Đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam
EmailPrintAa
15:02 21/10/2020

Ngày 21/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Biên phòng Việt Nam.

Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh; cùng dự có đồng chí Võ Tiến Nghị, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh; lãnh đạo Cục Hải quan, Ban Pháp chế HĐND tỉnh.

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam; Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao việc tiếp thu các ý kiến các ĐBQH đã phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 của Ban soạn thảo cũng như giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là về: Chính sách ưu tiên cấp đất, nhà ở xã hội cho gia đình cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) công tác lâu dài tại khu vực biên giới; quy định nhiệm vụ, khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng biên phòng phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự khu vực biên giới quốc gia vào dự thảo luật. Đồng thời, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét một số ý kiến, cụ thể như:

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

Thứ nhất, về nhiệm vụ chủ trì “an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu, đại biểu đồng tình với dự thảo Luật quy định: “Bộ đội Biên phòng... chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” (Điều 12); cùng với việc “Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; kiểm soát qua lại biên giới” (khoản 5 Điều 13) là không mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp, phù hợp với các văn bản hiện hành và phản ánh đúng thực tiễn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP ở khu vực biên giới, cửa khẩu, vùng biên cương hẻo lánh. Những quy định này cũng phù hợp với các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước và các luật hiện hành như Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Biên giới quốc gia.

Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu về Luật Biên phòng Việt Nam

Thứ hai, tại khoản 3 Điều 14 quy định “Bộ đội BP… kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” . Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn, quy định như vậy hoạt động kiểm tra hàng hóa vẫn do Hải quan chủ trì và BĐBP chỉ tiến hành “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Trong thực tiễn, BĐBP đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với lực lượng Hải Quan, phát hiện và bắt giữ nhiều phương tiện, các đối tượng vi phạm vận chuyển hàng cấm, phục vụ có hiệu quả trong đấu tranh các chuyên án, vụ án lớn về Ma túy và phòng, chống dịch.

Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, hoạt động của BĐBP ngày càng khẳng định, được Nhân dân tin tưởng, ghi nhận. Do đó, dự thảo quy định như vậy là phù hợp không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của Hải quan cũng như các lực lượng khác.

Thứ ba, về bảo đảm nguồn nhân lực (Điều 25) . Tại khoản 1 Điều 25, đại biểu đề nghị bỏ nội dung “ưu tiên cư dân ở khu vực biên giới” để tránh lặp với khoản 3 Điều này. Thay vào đó bổ sung trong mục ưu tiên cư dân ở khu vực Biên giới.

Về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (Điều 30) . Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật về biên phòng để phù hợp với khoản 1 Điều này và nội dung quản lý nhà nước về biên phòng tại khoản 2 Điều 29.

Đại biểu dự họp sáng 21/10

Trước đó, vào sáng 21/10, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc