Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng bộ HĐND tỉnh Hà Tĩnh trong kiến tạo thể chế, ban hành chính sách khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2025-2030
EmailPrintAa
15:55 17/06/2025

Đất nước ta đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới - giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Bộ Chính trị đã ban hành hàng loạt nghị quyết chiến lược, đặc biệt là 04 nghị quyết trụ cột, gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Đây là bộ tứ trụ cột giúp Việt Nam cất cánh trong kỷ nguyên phát triển mới, hiện thực hóa khát vọng hùng cường vào năm 2045”. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: “Phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Đây là định hướng lớn cần được cụ thể hóa trong mọi hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) trong thời gian tới.

Đồng chí Phạm Nghĩa – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh trình bày tham luận tại đại hội

Hiện nay, cùng với cả nước, tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai tích cực, đồng bộ các chương trình đột phá, trong đó có cải cách mạnh mẽ bộ máy chính quyền, kết thúc chính quyền cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã/phường thành mô hình chính quyền 2 cấp ở địa phương, đây là bước đột phá mới, mạnh mẽ, chưa từng có trong tiền lệ. Do đó, đây là thời điểm “then chốt” để Đảng bộ HĐND tỉnh khẳng định vai trò là trung tâm, trụ cột kiến tạo thể chế ở địa phương nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc, tồn đọng lâu nay và thực sự đồng hành cùng chính quyền các cấp và doanh nghiệp, Nhân dân để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Với tinh thần đó, hiện nay, Đảng bộ HĐND tỉnh phải thay đổi tư duy, từ tư duy “thông qua” sang tư duy “chủ động kiến tạo ban hành chính sách, phản biện, giám sát mọi hoạt động ở địa phương”. Để thực hiện được điều này, trong nhiệm kỳ 2025- 2030, Đảng bộ HĐND tỉnh sẽ tập trung vào 03 nhóm nội dụng lớn như sau:

Thứ nhất , lãnh đạo, chỉ đạo HĐND tỉnh thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng bộ cấp trên nhằm ban hành các chính sách đảm bảo tính khả thi, hạn chế hình thức. Chính sách phải dựa trên khảo sát thực tiễn, điều tra xã hội học, lấy ý kiến rộng rãi từ chuyên gia, doanh nghiệp và cử tri. Tránh tình trạng ban hành nghị quyết xa rời thực tiễn, gây cản trở phát triển, hoặc nghị quyết thiếu tính khả thi dẫn đến không hấp thụ được chính sách. Nhiệm kỳ vừa qua chúng ta có một số ít nghị quyết rơi vào tình trạng như vậy. Trong đó, ưu tiên nghị quyết tháo gỡ điểm nghẽn về đầu tư, đất đai, nguồn lực, nhân lực chất lượng cao và khơi thông động lực tăng trưởng. Giải phóng được mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh nhằm hướng tới chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội với mức tăng trưởng hai con số trong nhiệm kỳ 2025-2030.

Thứ hai , lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt giám sát đúng trọng tâm, chất vấn đúng vấn đề, yêu cầu các chủ thể chịu sự giám sát nâng cao trách nhiệm giải trình. Giám sát cần đi vào chiều sâu: từ quản lý đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, bảo vệ môi trường, đến chất lượng dịch vụ công… Sau giám sát phải có kết luận rõ ràng, kiến nghị cụ thể, đôn đốc thực hiện và công khai với cử tri. Chất vấn cần phản ánh thực trạng bức xúc của đời sống của cử tri, Nhân dân phản ánh, từ các cuộc giám sát, làm việc đại biểu phát hiện ra vấn đề nóng trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- An ninh, Văn hóa, giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Chất vấn và truy vấn đến cùng để cơ quan, cá nhân có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm xử lý vấn đề đó, qua đó, yêu cầu giải trình làm rõ.

Thứ ba , tạo điều kiện cho đại biểu HĐND phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của người đại biểu, Tổ đại biểu và các Ban HĐND hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Mỗi đại biểu HĐND nói chung, đặc biệt là đại biểu chuyên trách, cần có bản lĩnh, trình độ và tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ dám nói và dám đề xuất, dám chất vấn, tranh luận phản biện trên các diễn đàn, có chính kiến bảo vệ cái đúng, không xuôi chiều. Các vị đại biểu và Tổ đại biểu cần tăng cường tiếp xúc với cử tri, dưới nhiều hình thức để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân nơi bầu ra mình, làm tròn vai và thực sự là cầu nối giữa cử tri với chính quyền. Vấn đề này qua theo dõi nhiệm kỳ vừa qua có một số ít đại biểu không chuyên trách còn e dè, nể nang ngại va chạm và ít tham gia thảo luận, ít chất vấn, tranh luận trong các phiên họp, kỳ họp. Điều này cũng phần nào giảm sức mạnh trong quyết định và giám sát của HĐND các cấp.

