Quốc hội thảo luận về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020, về Kế hoạch tài chính 5 năm, về sử dụng, quản lý vốn vay, nợ công
EmailPrintAa
11:06 03/11/2016

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, ngày 1/11 Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015). Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Uỷ viên Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã tham gia phát biểu thảo luận tại Hội trường, ĐBND Hà Tĩnh tổng hợp và đăng tải nội dung toàn văn bài phát biểu:

Kính thưa Quốc hội,

Về kế hoạch đầu tư trung hạn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước trong cả giai đoạn 2016 - 2020. Được Chính phủ chuẩn bị rất công phu và khá đồng bộ từ các luật có liên quan như Luật đầu tư công, Luật xây dựng, Luật đầu tư, Luật đấu thầu và đã có những chỉ thị, nghị định để hướng dẫn và điều chỉnh lựa chọn từng công trình ưu tiên, đầu tư gắn với thẩm định, cân đối nguồn để bảo đảm khắc phục đầu tư tràn lan, kém hiệu quả trước đây. Từ chủ trương đầu tư công trung hạn đã từng bước thay đổi được tư duy đầu tư theo nhiệm kỳ, chủ động hơn và được sự vào cuộc đồng bộ, rà soát sàng lọc, xem xét những điều kiện khả thi dự án của Chính phủ, của bộ, ngành và chúng tôi thấy các địa phương tập trung rất cao độ để thực hiện việc này.

Tuy vậy, ở giai đoạn 2011- 2015 còn tỏ ra lúng túng, bị động, chậm và chưa đồng bộ trong ban hành, hướng dẫn thực hiện, khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Tình hình hiệu quả đầu tư với tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu kinh tế như nông nghiệp, các ngành gắn với phát triển kinh tế vùng và liên vùng còn nhiều hạn chế, chưa rõ nét. Tính ưu tiên trong đầu tư vẫn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả chưa cao. Đã có các mô hình đầu tư mang tính xã hội hóa BOT, BTO, BT hay loại hình công tư hợp đồng PPP để mở rộng đầu tư, kết nối hạ tầng từ các lĩnh vực hạ tầng sang dịch vụ công như giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, nhưng cũng chưa được tổng kết một cách đầy đủ để đánh giá tạo cơ chế động lực mạnh mẽ hơn cho đầu tư phát triển trong giai đoạn tới.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 gắn với mục tiêu phát triển kinh tế 2016 - 2020 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc và các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng của Chính phủ với 10 quy tắc phân bổ chung rất toàn diện đầy đủ trong điều kiện nguồn vốn hạn chế, nhu cầu quá lớn và nhiều nội dung ưu tiên nên xem ra vẫn dàn trải, tính khả thi vẫn chưa cao. Trong quá trình chuẩn bị, Trung ương và các địa phương đã tập trung cao rà soát, sàng lọc để có danh mục khá rõ và đã tạo chủ động cho Trung ương. Chúng tôi nghĩ Quốc hội sẽ có biểu quyết cụ thể các công trình trọng điểm, các mục tiêu quốc gia và địa phương cũng sẽ lựa chọn cả giai đoạn để chủ động hơn và chính là tiền đề quan trọng cho các giai đoạn sau. Vì thực chất ở giai đoạn này trong đầu tư chúng ta cũng đang chuyển tiếp khắc phục những nội dung đầu tư theo tư duy nhiệm kỳ trước đây. Kế hoạch hàng năm mà thứ tự ưu tiên một đó là thanh toán nợ đọng và các công trình quyết toán. Vốn đối ứng ODA, dự án chuyển tiếp, dự án hoàn thành cho giai đoạn 2016 - 2021 thì những công trình đầu tư mới hầu như hạn chế.

Nhất là đối với vốn của ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, các nguồn ODA, chúng tôi đồng tình tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm để phát triển kinh tế xã hội đất nước. Các dự án gắn với phát huy và lan tỏa kinh tế vùng, liên vùng, ngoài các vùng khó khăn miền núi, dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai bão lũ gắn với giải quyết các vấn đề về kinh tế động lực để rõ vai trò, để phát triển kinh tế vùng, liên vùng.

Ngoài quản lý hành chính của các địa phương bằng các danh mục cụ thể để khai thác kinh tế vùng, liên vùng một cách thiết thực, hiệu quả theo đặc thù lợi thế sản phẩm chủ lực mang tính hàng hóa của từng địa phương và vấn đề này được Quốc hội thảo luận nhiều lần. Chúng tôi đề nghị trong đầu tư công lần này phải khẳng định được cơ chế quản lý, điều hành của Chính phủ hoặc từ Ban chỉ đạo của các vùng hay của bộ, ngành nào sẽ chủ công để từ đó kết nối các địa phương trong vùng, liên kết vùng, thống nhất hành động thông qua các chương trình phát triển kinh tế, các dự án, các công trình trọng điểm để có những ưu tiên và phối hợp kể cả nguồn lực tập trung quản lý chỉ đạo với những nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương để chuyển dịch mạnh mẽ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ như ở vùng Bắc Trung bộ duyên hải Miền trung, chúng tôi cho rằng từ Nghị quyết 39 của Bộ chính trị vùng này đã có sôi động, nhất là kinh tế vùng đã gắn kết và các sản phẩm chủ lực được khẳng định rõ nét. Chúng tôi nghĩ rằng cần tiếp tục quan tâm đầu tư để khẳng định phát triển kinh tế của các khu công nghiệp ở các vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Qua một sự cố về môi trường ảnh hưởng của vùng rất lớn, tác động đến đời sống người dân và cả hệ thống. Như vậy, chúng ta cần có đầu tư vùng này rõ nét hơn.

Chúng tôi đề nghị trong chương trình đầu tư công trung hạn tiếp tục ưu tiên các chương trình hạ tầng ven biển miền Trung gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển, với bảo vệ biển đảo biên cương của Tổ quốc. Đánh giá rà soát lại bổ sung Nghị định 67 để người dân tiếp cận và thực hiện hiệu quả hơn. Đáp ứng yêu cầu đóng tàu thuyền để đánh bắt xa bờ gắn với phát triển nâng cao đời sống của người dân. Là vùng khó khăn thường xuyên bị thiên tai và trực tiếp chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, các khu kinh tế trọng điểm có những kết quả bước đầu. Tuy hiện nay còn gặp những khó khăn nhưng nhờ sự đầu tư đúng hướng của giai đoạn 2010-2015 và với cơ chế ứng trước vốn để giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng mọi việc vẫn đang ngổn ngang. Nếu giai đoạn này chúng ta thu hồi vốn ứng trước, không bổ sung đầu tư thì khó có thể phát huy được hiệu quả, tạo động lực phát triển và đề nghị xem xét cụ thể khách quan chưa trừ các đầu tư ứng trước của những địa phương đầu tư các khu kinh tế, khu công nghiệp nhất là ở vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung để chuẩn bị cho các hạ tầng phát triển trong giai đoạn tới, Thực sự đang là tiền đề để những nhân tố mới công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục phát triển.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ có tích lập vốn dự phòng để chi kịp thời, khắc phục hậu quả của thiên tai, biến đổi khí hậu ở vùng hạn hán lũ lụt thường xuyên xảy ra.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


    Ý kiến bạn đọc