Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận Luật về Hội
EmailPrintAa
18:52 26/10/2016

Bước sang tuần thứ 2 (từ ngày 24 -28/10/2016) Quốc hội tiếp tục chương trình thảo luận tại Hội trường về các dự án Luật, trong đó có dự án Luật về Hội được nhiều ĐBQH quan tâm tham gia phát biểu sôi nổi về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và không áp dụng Luật (Điều 1 và Điều 2); về các trường hợp hạn chế quyền lập hội (Điều 8); về thủ tục thành lập hội (Chương II); về quyền và nghĩa vụ của hội (Điều 22 và Điều 23); về tài chính của hội v.v.

Tham gia thảo luận, ĐBQH Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng Đoàn cho rằng: Luật về hội đã có quá trình chuẩn bị khá dài, gần 10 năm và cũng còn nhiều vấn đề trăn trở. Đây là một đạo luật rất quan trọng, vì liên quan đến điều kiện và môi trường thể hiện quyền con người trên phương diện cá nhân và các tổ chức mà Hiến pháp đã quy định. Khi soạn thảo Luật về hội, ban đầu dự thảo mở rộng cả tổ chức phi Chính phủ, các quỹ. Qua nhiều lần hội thảo và đã thảo luận đến nay dự thảo lại siết chặt hơn về quản lý nhà nước đối với Hội. Vì vậy, đại biểu cho rằng luật này cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ hơn để mở rộng về phạm vi điều chỉnh, về đối tượng áp dụng, về quyền lập hội và về tài chính của hội ...

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Hội trường về Luật Hội

Về quy định hạn chế quyền lập hội, hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau, loại ý kiến thứ nhất đồng tình với Dự thảo luật quy định tại Khoản 5 Điều 8 “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Quy định như vậy nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân. Tuy nhiên, theo đại biểu thì quy định như vậy là không phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, khép lại kênh quan hệ quốc tế rất quan trọng của ngoại giao nhân dân, mất đi cơ hội huy động và tiếp nhận một nguồn kinh phí đáng kể phục vụ hoạt động của các hội trong điều kiện hội hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự trang trải kinh phí.

 

 

Hiện nay hoạt động của rất nhiều tổ chức hội được các tổ chức nước ngoài hỗ trợ để tập huấn nâng cao trình độ hội viên, gia nhập quốc tế, ngoại giao nhân dân. Trong đó có những hội lợi dụng để hoạt động chống phá nhà nước nhưng số này rất ít, nhưng chúng ta có đủ hệ thống bộ máy quản lý nhà nước, hệ thống cơ quan pháp luật để xử lý. Vì vậy, nếu quy định siết chặt hạn chế quyền lập hội thì làm hạn chế  mối liên kết, mở rộng giao lưu quốc tế.

 

Đại biểu cũng đề nghị có thể kỳ này Quốc hội chưa nên thông qua mà tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để khi thông qua luật này thực sự có tác dụng đối với người dân, nhằm phát huy hết quyền của mình như Hiến pháp quy định


    Ý kiến bạn đọc