Sáng 20/5/2013, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh:
Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội được tiến hành trong lúc tình hình kinh tế khu vực và thế giới đang trong quá trình phục hồi, nhưng chưa thực sự bền vững; kinh tế trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Năm tháng đầu năm 2013, tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, lãi suất giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng khá; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định, nhiều khó khăn thách thức còn hiển hiện, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục gặp khó khăn; việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu chậm được giải quyết; tồn kho hàng hóa và bất động sản còn lớn; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục tăng; việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn... Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải đoàn kết một lòng, có những giải pháp tích cực và đồng bộ, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tạo đà phát triển bền vững cho những năm sau.
Các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tại phiên khai mạc |
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng sau đây:
Một là, tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân. Vừa qua, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Vì vậy, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng trong toàn dân, bảo đảm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, được tổ chức dưới nhiều hình thức thích hợp. Bằng tâm huyết và trí tuệ của mình, đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, cởi mở và xây dựng; góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực. Trên cơ sở tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực ý kiến của nhân dân, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội với tinh thần chân thành ghi nhận các ý kiến đóng góp; nghiên cứu, chắt lọc ý kiến để thể hiện ý chí của nhân dân; tiếp thu, giải trình đầy đủ, cụ thể, thấu đáo những vấn đề được nêu trong quá trình lấy ý kiến. Quốc hội hoan nghênh và trân trọng cảm ơn đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài đã nhiệt tình hưởng ứng và có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hai là, xem xét dự án Luật đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước và đời sống của nhân dân. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã dành thời gian thích đáng để thảo luận, cho ý kiến. Sau kỳ họp này, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đã tập trung hoàn thiện dự thảo Luật, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các ngành, các cấp và các doanh nghiệp. Xét thấy đây là một dự án Luật quan trọng, liên quan đến quyền, lợi ích của các tầng lớp nhân dân, có nhiều nội dung phức tạp, ý kiến còn khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ý kiến góp ý của nhân dân, tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn, bảo đảm tính khả thi để việc thi hành được thuận lợi, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thực thi chính sách pháp luật về đất đai hiện nay.
Ba là, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ thông tin, tuân thủ quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm, thể hiện mức độ tín nhiệm đối với các vị được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây sẽ là một nội dung hoạt động quan trọng, thường niên của Quốc hội, bảo đảm để Nghị quyết của Quốc hội được thực thi trong cuộc sống, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Bốn là,Quốc hội sẽ xem xétcác báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011;thông qua 10 dự án luật và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2013 của Quốc hội và cho ý kiến về 7 dự án luật khác.
Quốc hội sẽ dành thời giangiám sát chuyên đề “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012”; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội; nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014; xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội nghe: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013….
Chúng tôi tiếp tục thông tin về diễn biến của kỳ họp trong các bản tin tiếp theo.
Tin mới cập nhật
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 40 ( 10/12)
- Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Vũ Quang ( 04/12)
- Cử tri huyện Nghi Xuân đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ( 04/12)
- Cử tri Hương Sơn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, xây dựng NTM ( 03/12)
- Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của cử tri Thị xã Kỳ Anh ( 02/12)
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)