Nóng giao khoản rừng
Đăng đàn chất vấn đầu tiên, ông Đặng Ngọc Sơn- Giám đốc Sở NN & PTNT được chất vấn vấn đề: Hiện nay thị trường tiêu thụ cây keo khó khăn, các đầu nậu lộng hành, ép giá, phải chở vào Quảng Bình, ra Nghệ An, làm thu nhập của người dân giảm hẳn, nhân dân lo lắng, bức xúc. Đề nghị UBND tỉnh cho biết sẽ có giải pháp gì để giúp người dân có thị trường tiêu thụ cây keo thuận lợi, giá bán hợp lý, nhằm ổn định tình hình.
![]() |
Ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời chất vấn |
Theo ông Sơn, hiện toàn tỉnh có khoảng 70.000 ha rừng trồng nguyên liệu; sản lượng gỗ khai thác bình quân 350.000 m3/năm; có 04 nhà máy dăm gỗ, gồm: 03 nhà máy đóng tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Công ty liên doanh sản xuất dăm giấy Việt Nhật, Công ty trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha, Công ty TNHH Tân Trường Phát) và 01 nhà máy đóng tại huyện Nghi Xuân (Công ty TNHH Thanh Thành Đạt); có 329 cơ sở chế biến nhỏ lẻ chủ yếu tập trung ở các huyện có diện tích rừng lớn (sau khi đã tháo dỡ 244 cơ sở không đảm bảo tiêu chí theo quy hoạch). Tổng công suất của các cơ sở chế biến khoảng 464.000 m3/năm (trong đó, công suất của 4 nhà máy chế biến dăm gỗ 380.000 m3/năm, chiếm 82%). Như vậy, tổng sản lượng khai thác gỗ rừng trồng nguyên liệu trung bình hàng năm trên địa bàn tỉnh, mới chỉ đáp ứng 75% tổng công suất các cơ sở chế biến (350.000 m3/464.000 m3)…; vấn đề tư thương ép giá Sở đã nắm được thông tin và đang tham mưu các phương án cho UBND tỉnh giải quyết tình trạng trên.
|
Đâị biểu Nguyễn Trọng Nhiệu chất vấn tại hội trường |
Chưa hài lòng với cách trả lời của ông Sơn, đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu truy trách nhiệm của ngành tại sao khi biết có tình trạng ép giá từ trước nhưng đến thời điểm hiện tại Sở mới có tham mưu ?; đại biểu Đinh Quốc Thị lại quan tâm đến vấn đề tận thu sản phẩm cho người dân khi nhà máy chỉ mua cây còn cành thì không mua khiến nhiều người dân bị thiệt thòi.
Kết thúc vấn đề, đồng chí Nguyễn Thanh Bình- Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới ngành Nông nghiệp cần phải thể hiện trách nhiệm của mình để người dân có thể tiêu thụ sản phẩm làm ra; ngành cũng cần phải tham mưu để người dân có lợi nhất, tăng thu nhập cho người dân; cần nghiên cứu sâu, tham mưu cho HĐND, UBND để điều chỉnh NQ, đề án nếu thấy chưa sát với thực tiễn; có giải pháp để hỗ trợ người dân trong mua, bán nguyên liệu không bị thiệt thòi, không bị tư thương ép giá; tiếp tục chỉ đạo việc giao đất trồng rừng hợp lý tránh tranh chấp trong dân; tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho HĐND, UBND có phương án tiêu thụ sản phẩm cho người dân; đồng hành cùng doanh nghiệp để thu hút đầu tư của doanh nghiệp trên lĩnh vực này.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở LĐ TB &XH trả lời chất vấn |
Tiếp tục phiên chất vấn, ông Nguyễn Văn Sơn- Giám đốc Sở LĐ TB & XH được hỏi về vấn đề: giải quyết các tồn đọng về chính sách cho người có công và công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn thời gian qua, giải pháp trong thời gian tới.
Về vấn đề này, ông Sơn cho biết: tính đến nay, tỉnh ta đã giải quyết chế độ người hưởng chính sách như thương binh cho 5.362 đối tượng. Tuy vậy, vẫn còn 2.460 hồ sơ dân công hỏa tuyến đã giám định trước ngày 5/12/2005 và 410 hồ sơ TNXP đã giám định chưa được giải quyết với lý do hồ sơ không đảm bảo điều kiện, thủ tục quy định và chuyển sang thực hiện theo Nghị định 54/2006/ND-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ hồ sơ xác lập dựa trên cơ sở giấy tờ gốc. Từ thực tế này, tỉnh đã nhiều lần làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và được Bộ đồng ý cho tiếp tục rà soát bổ sung hoàn thiện hồ sơ. Kết quả đã giải quyết chế độ cho 737 người (trong đó 675 hồ sơ DCHT, 62 hồ sơ TNXP) và 220 đối tượng TNXP hưởng trợ cấp 1 lần với tỷ lệ giám định thương tật dưới 21%; số hồ sơ không đạt yêu cầu đã chuyển trả đối tượng và giải thích rõ lý do. Cùng với việc giải quyết chế độ người hưởng chính sách như thương binh, đã tập trung giải quyết chế độ cho 7.232 người bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ kịp thời, đảm bảo quy trình, công khai, dân chủ (trong đó đối tượng trực tiếp 3.494 người, đối tượng gián tiếp 3.191 người). Về vấn đề gải quyết việc làm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn cho biết: năm 2013, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 30.150 lượt người, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Riêng tại Khu Kinh tế Vũng Áng các doanh nghiệp, các nhà thầu đã tuyển mới hơn 8.000 lao động, nâng tổng số lao động làm việc tại Khu Kinh tế Vũng Áng lên trên 20.000 người, trong đó lao động là người Hà Tĩnh chiếm 53%.
