Là người nhiều năm công tác ở QH, tham gia điều hành trực tiếp các cuộc bầu cử ĐBQH, HĐND trong cả nước, tôi xin kiến nghị một số nội dung sửa đổi và bổ sung Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Về số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử: Điều 11 của Luật Bầu cử ĐBQH quy định:ĐBQH được bầu theo đơn vị bầu cử. Ở mỗi đơn vị bầu cử được bầu không quá ba đại biểu. Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử.
Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị và số đại biểu của mỗi đơn vị được tính căn cứ theo số dân do UBTVQH ấn định và được công bố chậm nhất là bảy mươi ngày trước ngày bầu cử.
Việc quy định ở mỗi đơn vị bầu cử được bầu không quá ba đại biểu là thể hiện sự tiến bộ so với trước đây là năm đại biểu, nhưng bầu ba đại biểu vẫn là nhiều. Đề nghị nên quy định mỗi đơn vị bầu cử bầu một đại biểu. Trước mắt nếu còn có những khó khăn, nhất là về nhận thức thì nên quy định mỗi đơn vị bầu cử bầu hai đại biểu. Làm như vậy mới khắc phục được tình trạng, đại biểu ỷ vào bận công việc quan trọng của Đảng, Nhà nước để nhờ vả đại biểu khác làm thay cho mình. Việc quy định có ba đại biểu trong một đơn vị bầu cử đã tạo điều kiện cho đại biểu không làm tròn nhiệm vụ của mình. Điều này làm cho cử tri rất không hài lòng.
Về đại biểu là người dân tộc ít người: qua các cuộc bầu cử QH, tỷ lệ đại biểu là người dân tộc ít người chưa đạt tới 20% trong tổng số ĐBQH. Nay, tỷ lệ này nên là 25%. Nước ta có 54 dân tộc, qua thống kê, mỗi cuộc bầu cử ĐBQH thường chỉ có 50% số dân tộc tham gia QH. Tỷ lệ như thế là thấp.
Một trong những nguyên nhân của tình hình là quy định trong Điều 10 của Luật Bầu cử ĐBQH: số ĐBQH là người dân tộc thiểu số do UBTVQH dự kiến theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc của QH, bảo đảm để các thành phần dân tộc thiểu số có số đại biểu thích đáng.
Quy định như vậy là chung chung, chưa có những ràng buộc pháp lý.
Về ý nghĩa chính trị, mỗi khóa QH nên có đại biểu của 54 dân tộc được tham gia. Muốn triển khai chủ trương này, cần triển khai hàng loạt công việc.
Ở mức thấp hơn, mỗi khóa QH có ít nhất 70% số dân tộc được tham gia QH.
Hiện nay, qua 13 khóa QH, vẫn còn khoảng 15 dân tộc chưa có đại biểu của mình trong QH. Nếu mỗi khóa không thể bố trí đủ 54 dân tộc có đại biểu trong QH như kiến nghị ở trên thì nên quy định, trong 5 khóa liên tục, tất cả các dân tộc trong đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam đều có đại biểu trong QH.
Đại biểu là người dân tộc trong HĐND các cấp cần được nghiên cứu kỹ để có tỷ lệ hợp lý đối với từng địa phương.
Tỷ lệ nữ đại biểu trong QH và HĐND các cấp: tỷ lệ nữ đại biểu trong QH hiện nay chưa đến 30%. Tới đây nên quy định đại biểu nữ trong QH từ 30% đến 35%. Đại biểu nữ trong HĐND nên quy định từ 35% đến 40%.
Về tự ứng cử: Tự ứng cử thực chất nằm trong phạm trù ứng cử. Lâu nay khái niệm ứng cử đã được dùng cho các trường hợp đề cử, nên mới phải có thêm khái niệm tự ứng cử. Đây là vấn đề cần được phân tích để làm rõ.
Ta chủ trương khuyến khích tự ứng cử nhưng từ các quy định trong luật đến chỉ đạo thực hiện còn nhiều vấn đề tồn tại. Vì vậy cần nghiên cứu làm sáng tỏ các vấn đề: thủ tục tự ứng cử; cách thức hiệp thương để đưa người tự ứng cử vào danh sách người ứng cử.
