UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII: Cần tập trung cải tiến công tác điều hành kỳ họp
EmailPrintAa
08:50 31/01/2013

Từ Kỳ họp thứ Hai tới, VPQH đề nghị UBTVQH trình QH cho phép áp dụng ngay một số cải tiến như rút ngắn thời gian trình bày các báo cáo, giảm bớt thời gian thảo luận tổ và tăng thời gian thảo luận hội trường để trao đổi kỹ hơn về các vấn đề còn ý kiến khác nhau, cải tiến cách thức thảo luận tại Tổ và tổng hợp ý kiến thảo luận Tổ... Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII tại Phiên họp thứ Ba, các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành các đề xuất trên và đề nghị, cần tập trung cải tiến công tác điều hành kỳ họp. UBTVQH – cơ quan đầu não của QH - có thể làm việc thường xuyên trong thời gian diễn ra kỳ họp...

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Áp dụng ngay tại Kỳ họp thứ Hai một số cải tiến, đổi mới

Các báo cáo và tài liệu thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của QH đến bây giờ chưa trình ra các cơ quan của QH và UBTVQH thì không nên đưa vào chương trình Kỳ họp thứ Hai. Các nội dung muốn đưa được vào chương trình Kỳ họp thứ Hai của QH thì các cơ quan của QH phải tiến hành thẩm tra, phải có thời gian, rồi UBTVQH phải cho ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý rồi mới gửi tài liệu cho ĐBQH, mới báo cáo QH được. Vì thế, những nội dung thuộc thẩm quyền của QH xem xét, quyết định mà đến thời điểm này vẫn chưa có thì dứt khoát đưa ra khỏi chương trình.

 

Các báo cáo, tài liệu có tính chất cung cấp thông tin cho ĐBQH, theo quy định là do Chủ tịch QH quyết định. Ví dụ Dự án 2 lô dầu của Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng là cung cấp thông tin theo đề nghị của ĐBQH tại kỳ họp trước. Chính phủ, các ngành đã chuẩn bị thông tin, tài liệu rồi thì nên gửi cho ĐBQH cũng tốt. Có ĐBQH đề nghị Chính phủ báo cáo về tình hình tệ nạn xã hội, ma túy, bạo lực học đường, tham nhũng – đúng đây là những vấn đề bức xúc nổi lên trong thời gian gần đây nhưng trong chương trình kỳ họp đã có các Báo cáo của Chính phủ về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, cũng đã bao gồm cả những vấn đề đó rồi. Nếu vấn đề nào mà Báo cáo của Chính phủ chưa chú trọng lắm thì từ nay đến kỳ họp có thể bổ sung thêm, nhấn mạnh thêm chứ không nên có một báo cáo riêng nữa.

 

Kỳ họp này, UBTVQH báo cáo QH để xin phép QH cho áp dụng ngay một số vấn đề có thể cải tiến, đổi mới ngay được; còn những nội dung chưa cải tiến, chưa đổi mới được ngay thì vẫn tiếp tục nghiên cứu, gắn với cả lịch trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH và sửa đổi Hiến pháp. Những nội dung không liên quan đến thẩm quyền QH phải quyết định thì có thể để lại, mặc dù những cải tiến liên quan đến hoạt động của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban  gắn kết với nhau trong quá trình đổi mới tổ chức hoạt động của QH, nhưng những vấn đề này, UBTVQH có thể bàn bạc và quyết định sau để không làm mất thêm thời gian của QH. Riêng về hoạt động của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi đề nghị Ủy ban nên có một báo cáo gọn về những công việc đã triển khai đến thời điểm này để gửi các ĐBQH. Trong Báo cáo đó, có thể nhấn thêm một số ý yêu cầu các Đoàn ĐBQH và trách nhiệm của các cơ quan của QH và các ĐBQH, các ngành trong việc nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp. 

 

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng: Cần tập trung cải tiến công tác điều hành Kỳ họp

Gắn với việc chuẩn bị dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII, Ban chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH đã trình một số nội dung có thể áp dụng ngay tại kỳ họp này. Tôi đề nghị các VPQH và Văn phòng Chính phủ cùng phối hợp, xem xét lại một lần nữa nội dung chương trình Kỳ họp thứ Hai. Trong Phiên khai mạc sẽ điều chỉnh thời gian trình bày Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lên ngay sau Báo cáo của Thủ tướng, sau đó mới đến Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ KT - XH... như các kỳ họp trước. Điều này có ý nghĩa chính trị rất lớn và được cử tri hoan nghênh. Đề nghị chuẩn bị thêm Báo cáo về tiến độ và hoạt động của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Yêu cầu chung đối với dự kiến chương trình kỳ họp là không nên dài dòng, viết nhiều nhưng không thực hiện được mà phải linh động, linh hoạt. Cần tập trung cải tiến công tác điều hành kỳ họp. Trong quá trình họp QH, UBTVQH có thể họp khi cần thiết, hàng tuần đều có hội ý. Kỳ họp này, tôi đề nghị chúng ta cũng nên điều hành đúng như thế.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng: Nên có Nghị quyết về cơ chế đặc biệt đối với vùng xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường ở các khu kinh tế, làng nghề – hiện nay, chúng tôi đã dự thảo Báo cáo kết quả giám sát theo hướng QH sẽ ban hành một nghị quyết riêng về chuyên đề giám sát này. Còn nội dung liên quan đến khu kinh tế cửa khẩu và quốc phòng thì thực chất những khu vực này ô nhiễm môi trường không quá nghiêm trọng và sau Kỳ họp thứ Hai, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng sẽ giám sát và có báo cáo riêng về vấn đề này nên Kỳ họp thứ Hai, tôi đề nghị nên có một nghị quyết riêng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ô nhiễm môi trường trong làng nghề.

