Đoàn Đại biểu Quốc Hội Hà Tĩnh khóa XIV - Dấu ấn và bài học
EmailPrintAa
08:58 03/01/2021

Quốc hội khóa XIV là Quốc hội của thời kỳ tiếp tục sự nghiệp đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là một nhiệm kỳ đặc biệt, ghi dấu sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tâm huyết, quyết tâm cao, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của đất nước, làm nên thắng lợi của một giai đoạn lịch sử mà “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng). Góp phần vào thành công to lớn ấy, Quốc hội nói chung, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Tĩnh nói riêng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với cử tri, hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả của Đoàn ĐBQH các khóa trước, gặt hái những kết quả đáng ghi nhận, được Quốc hội, cấp ủy, chính quyền các cấp, cử tri đánh giá cao, để lại những dấu ấn và bài học giàu cảm xúc, ấn tượng và ý nghĩa.

Những dấu ấn và kết quả nhiệm kỳ của Đoàn ĐBQH và Đại biểu Quốc hội

Trải qua nhiệm kỳ 5 năm với không ít những khó khăn, thách thức, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh khóa XIV đã chung sức nỗ lực, phấn đấu, tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò, vị thế của cơ quan dân cử, xứng đáng là cánh tay nối dài của Quốc hội.

Xác định rõ tầm quan trọng của tiếng nói cử tri, các đại biểu luôn cố gắng “sát dân, gần dân” để “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân, làm cơ sở xây dựng chính sách, pháp luật sát với thực tiễn. Đoàn ĐBQH tỉnh luôn quan tâm và tiếp tục đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung từ hoạt động tiếp xúc cử tri, mở rộng phạm vi địa bàn, đối tượng cử tri, thu thập nhiều ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri, kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời. Hoạt động tiếp công dân được thực hiện theo định kỳ tại trụ sở tiếp dân và thường xuyên tại cơ quan; việc tiếp nhận, xử lý, đôn đốc, giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được chú trọng, qua đó kịp thời tháo gỡ những kiến nghị, phản ánh của công dân. Đó là lý do mà nhiệm kỳ vừa qua, Đoàn đã thể hiện rõ vai trò của mình trên diễn đàn Quốc hội thông qua các ý kiến phát biểu xác đáng, hợp lòng dân, điển hình như đề xuất việc dừng khai thác mỏ Sắt Thạch Khê, đưa hươu sao vào danh mục vật nuôi, quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ cấp cơ sở, quản lý sử dụng xe ba bánh, cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch cây ăn quả...

Nguyên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trao đổi với người dân xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà


Thể hiện rõ quan điểm, chính kiến trong xây dựng pháp luật, nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến số lượng dự án Luật và Nghị quyết khá lớn. Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động phân giao các đại biểu tập trung nghiên cứu chuyên sâu theo từng mảng, kết hợp các hình thức hội nghị, hội thảo, gửi văn bản lấy ý kiến theo đối tượng, phạm vi tác động tham gia góp ý vào các dự án luật. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác lập pháp, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, tạo ra những tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu trong Đoàn đã phát huy tối đa vai trò, năng lực, trí tuệ của mình thông qua việc nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo các ý kiến thảo luận. Qua 10 kỳ họp với trên 300 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, tại tổ, tại đoàn đã thể hiện rõ quan điểm, chính kiến cá nhân trên cơ sở các luận cứ khoa học và tổng hợp thực tiễn góp ý của các ngành, địa phương và cử tri tỉnh nhà; càng cuối nhiệm kỳ các đại biểu càng tích cực phát biểu, nhiều ý kiến được Chủ tọa kỳ họp đánh giá cao, được Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương ghi nhận, giải trình, tiếp thu cụ thể.

Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Kỳ họp thứ 8 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Phát huy tối đa chức năng giám sát tối cao, Đoàn đã kịp thời triển khai chương trình giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức giám sát, khảo sát trực tiếp, nắm bắt tình hình thực tiễn và đề xuất các phương án xử lý kịp thời tập trung vào các vấn đề nhạy cảm, thời sự, được cử tri quan tâm như: Quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư và khai thác các công trình; lao động, việc làm; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống xâm hại trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; phòng cháy, chữa cháy; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước... Qua hoạt động giám sát đã phát hiện và yêu cầu các đơn vị chịu sự giám sát có các biện pháp xử lý những thiếu sót, vi phạm, khắc phục những hạn chế, bất cập. Đồng thời kiến nghị với các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm liên quan nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp; tăng cường công tác quản lý nhà nước. Tại các kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã lựa chọn các nội dung quan trọng, nhiều cử tri quan tâm và những khó khăn, vướng mắc ở địa phương cần tháo gỡ để chất vấn và tranh luận với người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành. Các nội dung chất vấn cơ bản đã được Chính phủ và các bộ, ngành trả lời đầy đủ, kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Qua đó khẳng định rõ tâm huyết, trách nhiệm, chính kiến và bản lĩnh của người đại biểu dân cử.

Bằng những việc làm cụ thể chung sức hành động vì cộng đồng, ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh với cái tâm và nhiệt huyết của mình, đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, là Đoàn ĐBQH duy nhất trong cả nước nhận đỡ đầu nông thôn mới tại xã Yên Lộc về đích trước 02 năm, chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh với nhiều kết quả tích cực. Những mái trường, trạm y tế, nhà nhân ái thắm màu ngói mới, những trang thiết bị hiện đại đến với cơ sở, những phần quà ý nghĩa đến với những người dân, những con đường rộng mở với hàng cây xanh tươi... không chỉ mang giá trị vật chất mà kèm theo đó còn là ý nghĩa lớn về mặt tinh thần để vực dậy ý chí, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực sống, vượt lên khó khăn của những số phận, những mảnh đời, làm thay đổi và tạo dựng diện mạo mới cho những miền quê đáng sống.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2019 tại huyện Hương Khê

Phát huy thế mạnh nghiên cứu khoa học của các thành viên, Đoàn đã tích cực tham gia nghiên cứu một số đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp bộ và nhiều sáng kiến kinh nghiệm về các nội dung như: Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển du lịch cộng đồng tại Hà Tĩnh; những vấn đề pháp lý về liên kết vùng trong phát triển bền vững du lịch; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri... Tất cả những nghiên cứu khoa học cũng như những sáng kiến kinh nghiệm của Đoàn ĐBQH là sản phẩm đúc kết từ tâm huyết, trách nhiệm, trải nghiệm của lãnh đạo và các thành viên trong Đoàn. Các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vừa có ý nghĩa lý luận vừa có giá trị thực tiễn cao đã góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị luận cứ khoa học, cung cấp tư liệu, thông tin tham khảo quan trọng trong hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng các văn bản pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan và được các tổ chức, cá nhân có liên quan ứng dụng hiệu quả trong thực tế...

Cùng với đó, vai trò của cơ quan tham mưu, giúp việc là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên dấu ấn và thành công của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Vừa qua, cơ quan giúp việc ĐBQH và Đoàn ĐBQH có những biến động liên tục về mô hình tổ chức, bộ máy, nhiều cán bộ kỳ cựu, giàu kinh nghiệm nghỉ hưu theo chế độ. Tuy vậy, với quan điểm định hướng xuyên suốt, bộ phận tham mưu, giúp việc của Đoàn Hà Tĩnh đã kịp thời được tuyển dụng, điều động cơ bản đảm bảo về số lượng, vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị được chú trọng; việc quy hoạch, bổ nhiệm được làm bài bản, nghiêm túc; phân công nhiệm vụ rõ ràng; tổ chức tốt kỷ luật, kỷ cương... Chính vì vậy chất lượng công tác tham mưu, phục vụ được nâng cao và ngày càng theo hướng chuyên sâu, chuyên môn hoá cao. Quốc hội khóa XIV cũng đánh dấu bước tiến vượt bậc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động, đón đầu xu thế đó, Văn phòng Hà Tĩnh đã có sự tích cực, chủ động vào cuộc hỗ trợ hoạt động của đại biểu trên các thiết bị điện tử, tổ chức các đợt họp trực tuyến đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Qua đó giúp các đại biểu trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ của mình đảm bảo thông suốt, hiệu quả.

Đặc biệt, chất lượng và sự trưởng thành của đại biểu trong Đoàn là một trong những dấu ấn quan trọng của nhiệm kỳ vừa qua, thành tố cốt lõi xây dựng và khẳng định vị thế của Đoàn ĐBQH. Ngày 22/5/2016, cử tri Hà Tĩnh đã bỏ phiếu bầu ra các ĐBQH đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định, bầu đủ số lượng và cơ cấu. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh gồm 07 đại biểu, trong đó có 03 đại biểu Trung ương với trình độ khá cao và đồng đều, trong đó có 01 giáo sư, 04 tiến sỹ, 03 thạc sỹ, cả 7 đại biểu đều có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị. Với sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức, đến nay Đoàn chỉ còn 04 đại biểu. Mỗi đại biểu theo chức danh, vị trí việc làm, chuyên môn, nghiệp vụ, sở trường khác nhau đều đã phát huy và hoàn thành nhiệm vụ của mình, đồng thời tất cả đều xác định rõ vai trò, trách nhiệm, dành thời gian, tâm huyết trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, cùng nỗ lực, chung sức làm nên Đoàn ĐBQH đoàn kết, uy tín, phát triển. Sự lớn mạnh của Đoàn cũng gắn với sự nỗ lực, cống hiến và khẳng định dấu mốc trưởng thành của mỗi cá nhân: Đại biểu Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ được giao nhiệm vụ Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội; Đại biểu Đặng Quốc Khánh - Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng Đoàn được giao Phụ trách Đoàn; Đại biểu Trần Đình Gia - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh được giao làm Bí thư Huyện ủy huyện Kỳ Anh; Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh; Đại biểu Lê Anh Tuấn là Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc chuyên đề lấy ý kiến góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công Đoàn Việt Nam

Bài học kinh nghiệm

Với những kết quả nổi bật trở thành dấu ấn của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV để lại cho Đoàn ĐBQH những khóa tiếp theo các bài học kinh nghiệm quý giá.

Quốc hội nói chung và Đoàn ĐBQH nói riêng, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ và trách nhiệm là yêu cầu thường xuyên, liên tục, là động lực quan trọng tạo nên sức mạnh, sự năng động, sáng tạo để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra.

Mọi hoạt động của Đoàn ĐBQH phải bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn ĐBQH với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH các tỉnh, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan.

Cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử, ĐBQH gắn bó mật thiết với Nhân dân, hòa vào cuộc sống của Nhân dân, truyền tải được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân trên nghị trường Quốc hội, từ đó thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn.

Mỗi một ĐBQH phải thể hiện năng lực, lợi thế của bản thân, tích cực, chủ động, sáng tạo, có chính kiến, bản lĩnh, đổi mới cách thức hoạt động, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ người đại biểu chất lượng, hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn cùng lãnh đạo Vietcombank Hà Tĩnh trao 560 triệu đồng nhằm hỗ trợ xã Yên Lộc xây dựng NTM, làm nhà nhân ái

Cần duy trì thường xuyên mối quan hệ công tác giữa Đoàn ĐBQH và ĐBQH với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp, các sở, ngành và cử tri. Quan tâm đến các hoạt động trao đổi học tập kinh nghiệm với Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trong nước từ đó bổ sung các kinh nghiệm, sáng kiến tốt để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH.

Cùng với đó, cần xây dựng bộ máy cơ quan giúp việc ổn định về tổ chức, chuyên môn hóa, chuyên sâu về chất lượng tham mưu, phục vụ. Tập trung đầu tư vào công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Đoàn ĐBQH.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021) cũng là khoảng thời gian chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại lịch sử hình thành và phát triển, ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội nói chung, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh nói riêng đã đạt được trong 75 năm qua. Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh trân trọng cảm ơn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện để Đoàn và các vị ĐBQH hoạt động, khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình. Cảm ơn sự phối hợp, đồng hành, tương trợ của Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong mọi hoạt động của Đoàn. Và chúng tôi thật sự trân quý và biết ơn sự ủng hộ, tín nhiệm, sự sát cánh của Nhân dân, của cử tri tỉnh nhà với Đoàn ĐBQH suốt những năm qua. Tất cả đã góp phần dựng xây thành quả, khắc đậm những dấu ấn đặc biệt về Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - cơ quan dân cử của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Nguyễn Văn Sơn - Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh

    Ý kiến bạn đọc