Số dư trong danh sách ứng cử: có số dư càng nhiều thì làm cho cuộc bầu cử càng sôi động và càng phức tạp. Trước đây, do quy định chung chung là trong danh sách có số dư, nên nhiều địa phương muốn cho gọn nên chỉ để số dư chỉ là một. Điều đó làm cho cuộc bầu cử buồn tẻ. Theo tôi, nên quy định danh sách ứng cử viên trong mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều gấp đôi số đại biểu được bầu trở lên. Quy định như thế sẽ có một số đơn vị, số đại biểu trúng cử lần đầu không đủ, dẫn đến việc phải bầu vòng 2. Tất nhiên là có tốn kém, nhưng dân chủ là vậy. Cũng cần nói thêm rằng, ở các cuộc bầu cử trước đây, một số đơn vị bầu cử không bầu đủ số đại biểu theo quy định mà bỏ qua, không cho bầu tiếp cho đủ. Đấy là biểu hiện vi phạm pháp luật của chính cơ quan bầu cử.
Về hiệp thương: từ sau Đại hội VI của Đảng, với tinh thần đổi mới, chúng ta đã đưa vấn đề Hiệp thương bầu cử vào trong luật bầu cử. Đây là bước tiến quan trọng, tuy nhiên cũng có một số nảy sinh trong quá trình triển khai, đặc biệt là với người tự ứng cử.
Điều 35 của Luật Bầu cử ĐBQH quy định: việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được tiến hành như sau:
1- Ban lãnh đạo tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội dự kiến người của tổ chức mình ứng cử ĐBQH, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của Hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của Hội nghị cử tri, Ban lãnh đạo tổ chức hội nghị Ban thường vụ mở rộng để thảo luận, giới thiệu người của tổ chức mình ứng cử ĐBQH;
2- Ở cơ quan Nhà nước thì Ban lãnh đạo cơ quan phối hợp với ban chấp hành công đoàn cơ quan dự kiến người của cơ quan mình ứng cử ĐBQH, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của Hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của Hội nghị cử tri, Ban lãnh đạo cơ quan tổ chức hội nghị gồm lãnh đạo cơ quan, Ban chấp hành công đoàn, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để thảo luận, giới thiệu người của cơ quan mình ứng cử ĐBQH;
3- Ở đơn vị lực lượng vũ trang thì lãnh đạo, chỉ huy đơn vị dự kiến người của đơn vị mình ứng cử ĐBQH, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của Hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của Hội nghị cử tri, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tổ chức hội nghị gồm lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, đại diện Ban chấp hành công đoàn (nếu có), đại diện quân nhân và chỉ huy cấp dưới trực tiếp để thảo luận, giới thiệu người của đơn vị mình ứng cử ĐBQH.
Hội nghị cử tri nói tại Điều này được tiến hành theo quy định tại Điều 39 của Luật này.
Những quy định của Điều 35 này chưa có chỗ cho người tự ứng cử. Trên thực tế, chưa tạo được sự bình đẳng cho sân chơi. Tôi đề nghị, nên nghiên cứu để có những phương án cho vấn đề Hiệp thương sao cho thiết thực và thực sự dân chủ. Cũng có ý kiến đề xuất rằng, cùng với việc coi trọng vai trò giám sát của Mặt trận thì không nên tổ chức hiệp thương ở Trung ương.
Về tranh cử: đây là một trong những vấn đề cốt lõi của dân chủ, nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu. Không có tranh cử không chọn được nhân tài đích thực. Nội dung tranh cử có nhiều cấp độ: tranh cử trong việc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND; tranh cử trong việc QH, HĐND bầu các chức danh Nhà nước. Đề nghị bổ sung vào Luật này nội dung tranh cử để bầu ĐBQH, đại biểu HĐND. Còn tranh cử trong việc bầu cử các chức danh Nhà nước cũng rất cần quy định cụ thể ở các văn bản pháp luật khác.
