Xây dựng nghị quyết từ thực tiễn
EmailPrintAa
14:04 28/03/2017

Tôi rất vui mừng được đến dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tổ chức tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Thay mặt UBTVQH, tôi xin gửi đến các đại biểu tham dự Hội nghị lời chào, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc; chúc cho mối quan hệ giữa các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam Bộ ngày càng gắn bó bền chặt, chúc Hội nghị thành công

Tôi đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết QPPL của HĐND cấp tỉnh. Đây là một chủ đề rộng và mới vì Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016. Đây là văn bản pháp luật quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL từ Trung ương đến địa phương. Việc xây dựng, ban hành nghị quyết QPPL là hoạt động rất quan trọng của HĐND, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, là sản phẩm, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm cơ sở triển khai các văn bản QPPL phù hợp với thực tế ở địa phương.

Qua nghiên cứu các báo cáo tham luận của Thường trực HĐND 9 tỉnh, thành trong khu vực và ý kiến phát biểu của các đồng chí tại Hội nghị hôm nay, tôi rất vui mừng và đánh giá cao kết quả các địa phương đã đạt được trong việc xây dựng, ban hành nghị quyết QPPL của HĐND. Qua báo cáo và qua theo dõi hoạt động của HĐND các tỉnh, thành cho thấy, chất lượng nghị quyết được ban hành của các tỉnh, thành trong khu vực được nâng lên, phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương, được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và ban hành nghị quyết QPPL của HĐND vẫn còn có những mặt hạn chế. Cụ thể: Việc xác định, phân biệt giữa văn bản chứa đựng nội dung mang tính chất QPPL và văn bản cá biệt trên thực tế vẫn chưa rõ ràng và thống nhất; cơ quan soạn thảo nghị quyết gửi trình hồ sơ dự thảo nghị quyết còn chậm, ảnh hưởng đến chất lượng các nghị quyết HĐND khi được ban hành; một số trường hợp khi xây dựng nghị quyết chưa điều tra, khảo sát, phân tích, chưa bám sát thực tiễn cũng như đánh giá đầy đủ các tác động của nghị quyết nên khi triển khai thực hiện kết quả còn hạn chế...


Ảnh: M. Tuân

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng, ban hành nghị quyết QPPL của HĐND, tôi đề nghị các đồng chí quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chủ trương, chính sách mới, Thường trực, các ban HĐND cần phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh trong việc đề nghị xây dựng nghị quyết, thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách theo quy định; cần xác định rõ các nội dung lấy ý kiến phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt đối với các dự thảo nghị quyết có tác động sâu rộng đến đời sống nhân dân, liên quan đến vấn đề phát triển KT - XH, phúc lợi, môi trường... Đây là vấn đề quan trọng, nhằm phát huy trí tuệ các tầng lớp nhân dân, bảo đảm chính sách khi ban hành có tính khả thi. 

Thứ hai, cần nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra của các ban HĐND. Thường trực HĐND cần chủ động phân công các ban HĐND tham gia ngay từ đầu với các sở, ngành trong quá trình chuẩn bị xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết; tổ chức hội thảo, tiến hành khảo sát, giám sát, tham vấn ý kiến của chuyên gia, các đối tượng chịu sự điều chỉnh đối với những vấn đề quan trọng sẽ được đưa ra để HĐND xem xét. Báo cáo thẩm tra cần tập trung phân tích, phản biện và nêu rõ chính kiến. Đối với những vấn đề còn băn khoăn hoặc chưa phù hợp, các ban phải kiên quyết đề nghị không đưa vào chương trình nghị sự và yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để trình HĐND thông qua vào kỳ họp sau. Các báo cáo thẩm tra phải thực sự là cơ sở tin cậy để các đại biểu HĐND thảo luận và quyết định.

Thứ ba, chú trọng công tác triển khai thực hiện nghị quyết. Sau kỳ họp, HĐND, Thường trực, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND cần phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn tiến hành TXCT để tuyên truyền nghị quyết tới các tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết. UBND tỉnh, thành cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết.

Thứ tư, tăng cường giám sát việc thực hiện các nghị quyết đã ban hành. Thường trực HĐND và các ban HĐND, tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND cần tăng cường công tác giám sát, nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Chú trọng nắm bắt, tổng hợp thông tin phản hồi của các cơ quan, cá nhân, tổ chức chịu tác động, để kịp thời điều chỉnh bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định không phù hợp, bảo đảm các nghị quyết QPPL của HĐND phát huy tác dụng tích cực. 

Thứ năm, cần nâng cao chất lượng tham mưu giúp việc của Văn phòng HĐND tỉnh. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Văn phòng HĐND tỉnh là giúp các ban của HĐND tỉnh xây dựng báo cáo thẩm tra và giúp Thường trực HĐND tỉnh hoàn thiện các dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu của Văn phòng HĐND tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật cần được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, đủ năng lực, trình độ chuyên môn; định kỳ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác soạn thảo văn bản nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, bảo đảm cho công tác tham mưu của Văn phòng đạt chất lượng, hiệu quả.

Thay mặt UBTVQH, một lần nữa xin chúc đại biểu các cơ quan Trung ương, các đồng chí đại biểu đại diện HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ cùng toàn thể các vị đại biểu dự Hội nghị lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Chúc HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.


    Ý kiến bạn đọc