Cần thiết xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ trật tự an ninh ở cơ sở
EmailPrintAa
12:23 20/06/2023

Sáng 20/6, Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Dưới sự điều hành của tổ trưởng Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh, ĐBQH tổ số 16 gồm các tỉnh Đồng Nai, Cao Bằng, Hà Tĩnh tích cực thảo luận với nhiều ý kiến thiết thực
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng điều hành phiên thảo luận Tổ số 16.

Các đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay, vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, hoạt động của các loại tội phạm, tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp; đa số các vụ, việc có liên quan đến an ninh, trật tự đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế thấp nhất hậu quả cho xã hội. Do đó, các đại biểu cơ bản thống nhất cần thiết ban hành dự thảo Luật nhưng cần giải trình, tiếp tục làm rõ các nội dung Quốc hội khóa XIV đã cho ý kiến.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia: Cân nhắc, xem xét, giải trình rõ những vấn đề Quốc hội khóa XIV đã cho ý kiến; quy định rõ nới làm việc là trụ sở công an xã, nhà văn hoá sinh hoạt cộng đồng của thôn, xóm; phân cấp ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo trong đảm bảo điều kiện hoạt động lực lượng; phân công kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác theo tinh thần Nghị quyết 18 “một người làm nhiều việc” để tăng hiệu quả hoạt động và nâng cao thu nhập cho lực lượng; điều chỉnh các luật liên quan để đảm bảo chính sách cho các lực lượng tương đồng

Thảo luận dự thảo Luật, các đại biểu góp ý vào phạm vi điều chỉnh; vị trí, chức năng, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng; tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng; xây dựng lực lượng; bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại biểu Đoàn Đồng Nai Trịnh Xuân An: Căn cứ địa bàn, nhiệm vụ để bố trí lực lượng phù hợp, không cào bằng, không chính quy hoá, không hành chính hoá; làm rõ mối quan hệ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ở địa phương.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn tính khả thi về mô hình tổ chức, số lượng người tham gia tùy vào yêu cầu thực tế tình hình an ninh trật tự ở cơ sở để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao mà không lãng phí nhân lực; quy định chi trả phụ cấp hàng tháng (hoặc hàng quý) đối với Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Trần Hồng Minh: Báo cáo tác động dự án Luật cần đánh giá rõ mô hình tổ chức, số lượng người tham gia theo địa bàn, tổng lực lượng trên toàn quốc, công tác huấn luyện, việc trang bị công cụ, tổng chi và phương án đảm bảo ngân sách hàng năm cho lực lượng.

Góp ý dự án Luật, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh và các đại biểu trong Đoàn cho rằng việc sắp xếp, kiện toàn các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cần đảm bảo nguyên tắc không làm tăng biên chế và ngân sách nhà nước, không phát sinh thủ tục hành chính, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng khác ở cơ sở hiện nay.

Tổ trưởng Tổ thảo luận số 16, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu

Đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị rà soát kỹ các quy định điều kiện bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; rà soát các tiêu chuẩn, yêu cầu về hồ sơ để không làm hạn chế tính tự nguyện và tinh thần xung phong, hạn chế quyền được tham gia bảo vệ an ninh trật tự của công dân.

Đồng thời, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị, nghiên cứu bổ sung quy định, nên chọn lựa người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự là những cựu chiến binh, cựu quân nhân, người có kinh nghiệm, kiến thức trong bảo vệ ANTT. Trung  ương cần quan tâm nguồn hỗ trợ lực lượng; nếu lấy ngân sách  từ nguồn của các địa phương sẽ khó cân đối.

Quang Đức - Thúy An

    Ý kiến bạn đọc