Những ước vọng "treo"
EmailPrintAa
09:30 12/04/2013

Là địa phương có số người đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc đông nhất huyện Cẩm Xuyên, đưa về nguồn thu chiếm 40% tổng thu của xã nhưng do tình trạng lao động bỏ trốn ở nước bạn nên Cẩm Nam là 1 trong 3 địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đã bị Bộ Lao động thương binh xã hội ra quyết định “tạm thời” không tiếp nhận lao động ở đây đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc theo chương trình EPS. Chính điều đó đang “treo” biết bao ước vọng xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây
Chúng tôi có mặt tại gia đình anh Nguyễn Đình Tiến ở thôn Nam Tiến, xã Cẩm Nam đúng vào thời điểm người dân nơi đây đang tập trung cho việc xuống giống vụ lúa đông xuân 2011 - 2012. Là vựa lúa của cả huyện nên những ngày này ai ai cũng khẩn trương ra đồng. Tuy nhiên, bố mẹ của Tiến vẫn giành toàn bộ thời gian để con ở nhà ôn lại tiếng mong có ngày được gọi đi thi. Số là, anh Tiến đã tham gia lớp học tiếng Hàn từ tháng 10 năm 2010 nhưng sau đó do tình trạng lao động Việt Nam khi xuất cảnh vào Hàn Quốc bỏ trốn nhiều nên phía Hàn Quốc đã tạm hoãn kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào tháng 8 năm 2011. Kém may mắn hơn nữa là sau đó, khi có thông báo về việc tiếp nhận lại lao động Việt Nam sang Hàn Quốc thì Bộ Lao động thương binh và xã hội lại ra thông báo riêng đối với 3 xã Cương Gián (Nghi Xuân), Kỳ Ninh (Kỳ Anh) và Cẩm Nam (Cẩm Xuyên) là tạm hoãn việc lấy lao động ở 3 địa phương này do có trên 5 lao động bỏ trốn. Thế là, khát vọng xóa nghèo, khát vọng đổi đời của chàng thanh niên Nguyễn Đình Tiến lại bị “treo”. Tiến tâm sự: “Học xong cấp 3, em đã đi Nam làm đủ mọi nghề mong có tiền giúp đỡ bố mẹ  vì nhà em bây giờ chỉ biết trông vào em thôi nhưng công việc ở đó không ổn định, thu nhập thấp mà phí sinh hoạt ở thành phố lại cao. Không có tiền gửi về, eo hẹp trong việc lo cho bản thân nên em đã bỏ về quê. Bố mẹ và anh em họ hàng khuyên em đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Em đã học tiếng nhưng do lệnh cấm tuyển chọn người ở Cẩm Nam nên em không được tham gia thi như bao người bạn cùng học. Tuy nhiên, em vẫn rất hi vọng một ngày nào đó sẽ có sự thay đổi. Vì vậy, hàng ngày em vẫn tập trung ôn tiếng vì sợ không ôn khi người ta cho thi thì quên hết mất rồi”.
 
Cùng chung hoàn cảnh với Tiến, anh Nguyễn Văn Lâmở thôn Trung Thànhxã Cẩm Nam cũng đang khốn đốn vì bị “treo” thi. Năm nay đã hơn 30 tuổi, cuộc sống của một công nhân làm nghề thăm dò khoáng sản suốt ngày phải làm việc trong rừng sâu. Đồng lương ít ỏi đã đành, việc suốt ngày ở trong rừng khiến Lâm không có cơ hội lập gia đình. Thương con, thương bạn mọi người đã vận động Lâm đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc – theo con đường mà rất nhiều người dân Cẩm Nam đang đi. Thấy hợp tình, hợp lí anh Lâm đã xin nghỉ việc; quyết định vay mượn  hơn 10 triệu đồng và dành gần nửa năm để đi học lớp tiếng Hàn. Nhưng ước mơ đổi đời của Lâm cũng đang mờ mạt dần. Buồn bã với tương lai của người con, ông Nguyễn Tiến Giáp cho biết: “Chúng tôi rất buồn và nhiều khi cảm thấy thực sự bức xúc,bởi vì chỉ một số ít những người lao động vô kỷ luật, không tuân thủ cam kết theo hợp đồng lao động, mà để cho bao nhiêu gia đình phải gánh chịu hậu quả, người nào làm, người đó phải chịu phạt chứ chúng tôi suốt một đời sống chất phát, thật thà. Cuối đời mong con cái thoát cảnh nghèo khổ của bố mẹ mà cũng không được. Chúng tôi mong sớm có câu trả lời cho hai chữ “tạm thời” mà Bộ Lao động thương binh xã hội đang áp dụng tại xã Cẩm Nam để con em có cơ hội được đi làm ăn”.
 
Hiện nay, toàn xã Cẩm Nam có 130 người đi xuất khẩu lao động, trong đó có 83 người đang làm việc ở Hàn Quốc. Số lao động này mỗi năm đưa về địa bàn 21 tỷ đồng. Đây là thị trường tiền đi ít mà thu nhập lại khá cao nên là điểm lựa chọn lí tưởng của con em địa phương. Ngoài số lao động đó thì tại xã Cẩm Nam có 250 lao động đã qua kì thi Tiếng Hàn chưa được đi và có trên 50 lao động đã qua lớp học tiếng nhưng đang bị “treo” thi. Ngay khi có thông báo của Bộ Lao động thương binh xã hội về tình trạng lao động địa phương bỏ trốn và không thực hiện những cam kết trong hợp đồng, xã Cẩm Nam đã triệu tập cuộc họp cốt cán giao nhiệm vụ cho công an điều tra làm rõ những trường hợp vi phạm và đến tận các gia đình động viên, vận động người thân nhanh chóng kêu gọi con em trở về địa phương hoặc ra trình diện tại đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc. Ông Trần Hữu Hương – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam thổ lộ: “Từ nhiều tháng nay những gia đình có người thân, con cháu đã qua kì thi tiếng Hàn và đã học mà chưa được thi thường xuyên đến ủy ban để hỏi xem bao giờ bên Hàn Quốc đồng ý tiếp nhận lại lao động là người của xã Cẩm Nam nhưng quả thật chúng tôi chỉ biết khuyên người dân hãy chờ đợi. Những lao động đang nằm chờ này hầu hết là những gia đình khó khăn, vay mượn cho con em đi học để mong thay đổi cuộc sống nghèo khó. Giờ lại gặp cảnh này nên đời sống vật chất cũng như tâm lí tinh thần càng trở nên gian nan hơn”.
 
Dẫu biết rằng, con em của địa phương vi phạm thì địa phương phải chịu trách nhiệm. Nhưng thật thiệt thòi cho những người nông dân, những chàng trai lương thiện đang mang trong mình biết bao nhiệt huyết xóa nghèo và cũng là niềm trăn trở của chính quyền khi hàng ngày chứng kiến sự héo mòn của mỗi người dân bởi ước vọng bị “treo” – đó cũng là những cảnh báo cho những ai chỉ biết vì mình mà ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng cho bao gia đình và danh dự, uy tín của cả một quốc gia.

    Ý kiến bạn đọc