Phải thể hiện được bản lĩnh của mình trước những vấn đề quốc kế, dân sinh
EmailPrintAa
08:51 31/01/2013

Làm tròn trọng trách với cử tri luôn là mong muốn, là trăn trở của người làm công tác dân cử. Trao đổi với Phóng viên Báo Đại biểu nhân dân, ĐBQH, Phó chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, Chủ tịch Hội Hoá học Hà Nội BÙI THỊ AN cho rằng là đại biểu của dân dù ở trung ương hay địa phương thì điều quan trọng là phải biết lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và có những kiến nghị sát hợp. Người đại biểu dân cử chỉ làm tròn trọng trách của mình khi trách nhiệm đó gắn liền với lợi ích của người dân, với sự phát triển chung của đất nước.

- Từng có kinh nghiệm trong công tác dân cử địa phương có thể được coi là một lợi thế của Chị, Chị sẽ phát huy lợi thế này như thế nào trong vai trò của ĐBQH?

ĐBQH Bùi Thị An: Với thời gian 7 năm là đại biểu HĐND TP Hà Nội với tôi có thể là một lợi thế,  giúp tôi có được một chút kinh nghiệm trong vai trò của người đại biểu dân cử. Trong quá trình hoạt động  HĐND TP Hà Nội  tôi nghĩ mình với tư cách người đại biểu dân cử của địa phương nhưng khi trở thành ĐBQH thì phải có trách nhiệm ở phạm vi rộng hơn, có tính bao quát hơn. Nhưng dù là đại biểu của dân ở trung ương hay địa phương thì điều quan trọng phải là người đại diện cho quyền lợi chính đáng của dân, biết lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri để có những kiến nghị sát hợp. ĐBQH chỉ làm tròn trách nhiệm của mình khi trách nhiệm đó gắn liền với lợi ích của người dân, với sự phát triển chung của đất nước.

- Là Phó chủ tịch Hội Hoá học Việt Nam, Chủ tịch Hội Hoá học Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và phát triển cộng đồng; Tổng biên tập tạp chí Mẹ và Bé, Chị dành thời gian như thế nào cho vai trò của ĐBQH?

ĐBQH Bùi Thị An: Với trách nhiệm ĐBQH dù thế nào đi chăng nữa, thì trước tiên cũng phải bố trí thời gian để làm tròn trách nhiệm đại biểu dân cử, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ ĐBQH: tham gia các buổi họp, đóng góp vào xây dựng chương trình luật, khảo sát, giám sát… Bên cạnh đó, là công việc  tìm hiểu, tiếp nhận và lắng nghe ý kiến của dân, sắp xếp, xử lý những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của dân, trên cơ sở đó kiến nghị lên QH và phát biểu trên nghị trường. Còn tất cả những công việc còn lại khác, tôi vẫn phải bố trí một cách khoa học để hoàn thành. 

Công tác dân cử ở Trung ương được đánh giá là một công việc khá vất vả và chịu nhiều áp lực. Quan điểm của Chị về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Bùi Thị An: Tôi không nghĩ rằng làm đại biểu dân cử ở địa phương hay trung ương là có nhiều và áp lực. Vất vả chắc chắn là có nhưng áp lực tôi nghĩ là không. Vì đã là đại biểu dân cử ở đâu thì cũng như nhau, cũng là người đại diện quyền lợi chính đáng của dân, và phải biết nói lên được tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Khác chăng ở đây là mình được nói lên tâm tư, nguyện vọng và cả những kiến nghị của cử tri ở phạm vi rộng hơn  tại nghị trường QH.

- Chất vấn là hoạt động được cử tri rất quan tâm, tuy nhiên, chất vấn ấn tượng, gai góc hiện nay vẫn thuộc về số ít. Theo Chị, cần phải làm gì để đẩy mạnh hiệu quả của hoạt động này tại nghị trường?

ĐBQH Bùi Thị An: Tôi quan niệm “ấn tượng và gai góc” ở đây  là những ý kiến đó đại diện được cho nguyện vọng chính đáng của nhiều cử tri, là các vấn đề mà nhiều người đang rất quan tâm, bức xúc, và nếu giải quyết được thì sẽ  đem lại quyền lợi cho người dân, lợi ích của đất nước.

Muốn hoạt động chất vấn tại nghị trường có hiệu quả phụ thuộc vào  nhiều yếu tố. Đầu tiên là phụ thuộc vào chất lượng của ĐBQH, chữ tâm và trình độ của ĐBQH, bản lĩnh của ĐBQH, phụ thuộc vào việc thực hiện lời hứa mà ĐBQH đã hứa trước cử tri tại đơn vị bầu cử của mình. Thứ hai, phụ thuộc vào cơ quan thường trực của QH đó là UBTVQH, biết lựa chọn vấn đề, biết tập trung vào những vấn đề trọng tâm nhất. Thứ ba, phụ thuộc rất nhiều vào người trả lời chất vấn. Người trả lời chất vấn có chuẩn bị tốt không, có nắm được nội dung để trả lời chất vấn của ĐBQH không? Và một điều cốt lõi là cả người chất vấn và người trả lời chất vấn có thực tâm vì quyền lợi của cử tri của mình hay không? Tôi nghĩ, nếu mình làm tốt được các yếu tố trên thì hoạt động chất vấn tại nghị trường sẽ đạt được hiệu quả cao, có được sức “nóng” và sự hấp dẫn đặc biệt.

- Có ý kiến cho rằng, QH mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, bản lĩnh của đại biểu, vào năng lực hoạt động của các cơ quan của QH. Quan điểm của Chị về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Bùi Thị An: Tôi hoàn toàn nhất trí với việc chất lượng hoạt động của QH phụ thuộc rất nhiều vào ĐBQH. Nếu như ĐBQH không có trình độ, không có bản lĩnh, không có năng lực, không có trí tuệ thì hoạt động của ĐBQH sẽ kém hiệu quả và như vậy sẽ không tạo nên sức mạnh của QH được. Theo tôi, để QH mạnh lên, bản thân mỗi đại biểu phải biết tự nâng cao trình độ, hiểu biết và năng lực của mình. Và điều đặc biệt quan trọng là người đại biểu phải thể hiện được bản lĩnh của mình trước những vấn đề quốc kế, dân sinh.   

- Thẳng thắn, trực diện trong chất vấn là một trong những ấn tượng của cử tri khi Chị là đại biểu HĐND TP Hà Nội, và chị vẫn giữ nét đẹp đó ở nghị trường Khóa XIII này thưa Chị?

ĐBQH Bùi Thị An: Thẳng thắn, chất vấn đi thẳng vào vấn đề cũng là cá tính và bản lĩnh của tôi. Chắc sẽ khó thay đổi nhất là ở cái tuổi này. Tôi nghĩ, với tư cách là người đại diện của dân, với cái tâm trong sáng và luôn luôn khách quan thì chuyện chất vấn thẳng thắn, trực diện để thúc đẩy công việc phát triển tốt hơn thì không có gì mà ngại cả.

Xin cám ơn chị!

Nguồn Báo Đại biểu nhân dân


    Ý kiến bạn đọc