lớn. Đảng bộ huyện Kỳ Anh, những người có trách nhiệm trước nhất trong các cuộc thiên di ấy. Một diện mạo của thị xã khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị phía Nam của tỉnh đang dần dần được hình thành.
Tin mới cập nhật
- Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 22, HĐND huyện Nghi Xuân khóa XXI ( 25/12)
- Vũ Quang: Thông qua nhiều nghị quyết tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 ( 24/12)
- Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 17, HĐND huyện Kỳ Anh khóa XX ( 23/12)
- Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Hà Tĩnh khóa XXI ( 20/12)
- Thị xã Kỳ Anh: Ban hành 05 nghị quyết tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 ( 20/12)
- HĐND huyện Hương Sơn quyết nghị nhiều nội dung quan trọng ( 19/12)