Chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai tại Phiên họp thứ 36 của UBTVQH
EmailPrintAa
17:11 21/08/2024

Chiều 21/8, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh và lãnh đạo các sở, ngành cùng dự.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã cơ bản bám sát các nội dung trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đã khái quát được những kết quả, thành tựu, chỉ ra một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân; đồng thời, xác định rõ các giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. "Tuy nhiên, báo cáo của một số cơ quan gửi còn chậm so với yêu cầu; ở một số lĩnh vực, nội dung trong báo cáo chủ yếu liệt kê các công việc đã triển khai, chưa có đánh giá, phân tích, so sánh về hiệu quả, cũng như chưa thực sự chuyển biến rõ nét trong triển khai các yêu cầu, giải pháp đã được nêu trong nghị quyết; chưa nêu rõ được những nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những nhiệm vụ đang trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, một số tồn tại, hạn chế, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo còn chung chung, thiếu cụ thể", Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nêu các kết quả cụ thể đạt được trong thực hiện 6 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong lĩnh vực công thương: nhiều đề án về bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng được phê duyệt. Giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát giá thế giới; nguồn cung xăng, dầu cơ bản được bảo đảm. Đã tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu; chống nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng….

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Liên quan đến lĩnh vực nội vụ, đại biểu đề nghị làm rõ việc giải quyết cán bộ dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính; thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, vấn đề về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019- 2021 đã được giải quyết khá cơ bản. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn khó khăn. Để tiếp tục giải quyết và chuẩn bị cho giai đoạn 2023-2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, thời gian tới, các địa phương cần tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Đối với lĩnh vực tư pháp, các câu hỏi đề nghị đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác giám định tư pháp (chi phí giám định), khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật;có tình trạng lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật hay không...

Trả lời câu hỏi của đại biểu về chi phí giám định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua, Bộ Tư pháp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá. TAND tối cao đang trình pháp lệnh về chi phí tố tụng, trong đó có xử lý một phần vấn đề giám định tư pháp trình UBTVQH xem xét, thông qua.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh gửi thắc mắc tới Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

Đại biểu Trần Đình Gia đặt câu hỏi liên quan đến phí giám định tư pháp

Đại biểu cho rằng, Luật Phí và lệ phí năm 2015 không còn quy định về phí giám định tư pháp mà thực hiện theo Luật Giám định tư pháp về chi phí giám định tư pháp. Các thông tư của Bộ trưởng Tài chính liên quan đến phí giám định tư pháp đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, đến nay, các bộ, ngành vẫn chưa có hướng dẫn Luật Giám định tư pháp về định mức chi phí giám định tư pháp trong các lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự. Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cho biết bao giờ có văn bản hướng dẫn để các địa phương tháo gỡ...

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, nội dung kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu tập trung vào thẩm quyền ban hành, tính hợp pháp, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật soạn thảo. Phó Thủ tướng cũng đã đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới như cần quy định rõ hơn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng đã giải trình các câu hỏi của đại biểu xung quanh các nội dung ban hành văn bản quy định chi tiết, tình trạng lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, luật đã có hiệu lực nhưng chưa được thực thi...

Tại phiên chất vấn chiều nay, Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã giải đáp việc khắc phục những bất cập trong vi phạm của cá nhân, cơ sở về quy định phòng cháy chữa cháy; việc ứng dụng VNeID trong giao dịch hành chính; đấu tranh phòng chống tội phạm trên không gian mạng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu giải phápthống nhất hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; khắc phục tình trạng sót văn bản trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo;tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát...

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đưa ra các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn về chuyển biến trong việc tỷ lệ yêu cầu trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung...

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc