Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về luật dạy nghề
EmailPrintAa
10:29 30/05/2014

Sáng ngày 29/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cùng đại biểu các Đoàn Trà Vinh, Bắc Ninh và Quảng Nam tiếp tục tham gia thảo luận Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về luật dạy nghề.

Nhìn chung các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật BHXH nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân và trách nhiệm của Nhà nước tại Điều 34 và Điều 59, khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng nguyện vọng của người lao động và góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển đất nước.

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội  thì từ năm 2007 đến nay cho thấy, Quỹ hưu trí và tử tuất ngày càng có xu hướng mất cân đối, nếu như tỷ trọng số chi so với số thu năm 2007 chỉ chiếm 57,2% thì đến năm 2013 là 71,2%. Nguyên nhân chủ yếu là do mất cân đối trong đóng - hưởng bảo hiểm xã hội; mức đóng thấp, mức hưởng cao; thời gian đóng ngắn, thời gian hưởng dài và do việc chưa tuân thủ pháp luật, nợ đọng BHXH còn lớn. Để tăng tính an sinh cho người lao động, các chính sách không chỉ hướng đến mục tiêu mở rộng đối tượng mà còn phải nâng mức lương hưu và đảm bảo khả năng an toàn, cân đối Quỹ BHXH.

Đại biểu Võ Kim Cự - Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu

tại phiên thảo luận tổ

 

Tại buổi thảo luận đại biểu Võ Kim Cự, Trần Tiến Dũng và Nguyễn Văn Sơn cho rằng dự thảo luật còn có nhiều vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đề xây dựng một mô hình Bảo hiểm xã hội là hệ thống cơ quan đặc thù, xác định địa vị pháp lý và tạo điều kiện cơ chế vận hành phù hợp. Đồng thời trao quyền năng pháp lý cho BHXH để thực thi nhiệm vụ, gắn trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan BHXH, chủ động khai thác nguồn thu, tăng cường thu hòi nợ đọng, giao quyền được thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm v.v.

Các đại biểu cũng đề nghị cần mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc; về tuổi nghỉ hưu tuỳ thuộc vào tính chất từng ngành, nghề, cần phân nhóm đối tượng lao động để có chính sách nghỉ hưu cho từng nhóm phù hợp.

 Thảo luận về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề các đại biểu cho rằng công tác dạy nghề  thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế: bất cập trong phát triển mạng lưới CSDN, mất cân đối về cơ cấu đào tạo theo nghề và trình độ đào tạo và thiếu đồng bộ giữa phát triển quy mô dạy nghề với các điều kiện bảo đảm chất lượng,…

          Bên cạnh những nguyên nhân khách quan và chủ quan, một số quy định của Luật Dạy nghề hiện hành cũng bộc lộ bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng. Vì vậy, các đại biểu đề nghị: việc sửa đổi Luật phải thể chế hóa được chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo nói chung, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật nói riêng nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế và hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy nghề; gắn dạy nghề với thực tiễn sản xuất kinh doanh, thực hiện đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; bảo đảm công bằng xã hội trong dạy nghề, tạo cơ hội cho người học tiếp cận với hoạt động dạy nghề phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân; đổi mới công tác quản lý dạy nghề, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các CSDN


    Ý kiến bạn đọc