Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
EmailPrintAa
17:36 25/10/2018

Tại buổi thảo luận ở hội trường sáng nay (25/10) về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), thay mặt Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đại biểu Lê Anh Tuấn - Ủy viên Ủy ban đối ngoại Quốc hội đã có nhiều ý kiến thiết thực.

Đại biểu nhất trí cao với các nội dung được nêu trong "Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)". Nghiên cứu dự thảo, đại biểu có ý kiến về 2 vấn đề cụ thể.

Đaị biểu Lê Anh Tuấn phát biểu thảo luận tại Hội trường

Thứ nhất, về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc: Về nguyên tắc, thu nhập chịu thuế chỉ là các thu nhập hợp pháp. Theo đó, chỉ đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực nhưng có nguồn gốc hợp pháp sẽ được xác định đó là hành vi trốn thuế và có quy định về việc chuyển hồ sơ vụ việc từ cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sang cho cơ quan quản lý thuế để xử lý theo thẩm quyền.

Còn đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được về nguồn gốc tài sản, thì cần phải điều tra, xác minh về nguồn gốc tài sản để từ đó khẳng định về tính hợp pháp hay bất hợp pháp và nếu có nguồn gốc bất hợp pháp thì phải xử lý theo các quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

Do đó, đại biểu cho rằng, phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại tòa án cần được cân nhắc và theo đại biểu đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được về nguồn gốc tài sản mà cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập không thể khẳng định được về tính hợp pháp thì cần chuyển cho cơ quan điều tra hình sự thụ lý, điều tra ban đầu để kết luận về tính hợp pháp hay bất hợp pháp.

Nếu không có dấu hiệu hình sự thì chuyển hồ sơ cho cơ quan quản lý thuế để xử lý theo thẩm quyền. Nếu có dấu hiệu hình sự, thì tiến hành khởi tố vụ án để điều tra theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự

Thứ hai, về công tác hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng, tại Điều 92 của Dự thảo Luật còn quy định khá sơ sài và mới chỉ ở mức độ nguyên tắc. Đại biểu Lê Anh Tuấn diễn giải: Điều 92, khoản 1 có quy định: “Trên cơ sở điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong việc thực hiện các biện pháp phong tỏa, tạm giữ, tịch thu, thu hồi tài sản tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu hợp pháp”.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng việc hợp tác trong phong tỏa tài khoản, kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng giữa Việt Nam với các nước phải được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa Việt Nam với các nước đã ký kết. Vì vậy, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc, thẩm quyền trong hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng, còn từng nội dung cụ thể thì phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp, pháp luật về điều ước quốc tế và các thỏa thuận hợp tác với các quốc gia khác nhau để thực hiện cho phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần cân nhắc thêm các vấn đề sau: Trong Tuyên bố của Việt Nam gửi kèm Văn kiện phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng đã nhấn mạnh Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi các quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp theo quy định tại Điều 20. Từ đây, đặt ra 2 vấn đề pháp lý cần phải được làm rõ để tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế về chống tham nhũng, đó là:

Thứ nhất , với việc ban hành đạo luật Luật này, ta có thay đổi bảo lưu trong Tuyên bố của Việt Nam gửi kèm Văn kiện phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng hay không?

Thứ hai, đối với các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) có cần phải kiểm tra nguồn gốc hợp pháp hay không ? Và nếu có thì thủ tục pháp lý được thực hiện như thế nào?

Thứ ba, để có cơ sở đánh giá chính xác thực tế về các nguyên tắc hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng, đề nghị cơ quan soạn thảo cung cấp thông tin về các Hiệp định tương trợ tư pháp, các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; mức độ cam kết và các biện pháp thực hiện, lộ trình thực hiện hợp tác quốc tế trong phong tỏa tài khoản, kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng giữa Việt Nam với các nước.


    Ý kiến bạn đọc