 

Liên quan đến các nghị quyết của QH, theo tôi được biết, hiện nay, có hai vấn đề cần QH ban hành Nghị quyết nhưng không hiểu sao về phía Chính phủ chuẩn bị rất chậm. Thứ nhất là, Bộ Giao thông - Vận tải có báo cáo Thủ tướng về việc đề nghị QH cho phép giãn tiến độ thực hiện Dự án giai đoạn hai làn xe đến năm 2015 chậm 5 năm so với yêu cầu Nghị quyết số 38 năm 2004 của QH Khóa XI về đường Hồ Chí Minh. Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị QH ban hành một nghị quyết kéo dài việc thực hiện chương trình đường Hồ Chí Minh, bởi vì giai đoạn vừa rồi chuẩn bị vốn và một số điều kiện khác không kịp. Thứ hai là nghị quyết về Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Nên có Nghị quyết về cơ chế đặc biệt đối với vùng xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Vừa rồi, tôi có trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương thì nói là đang tích cực chuẩn bị, sẽ trình và báo cáo Thủ tướng. Sau đó, tôi trao đổi lại với Thủ tướng, Thủ tướng nói sẽ hỏi lại Bộ Công thương. Tôi nghĩ, việc này có khó gì đâu, chỉ khoảng hơn một trang, Chính phủ trình thì làm được rất nhanh mà người dân sẽ phấn khởi, yên tâm với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có những cơ chế đặc biệt, đặc thù kèm theo.

 

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc:  Cố gắng đổi mới công tác thông tin phục vụ ĐBQH

VPQH đã gửi phiếu xin ý kiến các Đoàn ĐBQH về chủ trương áp dụng một số cải tiến, đổi mới hoạt động của QH ngay tại Kỳ họp thứ Hai. Hầu như các Đoàn ĐBQH nhất trí cao về chủ trương đổi mới này. Khi đưa ra các nội dung cải tiến, đổi mới thì chúng tôi cũng đã có giải pháp thực hiện cụ thể kèm theo. Ví dụ, việc rút gọn thời gian trình bày Báo cáo, Tờ trình của các cơ quan thì khi nhận được tài liệu của các cơ quan, VPQH đã phải thẩm định trước và thống nhất, tờ trình nào của bộ, ngành nào dài quá thì yêu cầu phải rút gọn lại, trừ Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo giải trình của Ủy ban Tài chính và Ngân sách có nhiều số liệu thì kéo dài thêm một chút. Tất nhiên cũng chỉ tương đối chứ không thể cầu toàn hết được, nhưng tinh thần là cố gắng xây dựng các báo cáo thật cô đọng để rút gọn thời gian trình bày tại các Phiên họp của QH.

 

Từ Kỳ họp thứ Hai, chúng tôi cũng sẽ cố gắng đổi mới công tác thông tin phục vụ ĐBQH. Ngay sau kỳ họp này đã phải xây dựng được dự kiến chương trình của Kỳ họp thứ Ba để giúp cho các cơ quan chuẩn bị nghiên cứu trước các nội dung.

 

 Cải tiến việc trình bày Báo cáo tại Hội trường để rút ngắn thời gian tiến hành kỳ họp

Để có thể rút ngắn thời gian tiến hành kỳ họp, đề nghị QH cải tiến việc trình bày các báo cáo, tờ trình tại Hội trường không quá 15 phút/báo cáo, nhất là đối với các báo cáo, tờ trình đã gửi ĐBQH nghiên cứu trước; quy định thời gian nêu câu hỏi chất vấn trực tiếp tại hội trường của mỗi ĐBQH không quá 2 phút.

Cần bố trí thời gian thảo luận theo hướng giảm bớt thời gian thảo luận tổ và tăng thời gian thảo luận hội trường để trao đổi về các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Tăng thời gian thảo luận tổ từ 0,5 lên 1 ngày về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011 - 2015, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; từ 1/4 lên 1/2 ngày đối với một số dự án luật trình QH cho ý kiến như: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dành 2,5 ngày để thảo luận kết hợp tại hội trường về kinh tế-xã hội cùng với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Cần sắp xếp chương trình để QH xem xét, thông qua 2 Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2012 trong cùng một ngày. Bố trí hợp lý hơn nữa khoảng cách giữa các thời điểm trình bày báo cáo, thảo luận tổ và thảo luận hội trường đối với một số nội dung cụ thể. Mặt khác, cần biểu quyết riêng đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc mới được tiếp thu trên cơ sở ý kiến của ĐBQH trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, không nên gộp các nội dung vào biểu quyết một lần sẽ làm cho ĐBQH khó thể hiện chính kiến một cách đầy đủ.

Cần chú trọng cải tiến nâng cao chất lượng thảo luận tại Tổ ĐBQH, vì đây cũng là hình thức làm việc tập thể của QH trong việc xem xét, thảo luận, cho ý kiến các nội dung của kỳ họp. Đề nghị 1 Ủy viên UBTVQH, trừ Chủ tịch QH và các Phó chủ tịch QH làm Tổ trưởng chủ trì việc thảo luận tổ; quy định mỗi ý kiến phát biểu tại tổ không quá 10 phút để có thời gian cho nhiều ĐBQH khác phát biểu. Đồng thời, ghi âm, gỡ băng ý kiến thảo luận tại tổ và đưa lên Trang thông tin dữ liệu điện tử của QH để thuận tiện cho việc tra cứu cũng như bảo đảm chất lượng việc tập hợp, tổng hợp.

(Tờ trình của VPQH)

 


    Ý kiến bạn đọc