Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
EmailPrintAa
10:59 01/06/2022

Chiều 31/5, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh đã tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Cùng tham gia thảo luận, có đại biểu Quốc hội các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Ninh Thuận.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình - Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì buổi thảo luận tại Tổ chiều 31/5

Đảm bảo quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Trần Đình Gia tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Trần Đình Gia tham gia góp ý xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng để Luật Thực hiện dân chủ cơ sở thực sự đi vào đời sống, các cấp chính quyền cơ sở cần tạo mọi điều kiện để người dân có thể phát huy tinh thần dân chủ ở mức cao nhất, cần bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó có cơ chế bảo vệ cũng như hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân phát huy tốt tinh thần dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến hay, mang tính xây dựng cho cơ sở một cách kịp thời.

Cũng theo đại biểu, cần bổ sung các quy định về hình thức, nội dung kiểm tra, giám sát, hiệu lực và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân, quy định về hình thức thực hiện dân chủ gồm: “Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện ở cơ sở”; bổ sung, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác cũng như cơ chế bảo đảm để các tổ chức chính trị - xã hội này thực hiện vai trò làm nòng cốt, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở theo đúng chủ trương “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”; quy định đầy đủ quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là trong tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc; hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức hoạt động của ban thanh tra nhân dân; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ban giám sát đầu tư của cộng đồng để tạo căn cứ pháp lý hoạt động như ban thanh tra nhân dân.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số nội dung cần công khai, như: Việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cấp xã, công khai việc thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình đầu tư; công khai việc xác nhận nguồn gốc đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công khai các nguồn tài trợ khác; quy định một số hình thức công khai thông tin đặc thù phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Đồng thời, có chế tài xử phạt việc tung tin sai sự thật, giả mạo dân chủ trên các trang mạng xã hội và áp dụng việc trưng cầu ý kiến của Nhân dân.

Nâng cao tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật

Tham gia thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh) khẳng định việc sửa đổi Luật lần này là cần thiết, nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu phát biểu góp ý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Theo đại biểu, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 Chương, 62 Điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 Điều; bỏ 3 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều.

Để nâng cao tính khả thi của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần rà soát phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, cân nhắc quy định tại khoản 2, Điều 4 “ Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” đảm bảo thống nhất với Luật Hôn nhân và gia đình.

Đại biểu bày tỏ sự băn khoăn đối với một số nội dung liên quan đến nơi ở người bị bạo lực trong thời gian cấm tiếp xúc? Việc giám sát đối với người bị cấm tiếp xúc như thế nào? Người bị cấm tiếp xúc có hành vi vi phạm thì xử lý như thế nào?

Theo đại biểu, biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Ủy ban nhân dân hoặc Tòa án nhân dân còn chưa khả thi vì điều kiện áp dụng biện pháp này phải có đơn yêu cầu của nạn nhân hoặc sự đồng ý của nạn nhân. Thực tế có nhiều trường hợp không bảo vệ được nạn nhân và hậu quả đáng tiếc xảy ra. Từ đó, đại biểu đề nghị xem xét, cân nhắc các quy định đối các biện pháp cấm tiếp xúc, chế tài xử phạt đối với người có hành vi bạo lực, đảm bảo tính khả thi.

Ngoài ra, các đại biểu đã tham gia góp ý một số vấn đề về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các quy định cụ thể trong 2 dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Đình Trọng - Hữu Quý

    Ý kiến bạn đọc