Việc tiếp xúc cử tri: những quy định hiện hành về tiếp xúc cử tri còn đơn giản. Tuy là thế, nhưng những người có liên quan cũng chưa thực hiện nghiêm chỉnh. Việc tiếp xúc nhiều hay ít, xem xét và giải quyết nguyện vọng của cử tri, mỗi nơi làm theo ý của mình. Qua nhiều khóa phụ trách công tác bầu cử, tôi thấy: các ứng cử viên ở các tỉnh miền Bắc thường có khoảng 5 cuộc tiếp xúc cử tri khu vực bầu cử; các ứng cử viên các tỉnh phía Nam có các cuộc tiếp xúc cử tri nhiều hơn, thường là từ 10 đến 15 lần. Đề nghị nghiên cứu, tổng kết vấn đề này và bổ sung vào Luật những nội dung cụ thể như số lần tiếp xúc cử tri, về quy trình, thủ tục ứng cử viên tiếp xúc cử tri.
Việc bầu bổ sung đại biểu: lâu nay, khi có đại biểu qua đời, hoặc đi làm nhiệm vụ khác (như ở Khóa XII, đại biểu Ngô Anh Dũng đi Đại sứ ở Campuchia), hoặc bị bãi nhiệm thường không tổ chức bầu cử bổ sung. Đây là vấn đề cần phân tích làm rõ, trên cơ sở đó bổ sung vào Luật một cách rõ ràng hơn.
Đại biểu chuyên trách: số lượng đại biểu chuyên trách ở các khóa trước đây rất ít. Đến nhiệm kỳ QH Khóa XII có 143 đại biểu, trong đó có 77 đại biểu hoạt động chuyên trách ở Trung ương và có 66 đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương. Nhiệm kỳ QH Khóa XIII có 154 đại biểu, trong đó ở Trung ương là 91 đại biểu và ở địa phương là 63 đại biểu.
Xu hướng hiện nay muốn tăng thêm đại biểu chuyên trách ở Trung ương. Ví dụ, hiện nay đại biểu chuyên trách ở Trung ương là 91, có thể lên tới 121; tăng thêm 30 đại biểu. Ý kiến của tôi là đồng ý tăng thêm đại biểu chuyên trách, nhưng là tăng thêm đại biểu chuyên trách ở các địa phương. Hiện nay mỗi Đoàn ĐBQH ở các địa phương có một đại biểu chuyên trách (63 người). Theo phương án này thì mỗi địa phương sẽ có 2 đại biểu chuyên trách. Số đại biểu chuyên trách ở địa phương sẽ là 126. Bố trí như thế sẽ thuận lợi hơn, vì:
Nếu tăng thêm số đại biểu chuyên trách ở Trung ương sẽ gây khó khăn rất nhiều cho việc bố trí cơ cấu của Đoàn ĐBQH ở các địa phương. Ví dụ, về nguyên tắc phân bổ ĐBQH theo dân cư thì cứ 20 vạn dân được một đại biểu, một số tỉnh dân cư chưa đầy 30 vạn người thì chỉ được 1,4 đại biểu. Xét về nhiều phương diện, lâu nay bố trí cho các tỉnh ấy có được từ 5 đại biểu đến 6 đại biểu (tất nhiên tỉnh có dân cư trên 2 triệu người mà 8 đại biểu sẽ không hài lòng). Nhưng trong đó gửi đại biểu Trung ương về ứng cử ở địa phương từ 2 đến 3 người. Như vậy số đại biểu của địa phương chỉ được 3 người. Trong khi đó, địa phương phải cõng rất nhiều cơ cấu. Lâu nay đã khó khăn rồi, nay lại thêm đại biểu chuyên trách ở Trung ương gửi về ứng cử thì khó khăn càng chồng chất.
Mặt khác, mấy khóa gần đây, ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH có bố trí một số đại biểu chuyên trách. Làm như thế tưởng là tốt, nhưng đã có nhiều điều phiền nhiễu xảy ra như: địa vị pháp lý không rõ ràng, chế độ chính sách phải vận dụng, lúng túng trong mối quan hệ công tác, bản thân người trong cuộc thì tâm tư. Tôi kiến nghị, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH chỉ nên bố trí 5 đại biểu chuyên trách. Hội đồng Dân tộc có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và 4 Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Ủy ban của QH có Chủ nhiệm và 4 Phó chủ nhiệm. Vì thế không nên có Ủy viên thường trực của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH.
