ĐBQH Trần Đình Gia, Bí thư huyện ủy Kỳ Anh phát biểu
|
Trước hết, đại biểu Trần Đình Gia bày tỏ quan điểm đồng tình với những nhận định, đánh giá mà báo cáo của Chính phủ cũng như Thẩm tra của các cơ quan Quốc hội đưa ra; đồng thời đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự hành động kịp thời, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, hệ thống chính trị và nhất là sự đồng lòng của toàn dân nên tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Đại biểu cho rằng với kết quả đó, có sự đóng góp của việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đây là một chủ trương lớn, trong khoảng thời gian ngắn, công việc khá phức tạp nhưng với quyết tâm từ Trung ương đến cơ sở và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, các tỉnh thành đã thực hiện thành công, đúng tiến độ việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; sau sắp xếp, bộ máy cơ sở nhanh chóng ổn định, vận hành nhịp nhàng, cấp ủy, chính quyền cấp xã nắm rõ tình hình của địa phương. Tại đại hội Đảng bộ cấp cơ sở ở các xã sáp nhập thành công, nhiều đồng chí lãnh đạo được tín nhiệm cao, nhiều đơn vị đã bầu trực tiếp Bí thư đảng bộ với tỉ lệ trúng cử 100% số phiếu. Việc sáp nhập không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, mà còn góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách. Đến nay, 43 địa phương đã sắp xếp 18 huyện giảm được 6 huyện, sắp xếp 1.025 xã giảm được 545 xã, tiết kiệm ngân sách hàng ngàn tỷ đồng một năm.(bình quân giảm một xã tiết kiệm khoảng 2 tỷ đồng một năm).
Đại biểu đề nghị cần thực hiện phương án, lộ trình và chính sách thoả đáng giải quyết dứt điểm số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư trước năm 2022 cũng như chú trọng đến việc bố trí cơ sở hạ tầng cho các đơn vị sau sáp nhập. Đối với cơ sở hạ tầng dôi dư sau sáp nhập, cần khai thác, sử dụng và quản lý một cách hiệu quả tránh để xuống cấp, hư hỏng, lãng phí.
Theo Đại biểu, việc triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới chỉ dừng lại đến năm 2021, vì vậy đại biểu đề nghị cần kịp thời xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và các bước đi cụ thể giai đoạn tiếp theo để sớm triển khai thực hiện tạo sự đồng bộ thống nhất, phát huy hiệu quả, phấn đấu đến năm 2030 các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu nghị quyết đặt ra.
Đại biểu cũng cho rằng: việc thực hiện bố trí công an chính quy về xã, thị trấn theo Đề án 106 của Bộ Công an quá trình triển khai đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp Nhân dân; tuy nhiên vẫn còn bộc lộ những khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí công tác, giải quyết chế độ chính sách đối với lực lượng Công an xã dôi dư, đề nghị cần điều chỉnh kịp thời những quy định này để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.
Liên quan đến dự án mỏ sắt Thạch Khê, đại biểu đề nghị dừng thực hiện dự án mỏ sắt Thạch Khê để tỉnh kịp thời điều chỉnh quy hoạch chung, tập trung phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ, khai thác phát huy tiềm năng của khu vực, tạo bước đột phá trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sớm khắc phục những ảnh hưởng hết sức nặng nề về đời sống dân sinh tại khu vực.
Phó trưởng đoàn Phụ trách ĐBQH Nguyễn Văn Sơn : Đ ề nghị Quốc hội, Chính phủ cho dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê
|
Tiếp tục phát biểu nhấn mạnh ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn khẳng định lãnh đạo và Nhân dân Hà Tĩnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, đã không dưới 3 lần Đoàn đại biểu Hà Tĩnh kiến nghị tại nghị trường Quốc hội và đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu đầy đủ nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý, dù Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá đều đồng tình việc dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tuy nhiên Chính phủ chưa có quyết định cuối cùng.
Hà Tĩnh cam kết đồng hành cùng Nhà đầu tư trong việc phối hợp giảm thiểu những tổn thất do dừng dự án, hết sức tạo điều kiện để các các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển trên các lĩnh vực khác tại địa phương.
Về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu khẳng định phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với kết quả ngoạn mục có 7/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế vượt so với kế hoạch, 5/12 chỉ tiêu đạt. Đánh giá 6 tháng đầu năm 2020 cùng với chiến thắng đại dịch Covid-19, Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời có các chính sách hỗ trợ cho người gặp khó khăn do dại dịch Covid - 19 theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Hà Tĩnh đã triển khai kịp thời đối với các nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, tuy nhiên đối với các nhóm đối tượng người lao động và doanh nghiệp là nhóm bị ảnh hưởng sâu về thu nhập trong quá trình triển khai gói hỗ trợ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các chính sách của Nghị quyết 42 và Quyết định 15 quy định chưa hợp lý. Đại biểu nhấn mạnh: chủ trương chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn là rất tốt tuy nhiên cần kịp thời và cụ thể hơn để các chính sách được đi vào cuộc sống, do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và các bộ, ngành liên quan sớm tổ chức hội nghị trực tuyến để cùng tháo gỡ với địa phương, rà soát lại các nhóm đối tượng trong các lĩnh vực HTX, gia đình người có công để đảm bảo các đối tượng khó khăn trong đại dịch đều được thụ hưởng.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)