|
Đại biểu Nguyễn Ngọc Mỹ |
Chưa thảo mãn với câu trả lời của ông Nguyễn Văn Sơn, đại biểu Nguyễn Ngọc Mỹ đề nghị làm rõ thêm về: lộ trình giải quyết đối tượng CCB bị thương ở hai cuộc chiến tranh biên giới, nạn nhân chất độc da cam; Chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn, nghề phục vụ khu công nghiệp còn thấp; chưa gắn với các mô hình tỉnh xác định. Trách nhiệm của Giám đốc Sở như thế nào ? giải pháp để khắc phục những tồn tại ? Đại biểu Thái Sinh hỏi thêm: đã có pháp lệnh người có công sửa đổi ( bà mẹ Việt Nam anh hùng) nhiều bà mẹ hi vọng nhiều nhưng hiện chưa thấy triển khai trên địa bàn tỉnh
Giải thích thêm về vấn đề lao động nông thôn, ông Nguyễn Thiện- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: việc giải quyết chính sách là việc làm thường xuyên; tỉnh ta có một số hồ sơ tồn đọng khi làm chính sách như thương binh; có một bộ phận làm không đúng cách mà qua " cò mồi" nên giờ có nhiều tồn đọng; số này chưa được Bộ LĐTBXH duyệt nhưng đã được đi khám thương tật; còn thanh niên xung phong, Bộ chỉ chấp nhận những hồ sơ đủ tiêu chuẩn; số đã trả hồ sơ về là không đúng tiêu chuẩn. Đối với một số chính sách mới ban hành, UBND tỉnh, Sở LĐ TB &XH đang chờ có tập huấn để thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, tránh sai sót.
|
Đồng chí Thiều Đình Duy, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại kỳ họp |
Kết luận vấn đề này, đồng chí Thiều Đình Duy- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý thêm: cần đánh giá lại năng lực dạy nghề của 34 cơ sở dạy nghề trên toàn tỉnh để người học lựa chọn được trường có cơ sở tốt, chất lượng dạy học để khi ra trường người học có tay nghề, tìm được việc làm sau khi học…
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tich HĐND tỉnh cho rằng: các nội dung trả lời chất vấn cơ bản được chuẩn bị chu đáo theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh; đồng thời qua đây chúng ta thấy rõ được trách nhiệm của các sở, ngành; từ đó đã đề ra được một số giải pháp; việc chất vấn có nhiều đổi mới theo từng nhóm vấn đề nên chất lượng trả lời cao hơn. Tuy nhiên, có câu trả lời vẫn mang tính báo cáo nhiều; cá biệt có vị chưa nắm rõ được quy định của Trung ương, của tỉnh về quy định, về thẩm quyền của từng cấp từng ngành từng đơn vị. Vì thế, qua lần này cần rút kinh nghiệm để lần sau trả lời tốt hơn.
Đồng chí cũng lưu ý thêm một số vấn đề chất vấn chưa được trả lời tại hội trường như: yêu cầu Sở Nông nghiệp Phát triển và Nông thôn phối hợp với công ty nước Hà Tĩnh để chỉ đạo, khắc phục một cách nhanh nhất đối với dự án mương tự chảy nước Xuân Hoa và chương trình cấp nước sạch cho nông thôn; ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có lộ trình để giải quyết vấn đề dư dôi giáo viên và cơ cấu các môn học một cách hợp lý; cần có chính sách động viên, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các dự án đã thu hồi đất của nhân dân; thành phố cần có phương án điều chỉnh để có quỹ đất an táng cho người dân khi mất trong khi đang chờ dự án công viên vĩnh hằng; ngành Tòa án cần có giải pháp cụ thể để giảm tỷ lệ án treo, án cải sửa cao. Đề nghị các ngành, các địa phương liên quan cần theo dõi, chỉ đạo, khắc phục một cách nghiêm túc và hiệu quả cao nhứng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và đại biểu đã chất vấn trong kỳ họp này, tạo niềm tin tưởng cho nhân dân.
Tin mới cập nhật
- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ thăm hỏi, tặng quà các thương binh, bệnh binh, người có công ( 22/07)
- Các tờ trình, dự thảo nghị quyết trên lĩnh vực nội vụ đảm bảo các quy định pháp luật ( 17/07)
- Cần tăng tính chủ động của Hội đồng nhân dân trong phối hợp với Quốc hội đối với các vấn đề giám sát liên vùng ( 16/07)
- Hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trên lĩnh vực tài chính trình Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh ( 16/07)
- Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh chỉ định 499 đại biểu HĐND xã sau sắp xếp ( 14/07)
- Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh triệu tập Kỳ họp thứ 30 HĐND tỉnh Hà Tĩnh ( 12/07)