Chọn vấn đề thiết thực cho phát triển đất nước
EmailPrintAa
10:49 08/06/2018

Có thể thấy, 4 nội dung được UBTVQH đưa ra để QH xem xét lựa chọn 2 nội dung giám sát chuyên đề trong năm 2019 khiến các ĐBQH khó quyết định, vì nội dung nào cũng được chuẩn bị công phu, thuyết phục. Thực tiễn cho thấy, đang nổi lên một số vấn đề bức xúc, được ĐBQH, cử tri cả nước quan tâm, điều này đòi hỏi QH cân nhắc kỹ càng.

Bài bản, chuyên nghiệp, có nhiều đổi mới

Việc cho ý kiến đối với dự kiến chương trình hoạt động giám sát hàng năm vốn là hoạt động thường lệ mỗi kỳ họp đầu năm của QH. Song, điểm khác biệt của việc cho ý kiến với chương trình này tại Kỳ họp thứ Năm là không còn những phản ánh của ĐBQH về một số hạn chế, bất cập trong cách thức tiến hành. ĐBQH đã không phản ánh về hiện tượng “cùng một thời điểm phải đón nhiều đoàn giám sát”, hay phàn nàn về việc tập trung khảo sát ở một số địa phương…

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phát biểu tại hội trường Ảnh: Lâm Hiển

Những phàn nàn này không còn lặp lại, có lẽ bởi công tác giám sát có những điểm mới so với trước, khi QH trực tiếp thành lập các Đoàn giám sát, với sự tham gia của lãnh đạo QH làm Trưởng đoàn. Điều này cộng với việc Quy chế hoạt động giám sát của QH được ban hành, triển khai áp dụng, nên cách thức tiến hành bảo đảm bài bản, chuyên nghiệp hơn trước. Như đánh giá của nhiều ĐBQH, chương trình, kế hoạch, đề cương giám sát được chuẩn bị kỹ, ít phải thay đổi, giúp các cơ quan của QH, ĐBQH, cơ quan chịu sự giám sát chủ động hơn khi triển khai kế hoạch công tác. Cùng với sự nỗ lực, công phu, kỹ càng của cơ quan được giao chủ trì triển khai giám sát, Tổng Thư ký QH và VPQH đã chủ động tham mưu, phục vụ cũng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động này. Nhiều ĐBQH đều đánh giá, hoạt động giám sát được triển khai trong thời gian qua đã được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp, có nhiều đổi mới hữu hiệu.

Nhưng có lẽ điểm nhận được sự quan tâm hơn cả là hậu giám sát, là những chuyển biến thực tế trong xây dựng, triển khai chính sách, pháp luật. Xét trên góc độ này, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nêu rõ, giám sát giữa hai kỳ họp của UBTVQH đã làm rõ được một số vấn đề, nhất là trong giám sát thực hiện việc trình các dự án luật, thực hiện thẩm định các dự án luật, thực hiện chính sách người có công… Đối với hoạt động giám sát của QH, ĐB Đỗ Thị Lan khẳng định, qua mỗi giám sát chuyên đề đều chỉ rõ được kết quả, hạn chế, bất cập, kiến nghị những giải pháp khắc phục trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật. Kết quả nổi bật qua giám sát là đã chỉ rõ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, vì đang làm ảnh hưởng, ách tắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH, cũng như đời sống của nhân dân. “Nhiều cuộc giám sát của QH đã mang lại hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực góp phần thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, cũng như góp phần phát triển KT - XH, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội”, ĐB Đỗ Thị Lan nói.

Lựa chọn nội dung nào?

Theo Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2019, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, UBTVQH đề nghị QH xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể sau đây.
Một, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011 - 2018.
Hai, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014 - 2018. 
Ba, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011 - 2018. 
Bốn, việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2018.

Do không phải tiếp tục góp ý cho cách thức tiến hành giám sát, khi thảo luận về nội dung này, các ĐBQH đều tập trung phân tích nhằm đưa ra lựa chọn chính xác nhất với những nội dung sẽ tiến hành giám sát chuyên đề trong năm 2019 của QH.

Dựa trên bốn nguyên tắc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được UBTVQH đưa ra, nhiều ĐBQH kiến nghị chọn hai nội dung đang rất bức xúc hiện nay: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011 - 2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014 - 2018. Bởi như phân tích của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), đến nay vẫn chưa có một giám sát tối cao nào của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với vùng dân tộc thiểu số. Một số cuộc giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH cũng mới giải quyết vấn đề theo khoanh vùng, hiệu lực của giám sát vì thế chưa cao.

Nhấn mạnh thực tế “bà con hiện rất trông chờ vào sự hoạch định chính sách cũng như hoạch định cả về mặt nhận thức, không chỉ là giải quyết các chính sách lẻ tẻ để khắc phục khó khăn”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng lưu ý, giám sát nội dung này sẽ góp phần triển khai quy định tại Điều 5, Hiến pháp 2013. Theo đó, Nhà nước cần thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước. Việc chưa có chính sách phát triển toàn diện thể hiện cụ thể qua hiện tượng đến nay vẫn chưa có một luật để thể chế hóa đường lối của Đảng, cũng như cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhận định.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống KT - XH được ĐBQH, cử tri, người dân cả nước quan tâm không chỉ là 4 nội dung được UBTVQH đề xuất, gợi ý. Do vậy, ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đề nghị, QH xem xét tiến hành giám sát đặc biệt về nạn bạo hành và xâm hại trẻ em. Lý lẽ được đưa ra là vì hiện có đến 17 cơ quan và tổ chức bảo vệ trẻ em, song tình trạng này vẫn diễn ra và hết sức phức tạp. Tại Phiên chất vấn vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã hứa trước QH sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường biện pháp chống xâm hại trẻ em ngay trong tháng 6 này. Ghi nhận tâm huyết này, song ĐB Đặng Thị Phương Thảo vẫn cho rằng, cần tiến hành giám sát tối cao về nạn bạo hành và xâm hại trẻ em, tránh vấn đề bị lắng xuống, và sự quan tâm bảo vệ dành cho trẻ em không thực sự đúng mức cũng như đúng với tính chất quan trọng của nó.

Các ĐBQH sẽ cân nhắc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong năm 2019 phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc, tác động thiết thực đến quá trình phát triển KT - XH của đất nước. Để có căn cứ chính xác nhất khi xây dựng dự kiến chương trình giám sát năm 2019, trình QH xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp thứ Năm này, Tổng thư ký QH đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH. Dù nội dung giám sát chuyên đề nào được lựa chọn, tin rằng, đều sẽ được giải trình thuyết phục, rõ ràng, qua đó tạo sự đồng thuận cao của các ĐBQH cũng như đông đảo cử tri và nhân dân. 


    Ý kiến bạn đọc