Hội nghị trực tuyến: góp ý dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương
EmailPrintAa
09:59 17/04/2015

Ngày 16/4/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố để góp ý vào dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các Phó chủ tịch Quốc hội chủ trì ở điểm cầu Hà Nội. Ở điểm cầu Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương đưa ra để lấy ý kiến lần này đã được Ủy ban pháp luật của Quốc hội phối hợp cùng Bọ Nội vụ tiếp thu ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm do các cơ quan của Quốc hội và Bộ Nội vụ tổ chức, theo đó Dự thảo Luật lần này được bố cụ lại gồm 13 chương, 155 điều. Tại hội nghị đại biểu của các tỉnh, thành phố và các vị đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến

Theo Dự thảo mô hình tổ chức chính quyền địa phương có 2 phương án, phương án 1: quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương ( gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) nhưng làm rõ trong Luật tổ chức chính quyền địa phương những điêm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo; phương án 2: quy định các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, xã, thị trấn tổ chức tổ chức cấp chính quyền địa phương ( gồm HĐND và UBND), riêng ở phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức Ủy ban nhân dân để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường … Hầu hết các ý kiến phát biểu đều thống nhất với phương án 1, tức là ở đâu có UBND thì ở đó phải có HĐND. Vì UBND là do HĐND bầu ra và đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013, nếu bỏ HĐND dù ở cấp nào cũng đều vi phạm Hiến pháp. Về tổ chức hoạt động của HĐND, các đại biểu cũng nhất trí là phải tăng cường nguồn lực cho HĐND các cấp cả về con người, về cơ sở vật chất để bảo đảm các hoạt động của HĐND. Theo đó các đại biểu tán thành tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND cấp tỉnh lên ít nhất 20%, cấp huyện lên 15% trên tổng số đại biểu. Về quy định Thường trực HĐND, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm Chánh văn phòng vào Ủy viên Thường trực HĐND cấp tỉnh; đề nghị tăng số lượng chuyên trách HĐND cấp xã; quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ của các ban HĐND ….

Kết thúc hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu đánh giá cao những ý kiến góp ý vào Dự thảo luật của các đại biểu, những ý kiến đó sẽ được Ban sọan thảo và các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh sửa hoàn chỉnh Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương để trình ra Kỳ họp thứ 9 thông qua.


    Ý kiến bạn đọc