Đối với các Ban HĐND tỉnh cần nâng tầm hoạt động, chịu trách nhiệm trước Thường trực HĐND và HĐND về hoạt động thẩm tra, hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri vì vậy: Ban Pháp chế chủ động rà soát các nghị quyết quy phạm pháp luật có sự xung đột, mâu thuẫn bất cập, để hoàn thiện điều chỉnh các quan hệ pháp luật địa phương, tập trung thể chế hóa các quy định của Trung ương và tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, tồn đọng vướng mắc lâu nay ở địa phương. Ban Kinh tế - Ngân sách cần tập trung cao phân tích sâu tính hiệu quả đầu tư, quản lý tài chính công; tránh dàn trải, kéo dài, kém hiệu quả, các chính sách sử dụng nguồn lực của địa phương cần tính toán kỹ cân đối được nguồn lúc đó mới ban hành nghị quyết. Ban Văn hóa - Xã hội cần đẩy mạnh cải cách chính sách giáo dục, y tế, phát huy bản sắc văn hóa, chính sách an sinh xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

Vai trò của Đảng bộ HĐND tỉnh trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy tổng thể, toàn diện của chúng ta hiện nay đang đặt ra cho Đảng bộ yêu cầu mới: Khi kết thúc hoạt động chính quyền cấp trung gian (huyện), sáp nhập xã/phường, tinh giản bộ máy để hình thành 69 đơn vị cấp xã, phường mới; với nhân sự mới, với cách vận hành mới, nhất là khi không còn HĐND cấp huyện sẽ làm phát sinh khoảng trống trong ban hành chính sách và điều phối - giám sát trung gian ở cơ sở. Trong bối cảnh đó, HĐND tỉnh cần: Chủ động xây dựng cơ chế giám sát và hỗ trợ HĐND cấp xã/phường, nhất là tại các địa bàn mới sáp nhập; Hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức tập huấn, định hướng hoạt động cho HĐND cấp xã trong điều kiện mới; Thiết lập các kênh liên kết giữa tổ đại biểu HĐND tỉnh và nhóm xã/phường theo cụm liên vùng để đảm bảo thông tin thông suốt và thống nhất quản lý toàn diện ở cơ sở.

Để phát huy vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền mà luật pháp giao cho HĐND cấp tỉnh trong thời gian tới đề nghị Tỉnh ủy, Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh cần: Lựa chọn đại biểu “có tâm - có tầm - có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng - có bản lĩnh” mới đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới. Ưu tiên tăng cường đại biểu chuyên trách, lựa chọn những người có trình độ am hiểu chính sách, luật pháp, đặc biệt ở các lĩnh vực pháp chế, kinh tế, cải cách hành chính, văn hóa- xã hội; khoa học - công nghệ… Cơ cấu thành phần hợp lý, có tính đại diện và phản ánh đúng đặc điểm của tỉnh Hà Tĩnh. Giảm bớt các đại biểu ở cơ quan hành pháp. Tiếp tục chỉ đạo sát sao, định hướng kịp thời, tạo điều kiện hướng dẫn để đảng bộ HĐND tỉnh thể chế hóa hiệu quả các nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh và Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ sắp tới. Phân cấp, phân quyền cho HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành trong ban hành cơ chế đặc thù, giám sát đầu tư công, quản lý đất đai và tài chính địa phương. Những việc nào rõ, thuộc trách nhiệm thẩm quyền theo luật định thì được phép mạnh dạn quyết định. Tiếp tục rà soát sửa đổi các quy định, quy chế trong quan hệ với cấp ủy đảng với HĐND tạo cơ chế chủ động hơn.

Trong bối cảnh cải cách toàn diện và hội nhập sâu rộng, Đảng bộ HĐND tỉnh cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức, tư duy, phương pháp và hành động. Đảng bộ HĐND tỉnh Hà Tĩnh phải là hạt nhân chính trị, trung tâm thể chế, nơi kết nối kỳ vọng của Nhân dân với hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Hà Tĩnh trong nhiệm kỳ tới.

Phạm Nghĩa - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh

    Ý kiến bạn đọc