Đoàn đại biểu quốc hội làm việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
EmailPrintAa
16:41 27/03/2013

Ngày 9/11 Tại Hà Nội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hà Tĩnh đang có bước đột phá mạnh mẽ, căn bản trên mặt trận nông nghiệp, nông thôn đúng hướng và có hiệu quả, đây là khẳng định của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát

Tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn ĐBQH và lãnh đạo tỉnh, đồng chí Võ Kim Cự, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND Tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Lê Đình Sơn, UVBTV tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PT NT đã báo cáo với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về  tình hình kinh tế - xã hội, kết quả sản xuất kinh doanh trên mặt trận nông nghiệp và những chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời tới.

 

Đồng chí Võ Kim Cự,  Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

 

Với đặc điểm có trên 84% dân số sống ở khu vực nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm 60% lao động xã hội, 235 xã nông nghiệp/262 xã, phường, thị trấn; GDP khu vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 34,52% GDP của tỉnh; nông nghiệp - nông thôn Hà Tĩnh đã đang có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế tỉnh nhà, vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa là nền tảng cho công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển. Chính vì vậy, những năm qua, được sự quan tâm của Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển,... nên đạt được kết quả khá cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

 

 Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 2,57% (riêng năm 2010 do thiệt hại nặng nề của trận lũ lịch sử tốc độ tăng trưởng âm 3,5%), năm 2011 tốc độ tăng trưởng đạt 4,95%, giá trị sản xuất theo giá cố định ước đạt 2.931 tỷ đồng, giá trị bình quân trên đơn vị diện tích canh tác đạt 50 triệu đồng/ha/năm, tăng 2,2 lần so với 2005; diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm 138.000 ha, trong đó diện tích lúa 100.000ha, sản xuất nông nghiệp liên tục được mùa toàn diện, sản lượng lương thực bình quân đạt 47 vạn tấn/năm, năm 2011 đạt 50,69 vạn tấn. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, các loại cây công nghiệp (cao su, chè, lạc) phát triển khá; chăn nuôi phát triển cả về số lượng và chất lượng: tổng đàn Trâu 100.000 con, Bò 198.000 con, Lợn 400.000 con, Hươu 28.000 con, gia cầm  trên 5,4 triệu con, sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng tăng hàng năm, năm 2011 đạt  65.000 tấn, tăng 1,43 lần so với 2005; giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 42% giá trị sản xuất nông nghiệp, chất lượng đàn tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ bò Zebu 30%; tỷ lệ nái ngoại, nái lai 28% tổng đàn lợn nái. Công tácquản lý, bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng, giai đoạn 2006-2010 bình quân mỗi năm trồng được 6.000 ha rừng tập trung, độ che phủ rừng năm 2011 đạt 52,8%, tăng 7,8% so với 2005. Nuôi trồng, khai thác thủy sản phát triển khá, tổng sản lượng thủy sản tăng bình quân hàng năm 6,3%, năm 2011 đạt 38.600 tấn; trong sản xuất đã xuất hiện một số mô hình điển hình hiệu quả kinh tế cao, như: Chăn nuôi lợn theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn; nuôi tôm trên cát theo hướng thâm canh, công nghệ cao.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt đạt một số kết quả bước đầu quan trọng; tổ chức bộ máy từ cấp tỉnh, huyện, xã đến thôn xóm đã được thành lập; 235/235 xã đã ký hợp đồng tư vấn lập quy hoạch, trong đó53 xã đã phê duyệt đồ án quy hoạch, 42 xã phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới, 39 xã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất. Về mức độ hoàn thành các tiêu chí: Xã Gia Phố đã đạt 16/19 tiêu chí (3 tiêu chí: tỷ lệ hộ nghèo, môi trường và cơ sở vật chất văn hóa), xã Tùng Ảnh đạt và xã Thiên Lộc đạt 15/19 tiêu chí; trong năm 2011 có 2 xã hoàn thành thêm 5 tiêu chí, 7 xã hoàn thành thêm 3-4 tiêu chí, 24 xã hoàn thành thêm 1-2 tiêu chí. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình năm 2011 là 620 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 97 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 65 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp 378 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án 80,85 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được thì Hà Tĩnh đang gặp những khó khăn, vướng mắc cần được Bộ, Ban, Ngành Trung ương đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm giúp đỡ. Tại buổi làm việc Chủ tịch Võ Kim Cự đã đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng một số nội dung trọng tâm sau:

