Cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)
EmailPrintAa
07:36 14/03/2018

Chiều 13.3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Mở rộng phạm vi điều chỉnh là cần thiết

Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, cho biết, liên quan đến đề nghị cần làm rõ tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động, hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để bảo đảm tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động, hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam thông qua các cam kết quốc tế về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, cơ quan cạnh tranh sẽ hợp tác với các cơ quan cạnh tranh các nước thông qua các diễn đàn cạnh tranh quốc tế như ASEAN, APEC, diễn đàn cạnh tranh quốc tế (ICN), diễn đàn cạnh tranh các nước Đông Á và hợp tác song phương.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp chiều 13.3
Ảnh: Quang Khánh

Các thành viên UBTVQH đều đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Cơ quan cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật, vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện tố tụng cạnh tranh.

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương mà thuộc Chính phủ hoặc QH để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) ngoài các quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế và hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn quy định về tố tụng cạnh tranh. Để cơ quan cạnh tranh có đủ cơ sở pháp lý thực hiện tốt chức năng tố tụng cạnh tranh, cần được quy định rõ ràng trong Luật chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cạnh tranh nhằm duy trì một cơ quan bảo đảm tính độc lập, được thành lập và có đủ thẩm quyền theo luật định, hoạt động tuân theo pháp luật.

Nếu quy định cơ quan cạnh tranh chỉ là một đơn vị hành chính trực thuộc Bộ Công thương trên cơ sở hợp nhất Cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương với Hội đồng cạnh tranh do Chính phủ thành lập, các thành viên của Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh, thì địa vị pháp lý và tính độc lập của cơ quan xử lý vụ việc cạnh tranh còn thấp hơn so với quy định của Luật hiện hành, khó bảo đảm thực thi hiệu quả Luật.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành loại ý kiến thứ nhất. Theo đó, dự thảo Luật bổ sung một chương (Chương VII) quy định về cơ quan cạnh tranh, trong đó định danh cơ quan cạnh tranh là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Đồng thời, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và chức danh pháp lý, thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh. Người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa sốvà chỉ tuân theo pháp luật. Những nội dung này phải được quy định trong Luật mới bảo đảm tính độc lập trong thực hiện chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh theo quy định của pháp luật.

Đa số ý kiến của UBTVQH cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về quy định Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: Quy định như dự thảo Luật có xung đột với Điều 34 của Luật Tổ chức Chính phủ - nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng hay không? Đây là cơ quan thuộc Bộ Công thương, nhưng là cơ quan đặc biệt thì cần có sự giải trình làm rõ.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp UBTVQH ngày 13.3
Ảnh: Quang Khánh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, thì Ủy ban này sẽ tương đương cấp Tổng cục. Chủ tịch Ủy ban là Tổng cục trưởng do Thủ tướng bổ nhiệm, Phó tổng cục trưởng theo phân cấp. Trong dự thảo Luật quy định ủy viên Ủy ban bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên thường trực; các ủy viên kiêm nhiệm là cán bộ, công chức làm việc trong Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học. Các ủy viên đều do Thủ tướng bổ nhiệm. Quy định như dự thảo Luật thì rất khó lãnh đạo, Chủ nhiệm UB Nguyễn Khắc Định chỉ rõ. Để bảo đảm tính khả thi, Chủ nhiệm UB Nguyễn Khắc Định đề nghị, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia gồm có: Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các Ủy viên. Chủ tịch, Phó Chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, còn ủy viên thì Bộ trưởng bổ nhiệm, sau đó xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Theo phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình, Điều 7 dự thảo Luật quy định Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công thương, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh để xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, dự thảo Luật quy định các thành viên của Ủy ban này do Thủ tướng bổ nhiệm. Xét về mặt logic thì quy định như vậy là chưa hợp lý, Chủ nhiệm UB Phan Thanh Bình nói.  

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH cơ bản đồng tình với hướng giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trong đó có việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh, cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và định danh là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trên cơ sở sáp nhập 3 cơ quan hiện nay nhằm giúp thu gọn đầu mối, không tăng biên chế.

Cũng trong chiều nay, UBTVQH đã xem xét và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH đối với ông Ngô Đức Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.


    Ý kiến bạn đọc