Gắn bó với cử tri - sức mạnh và trí tuệ của ĐBQH
EmailPrintAa
11:21 25/03/2013

Làm thế nào để tăng cường mối quan hệ giữa ĐBQH và cử tri là câu hỏi không mới nhưng luôn là trăn trở của ĐBQH cũng như những người làm công tác hoạch định chính sách. Tham dự Hội nghị chuyên đề của Ban Dân nguyện, nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động tiếp xúc cử tri như một phương thức để tăng cường mối liên hệ chặt chẽ, máu thịt giữa ĐBQH với cử tri

Quyền làm chủ của nhân dân là Hiến định. Điều 2 Hiến pháp hiện hành quy định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân... Quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện thông qua các cơ quan đại diện là QH và HĐND. Đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri tại QH là các ĐBQH. 

Điều 97 Hiến pháp quy định: ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. ĐBQH phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với QH và các cơ quan Nhà nước hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của QH; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó. 

Cụ thể hóa nội dung của Hiến pháp, Luật Tổ chức QH quy định tại Điều 51: ĐBQH phải liên hệ chặt chẽ của cử tri, chịu sự giám sát cuả cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri. Mỗi năm ít nhất một lần ĐBQH phải báo cáo trước cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Cử tri có thể trực tiếp hoặc thông qua MTTQ yêu cầu đại biểu báo cáo công tác và có thể nhận xét đối với việc thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH.

Hoàn thành tốt vai trò đại diện đòi hỏi ĐBQH phải luôn sâu sát tình hình,  nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân để kịp thời phản ánh với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước. Đồng thời phải báo cáo về những hoạt động của mình và hoạt động của QH với cử tri. Tiếp xúc cử tri vừa là một kênh quan trọng để ĐBQH thực hiện tốt vai trò của mình, vừa là trách nhiệm đối với mỗi ĐBQH. Điều 12, khoản 1 Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH quy định: ĐBQH có trách nhiệm tiếp xúc cử tri theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH. Trong trường hợp không thể tham gia tiếp xúc cử tri thì ĐBQH báo cáo với Trưởng đoàn ĐBQH. ĐBQH có thể tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc. ĐBQH liên hệ với Ủy ban MTTQ địa phương nơi cư trú hoặc Ban chấp hành Công đoàn nơi làm việc để tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri.” UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hđnh Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH-DCTUBTWMTTQVN (Nghị quyết 525) về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, trong đó quy định trách nhiệm của ĐBQH, Đoàn ĐBQH, Ủy ban Trung ương MTTQ các cấp và các cơ quan, đơn vị hữu quan trong việc tiếp xúc cử tri; tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trách nhiệm giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. 

Có thể thấy, cơ sở pháp lý về mối quan hệ giữa ĐBQH với cử tri, về công tác tiếp xúc cử tri được đánh giá là khá đồng bộ và đầy đủ. Gần đây nhất, với Nghị quyết 525 đã quy định về những nội dung đổi mới cụ thể về: trách nhiệm của ĐBQH và Đoàn ĐBQH trong công tác tiếp xúc cử tri; hình thức tiếp xúc cử tri; việc tập hợp, tổng hợp, báo cáo QH và chuyển kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; việc tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Ngay ở hình thức tiếp xúc cử tri, cùng với việc kế thừa quy định về tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau Kỳ họp QH, theo nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, Nghị quyết 525 đồng thờibổ sung quy định về hoạt động tiếp xúc cử tri theo đối tượng, địa bàn mà ĐBQH quan tâm. Để tạo sự thống nhất, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của ĐBQH, tạo sự chủ động và điều kiện để ĐBQH tiếp xúc được với nhiều cử tri ở địa bàn ứng cử, Nghị quyết 525 còn quy định theo hướng việc tiếp xúc cử tri chủ yếu do từng đại biểu thực hiện (một điểm tiếp xúc có một ĐBQH); chỉ trong trường hợp cần thiết thì mới tổ chức để 2 – 3 đại biểu cùng tiếp xúc cử tri tại một điểm. Những điểm mới này, mặc dù mới triển khai trên thực tế chưa bao lâu, song đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri của ĐBQH. Nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, ngoài các hoạt động tiếp xúc cử tri thường kỳ trước và sau mỗi Kỳ họp QH theo luật định, do một ĐBQH đảm nhiệm đã được tiến hành, góp phần thiết thực tăng cường mối liên hệ giữa cá nhân từng ĐBQH với cử tri, giúp cử tri có điều kiện thuận lợi hơn trong giám sát hoạt động của đại biểu, kịp thời có những đóng góp, kiến nghị quan trọng để ĐBQH hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ người đại biểu nhân dân. 

Một điểm mới nữa của Nghị quyết 525 nhận được sự đồng tình của ĐBQH là quy định về việc tiếp xúc cử tri ngoài tỉnh, thành phố nơi ĐBQH ứng cử (Điều 27). Quy định mới chưa có tiền lệ này nhằm tăng cường tính chủ động của ĐBQH trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, đồng thời cụ thể hóa quy trình để thực hiện quy định tại Điều 97 Hiến pháp hiện hành: ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Với quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho ĐBQH chuyên trách, ĐBQH là lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các bộ, ngành có cái nhìn đa chiều, toàn diện hơn về những vấn đề của thực tiễn trên mọi miền đất nước, qua đó nâng cao chất lượng ý kiến đóng góp xây dựng pháp luật, giám sát cũng như tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. 

Những kết quả bước đầu nêu trên phản ánh tương đối chính xác thực tế tiếp xúc cử tri hiện nay và cho thấy công tác này ngày càng được hoàn thiện về lượng và chất. Tuy nhiên, so với yêu cầu và mong muốn thì công tác tiếp xúc cử tri đòi hỏi cần được tiếp tục cải tiến, đổi mới về nhiều mặt. Những hình thức tiếp xúc cử tri mới như tiếp xúc cử tri theo đối tượng, địa bàn mà ĐBQH quan tâm, hay tiếp xúc cử tri ngoài tỉnh, thành phố nơi ĐBQH ứng cử... chưa có điều kiện triển khai trên diện rộng. Tình trạng cử tri chuyên nghiệp tại các hội nghị tiếp xúc cử tri vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Nhiều cuộc tiếp xúc còn mang nặng tính hình thức, thiếu sức hấp dẫn, chưa thực sự có sự đối thoại, trao đổi giữa ĐBQH với cử tri nên chưa thu hút được sự tham dự đông đảo và chủ động của cử tri... 

Ghi nhận các điểm mới của Nghị quyết 525 cũng như tính hiệu quả bước đầu mà các quy định mới mang lại đối với công tác tiếp xúc cử tri, song mong muốn chung của đại biểu tham dự Hội nghị của Ban Dân nguyện là cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để đưa những quy định của Nghị quyết 525 thành điều luật khi QH tiến hành việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức QH, tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho một trong những hoạt động cơ bản, thường xuyên của ĐBQH. Và trong khi chờ sửa Luật, để nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định rõ hơn các cơ chế bảo đảm ĐBQH có thể liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri. Bảo đảm có đủ cơ chế để ĐBQH tiếp thu ý kiến của cử tri. Tăng cường các hoạt động bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho ĐBQH, trong đó có kỹ năng tiếp xúc cử tri như kỹ năng trình bày vấn đề, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng lý giải và thuyết phục, kỹ năng thương thuyết và tác động...


    Ý kiến bạn đọc