 

1. Giống cây trồng, vật nuôi và giống thuỷ sản

 

Thực hiện Chương trình dự án giống của Chính phủ (Quyết định 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009), tỉnh đã phê duyệt  9 dự án đầu tư phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản (Dự án bảo tồn, khôi phục nhân giống và phát triển sản xuất Bưởi Phúc Trạch, cam Bù theo hướng hàng hoá giai đoạn 2010-2020;  Dự án Xây dựng, nâng cấp vùng sản xuất giống lúa năng suất chất lượng cao; Dự án xây dựng Trại giống màu và cây công nghiệp ngắn ngày; Dự án Nâng cấp vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ; Xây dựng Trung tâm giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; Sữa chữa, nâng cấp các trại lợn đực giống Đức Long; các vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ), với tổng mức đầu tư 209,5 tỷ đồng, năm 2010 và 2011 đã được bố trí vốn 26,4 tỷ đồng, đề nghị Bộ đề xuất Chính phủ bố trí kế hoạch vốn 2012 là 72 tỷ đồng.

 

2. Các chương trình dự án trọng điểm

 

- Dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang:

 

+ Tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng hệ thống thủy lợi có 2.100 hộ bị ảnh hưởng, trong đó phải di dời 943 hộ, với tổng vốn đầu tư 1.616 tỷ đồng, đến nay đã được bố trí kế hoạch vốn 347 tỷ đồng, ngân sách địa phương phải tạm vay nguồn từ kho bạc nhà nước 400 tỷ đồng, đề nghị Bộ đề xuất Chính phủ bố trí kế hoạch vốn năm 2012 là 1.200 tỷ đồng.

 

+ Tiểu dự án hệ thống kênh Ngàn Trươi - Cẩm Trang đã được phê duyệt 4.336 tỷ đồng, vốn đã được bố trí 15,3 tỷ đồng, đề nghị Bộ bố trí vốn năm 2012 là 609 tỷ đồng (để trả nợ khối lượng chuẩn bị đầu tư 100 tỷ đồng và thi công kênh chính đến xi phông và kênh Linh Cảm 509 tỷ đồng).

 

+ Tiểu dự án công trình đầu mối hồ chứa nước Ngàn Trươi có tổng mức đầu tư 3.524 tỷ đồng, đề nghị Bộ chỉ đạo đồng loạt thi công.

 

- Hợp phần kênh trục sông Nghèn và cống Đức Xá thuộc dự án cống Đò Điểm và Hệ thống kênh trục Sông Nghèn có tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng, đến nay đã triển khai thi công cơ bản hoàn thành hạng mục cống Đức Xá, để có kinh phí thi công Hệ thống Kênh trục sông Nghèn, phát huy hiệu quả hạng mục cống Đức Xá, đề nghị Bộ bố trí kinh phí 500 tỷ đồng.

 

- Dự án Đầu tư nâng cấp đê La Giang, tổng mức đầu tư 967 tỷ đồng, đã được bố trí 150 tỷ đồng, đề nghị Bộ đề xuất Chính phủ bố trí kế hoạch vốn năm 2012 là 500 tỷ đồng.

 

- Hà Tĩnh có 20 tuyến đê biển, đê cửa sông, đê ngăn mặn với chiều dài gần 280 km, tuy đã được đầu tư cũng cố, nâng cấp nhưng nhiều tuyến đê xung yếu chưa được đầu tư, nguy cơ vỡ đê trong mùa mưa bão là rất lớn, đề nghị Bộ đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí năm 2012 là 317 tỷ đồng.

 

- Dự án tăng cường khả năng thoát lũ, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng ngập lũ ở hạ du công trình thủy lợi Kẻ Gỗ, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương lập dự án, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng, đề nghị Bộ đề xuất Chính phủ bố trí kế hoạch vốn năm 2012 là 500 tỷ đồng để triển khai thực hiện.

 

- Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống đường phục vụ sản xuất lâm nghiệp, phát triển rừng và bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng - tỉnh Hà Tĩnh, có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, năm 2011 đã được bố trí 2,6 tỷ đồng, đây là dự án cấp bách để có kinh phí triển khai thực hiện, đề nghị Bộ đề xuất Chính phủ bố trí kế hoạch vốn năm 2012 là 100 tỷ đồng.

 

3. Về xây dựng nông thôn mới:

 

Hà Tĩnh là 1 trong 5 tỉnh điểm của Trung ương về xây dựng nông thôn mới, hiện tỉnh đang tập trung cao chỉ đạo thực hiện, dự kiến kinh phí năm 2012 là 3.175 tỷ đồng, đề nghị Bộ, Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn Trung ương thực hiện Chương trình năm 2012 là 568,8 tỷ đồng, để trả nợ kinh phí quy hoạch 10,5 tỷ đồng, hỗ trợ xã Gia Phố nâng cao chất lượng các tiêu chí đã hoàn thành 10 tỷ đồng, tập huấn đào tao nghề cho nông dân 4,7 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất 229,3 tỷ đồng, đầu tư hạ tầng thiết yếu tại 48 xã điểm 307,5 tỷ đồng.

 

4. Đề nghị Bộ cho ý kiến về đề án của tỉnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức viên chức của tỉnh ở các lĩnh vực của ngành: Trạm thú y, Trạm bảo vệ thực vật; Chi cục Kiểm lâm với Chi cục Lâm nghiệp v.v.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát, đánh giá cao những cách làm có tính đột phá của Hà Tĩnh

 

Sau khi nghe báo cáo, những định hướng chiến lược của tỉnh trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của đồng chí Chủ tịch UBND, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã  nhất trí, ủng hộ và đánh giá cao các giải pháp mang tính đồng bộ, căn bản của Hà Tĩnh. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng đây là những cách làm có tính đột phá,  quyết lịêt, và đúng hướng. Bộ trưởng cũng gợi mở một số vấn đề mà tỉnh cần quan tâm đó là bên cạnh phát triển chăn nuôi lớn, cũng cần tính đến mô hình chăn nuôi hộ, quy mô vừa và nhỏ. Để thực sự mang lại hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi thì phương án tối ưu là áp dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật, công nghệ sinh học, đưa các giống cây trồng vật nuôi mới có hiệu quả vào sản xuất, nuôi trồng. Đồng thời cùng với phát triển sản xuất phải quan tâm đến vấn đề môi trường và khai thác  tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh sản xuất mang tính hàng hoá, tạo các vùng nguyên liệu động lực, tránh đầu tư dàn trải, thiếu tính quy hoạch. Về lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đánh giá cao việc triển khai, và những kết quả bước đầu của tỉnh. Bộ trưởng khẳng định, xây dựng nông thôn mới không thể là việc làm một sớm, một chiều, không thể đốt cháy giai đoạn, mà phải được thực hiện một cách tuần tự. Phải biết lựa chọn, sắp xếp và ưu tiên tập trung đầu tư cho những tiêu chí quan trọng, các tiêu chí đơn giản thì huy động các nguồn lực để hoàn thành trước.

 

Về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh trong việc đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi nói trên, các hệ thống công trình phòng chống  lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, phòng chống biến đổi khí hậu; việc đầu tư, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỷ thuật, công nghệ các loại giống cây trồng vật nuôi mới, Bộ sẽ xem xét ưu tiên  để có nguồn vốn đầu tư thoả đáng, tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao giúp Hà Tĩnh sớm có một nền nông nghiệp phát triển  hiệu quả, bảo đảm tính ổn định, bền vững. Riêng dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Bộ trưởng khẳng định tiếp tục ưu tiên đảm bảo các nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình này đảm bảo đúng tiến độ mà Chính phủ đã giao.


    Ý kiến bạn đọc