Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Những chặng đường phát triển
EmailPrintAa
09:38 31/12/2020

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong hoàn cảnh đất nước dân chủ mới còn non trẻ với muôn vàn khó khăn, phải đối phó thù trong giặc ngoài, nhưng Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khoá đầu tiên vào ngày 06/01/1946. Đây là sự kiện chính trị trọng đại chưa từng có trong lịch sử nước nhà, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc, Nhân dân được làm chủ vận mệnh đất nước, thể hiện ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam.

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I, ngày 02/03/1946 (Ảnh tư liệu)

75 năm qua, cùng với sự trưởng thành của Quốc hội Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh từng bước phát triển, góp phần cùng Quốc hội hoàn thành trọng trách của mình trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Quốc hội khoá I, Đoàn Hà Tĩnh có 07 đại biểu, khoá II, III có 14 đại biểu, khoá IV, V có 15 đại biểu. Trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt hai miền nhưng đại biểu Quốc hội - trong đó có các đại biểu của Hà Tĩnh đã hành động quyết liệt để đoàn kết, thống nhất dân tộc, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, đưa ra chính sách, nhiệm vụ công tác quân sự, kinh tế, chính trị thời chiến qua đó đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của Quốc hội kháng chiến, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 27/12/1975, nhằm tạo thế và lực mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Quốc hội khoá V đã phê chuẩn hợp nhất một số tỉnh, trong đó có hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Ngày 25/4/1976, cử tri cả nước nô nức bỏ lá phiếu bầu ra Quốc hội khoá VI của nước Việt Nam thống nhất. 27 vị đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ Tĩnh đã có mặt trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VI, tham gia biểu quyết những vấn đề trọng đại của dân tộc, đưa đến sự ra đời nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quang vinh...

Các khoá VII, VIII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ Tĩnh có 27 đại biểu, trong đó có lãnh đạo tỉnh, đại diện các tầng lớp, giai cấp. Các đại biểu đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm trước Đảng, trước dân; trăn trở, tích cực tháo gỡ những khó khăn, thực hiện mục tiêu ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển sản xuất, chăm lo đời sống Nhân dân. Từ trong gian khó những năm đầu sau thống nhất, các đại biểu cùng Nhân dân tỉnh nhà phát huy tính năng động, sáng tạo, với những đột phá, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của cơ chế, đúc kết thực tiễn từ cách làm mới, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.

Nhân dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngàu 6/01/1946 (Ảnh tư liệu)

Ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã quyết định chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh, tái lập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đây là cơ hội tốt để Đảng bộ và Nhân dân hai tỉnh thực hiện sự nghiệp đổi mới thuận lợi hơn. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh có 7-8 đại biểu. Từ đây, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cùng với Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống cách mạng, kinh nghiệm của các đại biểu khoá trước, thực hiện công cuộc đổi mới, giành được những thành tựu khá quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Trong đó nổi bật là xây dựng nông thôn mới, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ...

Trải qua 14 lần bầu cử đại biểu Quốc hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tỉnh Hà Tĩnh (khoá I-V, IX-XIV) và Nghệ Tĩnh (khoá VI-VIII) đã nỗ lực tổ chức thành công các kỳ bầu cử, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định, bầu đủ số lượng và cơ cấu. Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đều là những người có năng lực, trình độ, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm, luôn thể hiện trách nhiệm của mình trong việc phản ánh tình hình của địa phương, nguyện vọng của cử tri, để góp phần cùng Quốc hội xác định các chỉ tiêu, giải pháp hợp lý, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện của đất nước.

Trong công tác xây dựng pháp luật, căn cứ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, Đoàn đại biểu Quốc hội chủ động phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức các hội nghị, hội thảo, gửi văn bản lấy ý kiến theo đối tượng, phạm vi tác động tham gia góp ý vào các dự án luật. Theo đó hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện cả về nội dung, hình thức và kỹ thuật lập pháp, theo hướng thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch; thể hiện tư duy lập pháp mới trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh khóa XIV

Hoạt động giám sát được nâng cao chất lượng và hiệu quả, tập trung vào những vấn đề cử tri quan tâm như: quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư và khai thác các công trình; lao động, việc làm; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống xâm hại trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; phòng cháy, chữa cháy; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước... Qua hoạt động giám sát đã phát hiện và yêu cầu các đơn vị chịu sự giám sát có các biện pháp xử lý những thiếu sót, vi phạm, khắc phục những hạn chế, bất cập. Đồng thời kiến nghị với các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm liên quan nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp; tăng cường công tác quản lý nhà nước. Tại các kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã lựa chọn các nội dung quan trọng, nhiều cử tri quan tâm và những khó khăn, vướng mắc ở địa phương cần tháo gỡ để chất vấn và tranh luận với người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành như: Việc dừng dự án Mỏ sắt Thạch Khê, chế độ chính sách cán bộ cơ sở, cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch cây ăn quả, dịch tả lợn Châu Phi... Các nội dung chất vấn cơ bản đã được Chính phủ và các bộ, ngành trả lời đầy đủ, kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Công tác dân nguyện ngày càng gần dân, sát dân. Tiếp xúc cử tri của các đại biểu được Đoàn phối hợp tốt với Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, tiếp tục cải tiến, đổi mới đảm bảo dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu dân cử, của cử tri và của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện. Qua tiếp xúc cử tri, các vị đại biểu đã thể hiện trách nhiệm của mình trong việc báo cáo nội dung, chương trình, kết quả các kỳ họp Quốc hội, tiếp thu ý kiến, kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương; đồng thời tổng hợp những ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Hàng tháng, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đã cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham gia đầy đủ các cuộc tiếp công dân định kỳ tại trụ sở tiếp công dân theo lịch chung của tỉnh; việc tiếp công dân thường xuyên tại trú sở làm việc cũng được đảm bảo. Công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội được xem xét, xử lý kịp thời và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo luật định. Đoàn cũng đã thường xuyên đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân qua đó thể hiện vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng Nhân dân của cơ quan dân cử.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018 tại thị xã Kỳ Anh

Bên lề các kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tranh thủ thời gian ngày nghỉ và sau giờ làm việc để cùng với lãnh đạo tỉnh bố trí nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành; gặp mặt, toạ đàm, làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội của một số tỉnh, thành trong cả nước. Thông qua các cuộc làm việc nhằm giới thiệu những tiềm năng, lợi thế và nêu lên những khó khăn, thách thức của tỉnh; kiến nghị, đề xuất một số nội dung cụ thể với Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành liên quan nhằm giúp tỉnh xử lý, tháo gỡ; đồng thời kêu gọi xúc tiến đầu tư, tranh thủ các nguồn lực để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học được Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh chú trọng, nhiều đề tài cấp bộ, cấp tỉnh và các sáng kiến kinh nghiệm đã góp phần hoàn thiện, bổ sung những lý luận sắc bén gắn với thực tiễn giúp hữu ích quá trình nghiên cứu lập pháp. Đoàn cũng có nhiều việc làm cụ thể, hết sức ý nghĩa hưởng ứng phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, “chung sức xây dựng nông thôn mới”, “chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”...

Với truyền thống 75 năm qua và tiếp nối những kinh nghiệm của các vị đại biểu tiền nhiệm, có thể nói trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh và các vị đại biểu Quốc hội đã vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có những bước trưởng thành vượt bậc, xứng đáng là người đại diện của cử tri và Nhân dân tỉnh nhà.

Qua đó vai trò, vị trí của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh ngày càng được nâng cao trong niềm tin yêu của Nhân dân và trên diễn đàn Quốc hội. Những thành tích đó là những điểm nhấn đánh dấu quá trình xây dựng và trưởng thành của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phải tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, thực hiện hiệu lực, hiệu quả quyền giám sát tối cao, góp phần quyết định sát đúng những vấn đề quan trọng của đất nước, đổi mới nâng cao công tác dân nguyện kịp thời nắm bắt nguyện vọng, ý kiến của cử tri, tuyên tuyền vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đồng hành với nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Trần Tiến Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh

    Ý kiến bạn đọc