|
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội tập trung vào một số nội dung như: Việc bảo đảm tiến độ, đối tượng, hiệu quả thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giải pháp bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch; thực trạng và nguyên nhân người lao động rời thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt; các giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc; việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách…
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
|
Tham gia chất vấn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia cho rằng: Vấn đề làn sóng người lao động rời thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu dẫn chứng hình ảnh bà mẹ 50 tuổi cùng 3 con đạp xe từ Đồng Nai trở về quê hay một cô gái sinh con được 10 ngày cũng ôm con về quê. Thực trạng này khiến cho cử tri, Nhân dân cả nước băn khoăn về trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo đời sống, an toàn của người dân trong dịch bệnh? Liệu có sự lúng túng, bị động và không nhận được tình hình hay không? Nguyên nhân vì sao phản ứng của các cơ quan Nhà nước lại chậm vì thực trạng này không chỉ diễn ra một lần mà nhiều lần khi thực hiện giãn cách và cả sau thực hiện giãn cách. Do đó, Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc để xảy ra tình trạng nêu trên.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung xin nhận trách nhiệm, đồng thời nêu rõ nguyên nhân, hạn chế, bài học kinh nghiệm và các giải pháp thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn
|
Đối với nội dung chất vấn của đại biểu Trần Đình Gia, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận một phần trách nhiệm thuộc về Bộ, nhưng cho rằng: Trách nhiệm chính không phải của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì vấn đề di dân, an ninh, trật tự… liên quan rất nhiều bộ, ngành. Trong phạm vi trách nhiệm, Bộ đã kịp thời đề xuất như các chính sách hỗ trợ 1,3 triệu lao động, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, người yếu thế. Đồng thời, cho rằng một số nội dung liên quan đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao đổi cụ thể vào buổi sáng nên Bộ trưởng không trao đổi thêm.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề đại biểu Trần Đình Gia nêu được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm gửi về Kỳ họp. Vì vậy Chủ tịch Quốc hội giao Chính phủ, các Bộ ngành cuối phiên chất vấn cần báo cáo, giải trình trước Quốc hội, cử tri cả nước. Trong đó, không chỉ xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của Nhà nước đối với Nhân dân mà vấn đề quan trọng là cần xác định rõ các giải pháp để xử lý vấn đề thiếu hụt lao động tại các thị trường, giải quyết sinh kế cho người lao động đang về các tỉnh. Chủ tịch Quốc hội cho rằng qua sự việc này cần rút ra bài học kinh nghiệm trong phân tích, đánh giá, dự báo và quan trọng nhất là Chính phủ cần cam kết không để xảy ra tình trạng này trong thời gian tới.
Đầu giờ sáng ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời chất vấn; sau đó Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và một số Bộ trưởng liên quan sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)