Giải pháp hữu hiệu nâng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội
EmailPrintAa
23:46 02/02/2019

Vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị tỷ lệ thuận với tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, trong đó có tham gia làm đại biểu dân cử. Do vậy, Chiến lược và Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành. Nhưng, trừ QH Khóa V (1975 - 1976) đạt tỷ lệ 32% tổng số ĐBQH là nữ thì đến nay chưa có khóa nào đạt tỷ lệ 30%. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp hữu hiệu hơn.

Chất lượng và vị thế có nhiều tiến bộ

Với 26,7% tổng số ĐBQH Khóa XIV là nữ, tuy chưa đạt so với mục tiêu 30%, nhưng đây vẫn là tỷ lệ cao nhất kể từ nhiệm kỳ Khóa XII đến nay và đưa Việt Nam xếp thứ 63 trong Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Chất lượng và vị thế của nữ ĐBQH Khóa XIV cũng được đánh giá là có nhiều tiến bộ. Nhiều nữ đại biểu giữ trọng trách cao trong bộ máy nhà nước. Trong đó, lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm, QH Việt Nam có nữ Chủ tịch QH đầu tiên. Tỷ lệ nữ ĐBQH đảm nhận các cương vị là Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH cũng tăng lên so với Khóa XII. Bên cạnh đó, 100% nữ ĐBQH có trình độ đại học trở lên, trong khi ở Khóa XII, tỷ lệ này chỉ là 95,99%, Khóa XIII là 96,7%. Nữ ĐBQH dưới 40 tuổi và là người dân tộc chiếm tỷ lệ khá cao, xấp xỉ 30%. Tỷ lệ nữ ĐBQH tái cử trong nhiệm kỳ QH Khóa XIV cũng lên tới 33,3%. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt, điều này đã cho thấy vai trò, uy tín của nữ ĐBQH với QH và với cử tri ngày càng tăng.

Ảnh: Quang Khánh

Để có một nữ ĐBQH đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, cần quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt và từ sớm nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ nữ, bảo đảm yêu cầu phát triển liên tục bền vững đội ngũ cán bộ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tránh tình trạng khi chuẩn bị bầu cử mới tìm kiếm nhân sự. Cần rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với cán bộ nữ nói chung, nữ đại biểu dân cử nói riêng, nhằm tạo điều kiện phát huy tiềm năng của phụ nữ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa

Các nữ ĐBQH đã và đang ngày càng khẳng định vai trò, sức ảnh hưởng của mình trong hoạt động của QH. Theo đánh giá của Ban Công tác đại biểu, nhiều nữ đại biểu đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm công tác, dành thời gian, công sức nghiên cứu, đóng góp vào thành công chung của QH, các cơ quan của QH; tích cực tham gia ý kiến trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh quốc phòng - công tác đối ngoại, nhất là vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, các đối tượng yếu thế... Nhiều nữ ĐBQH đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng cử tri và nhân dân.

Tuy vậy, nữ ĐBQH vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt, các nữ ĐBQH trúng cử lần đầu thường phải “gánh” nhiều cơ cấu và phần đông là đại biểu kiêm nhiệm, phải vừa đảm đương vai trò đại biểu của nhân dân, vừa thực hiện công việc chuyên môn, chăm lo gia đình… nên áp lực rất lớn. Mặt khác, trong tổ chức của QH, các nữ ĐBQH chủ yếu tham gia trong các cơ quan thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội. Trong khi đó, các Ủy ban khác như luật pháp, tài chính, ngân sách, đối ngoại… đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quốc gia thì tỷ lệ nữ ĐBQH là thành viên vẫn còn hạn chế.

Cần có chính sách cụ thể

Không phải ngẫu nhiên, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp năm 2015 lại quy định “cứng” tỷ lệ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND (chiếm ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử). Bởi lẽ, tỷ lệ nữ ứng cử viên ĐBQH là yếu tố quan trọng để giúp lựa chọn được những nữ đại biểu xứng đáng nhất, góp phần bảo đảm chất lượng và hiệu quả hoạt động của nữ ĐBQH.

Để tăng tỷ lệ nữ ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, theo một số ĐBQH, trước hết phải có sự thay đổi mạnh mẽ nhận thức về vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội. Bởi thực tế, định kiến giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, trong gia đình và xã hội. Tuy không phổ biến, song không khó thấy một số cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ về công tác cán bộ nữ.

Chỉ còn hai năm nữa sẽ tiến hành bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Để bảo đảm tỷ lệ nữ ĐBQH và chất lượng của nữ ĐBQH, ngay từ bây giờ, các địa phương phải thay đổi nhận thức trong công tác lựa chọn, quy hoạch ứng cử viên nữ. Cần tránh bố trí các liên danh chưa hợp lý khiến nữ ứng cử viên khó có thể cạnh tranh với nam ứng cử viên cùng khu vực bầu cử. Bởi cách làm này khiến con số nữ ứng cử viên ở một số nơi bảo đảm đúng quy định đề ra, song người trúng cử lại chưa bảo đảm tiêu chí, chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động của QH.

Ngoài ra, các ĐBQH cũng đề nghị thay đổi công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ để phù hợp với Luật Bình đẳng giới. Bởi bất cập trong lựa chọn, quy hoạch cán bộ hiện nay cũng là một nguyên nhân khiến phụ nữ ít có cơ hội hơn nam giới để tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý. Tất nhiên, nữ đại biểu cũng cần đầu tư nghiêm túc, có hiệu quả, có chất lượng khi tham gia vào các hoạt động của QH. Sự thể hiện tốt của nữ đại biểu trên nghị trường sẽ giúp thay đổi nhận thức của xã hội, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của chính mình.

Báo daibieunhandan.vn

    Ý kiến bạn đọc