Về đại biểu Trung ương và địa phương: như đã trình bày ở trên, nên bố trí 2 đại biểu chuyên trách ở các Đoàn ĐBQH. Trong đó có 1 đại biểu chuyên trách là Trưởng đoàn ĐBQH. Tốt nhất, Trưởng đoàn chuyên trách là một đại biểu đã từng kinh qua một trong các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy hoặc Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Đây là những cán bộ từng trải, có kinh nghiệm, có uy tín và có tâm huyết để đóng góp cho hoạt động của cơ quan dân cử. Điều này muốn thực hiện được cần có ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền của Đảng.
Vai trò truyền thông: các cuộc bầu cử vừa qua, các phương tiện truyền thông đã đóng góp rất quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều nhược điểm: các quy định của pháp luật vẫn chưa tạo điều kiện tối đa cho họ và cũng chưa có những đòi hỏi cao đối với họ. Đôi khi thông tin không chính xác. Vấn đề công khai, minh bạch còn yếu. Vấn đề này, tôi đề nghị nên có chuyên đề bàn riêng.
Về Hội đồng bầu cử Quốc gia: Điều 117 Hiến pháp năm 2013 quy định:
1. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do QH thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử ĐBQH; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
2. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các Ủy viên.
3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định.
Đây là vấn đề mới, sẽ có Luật về vấn đề này. Tôi cho rằng Luật Bầu cử, Luật Tổ chức và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ. Vì thế cần sớm có dự án Luật để phối hợp nghiên cứu và điều chỉnh cho hợp lý.
Phạm vi điều chỉnh và nội dung của luật bầu cử mới: theo như dự kiến, trong tương lai sẽ là một luật chung: Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Đây sẽ là lần đầu tiên xây dựng chung một Luật bầu cử cho cả QH và HĐND.
Việc gộp chung thành một luật có những ưu điểm là tính chất bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND có nhiều nét tương đồng. Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cùng được tổ chức trong một ngày, nếu là luật chung thì có phần thuận lợi cho việc chỉ đạo bầu cử có thể là dễ nhất quán. Còn nhược điểm là bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND về hình thức có vẻ giống nhau, nhưng đi sâu vào nội dung thì có nhiều điểm khác nhau, nếu để chung vào một luật thì rất khó xử lý. Việc bầu cử đại biểu HĐND trong điều kiện đang không tổ chức HĐND ở một số nơi đặt ra việc cần có những quy định chi tiết để phù hợp với hệ thống chính quyền đã có những thay đổi. Các nội dung cần bổ sung cho bầu cử ĐBQH cũng như cho bầu cử đại biểu HĐND có nhiều vấn đề lớn. Nếu để chung thì luật sẽ cộm lên, gây khó khăn cho việc biên soạn đã đành, nhưng quan trọng hơn là việc tổ chức thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tôi kiến nghị vẫn nên giữ là hai luật và quan tâm tới việc phối hợp các nội dung của hai luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác tiến hành bầu cử của các cơ quan, đơn vị. Trong tương lai, khi có thêm các luật khác như Luật Tổ chức và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia... thì tập hợp thành Bộ luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Vấn đề Đảng lãnh đạo: vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các cuộc bầu cử mang tính quyết định. Công tác lãnh đạo của Đảng đã được đổi mới khá nhiều. Có một điều dễ nhận thấy là, trong Luật bầu cử thì hầu như không đề cập tới vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền theo định hướng XHCN. Hơn nữa, trong Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 đã chỉ rõ cần công khai và minh bạch vai trò lãnh đạo của Đảng, nên rất cần những nghiên cứu để bổ sung nội dung Đảng lãnh đạo bầu cử vào trong Luật.
Tin mới cập nhật
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 40 ( 10/12)
- Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Vũ Quang ( 04/12)
- Cử tri huyện Nghi Xuân đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ( 04/12)
- Cử tri Hương Sơn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, xây dựng NTM ( 03/12)
- Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của cử tri Thị xã Kỳ Anh ( 02/12)
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)