Thảo luận luận hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt
EmailPrintAa
08:33 24/11/2017

Ngày 23/11, tại phiên họp toàn thể ở hội trường Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Sơn đã tham gia thảo luận luận về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Qua nghiên cứu đề án và trên cơ sở thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao, sự cần thiết để ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của 3 đơn vị: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Với thể chế vượt trội để tạo được cực tăng trưởng, trong đó đặc biệt quan tâm về đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và là gốc để phát triển, góp phần thử nghiệm cho các địa phương và cả nước.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu

 

Đại biểu đồng tình Phương án 1, tổ chức chính quyền địa phương theo Điều 37 và Điều 76, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được tổ chức thành các khu hành chính trực thuộc, không tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân mà thực hiện thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm được phân cấp, phân quyền mạnh, có những thẩm quyền ngang với cấp tỉnh, nhiều nội dung được trực tiếp xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời có mối quan hệ trực thuộc địa phương trên một số lĩnh vực về hành chính, về cơ chế giám sát chuyên ngành và hệ thống chính trị phù hợp, tinh giản để có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời tránh lạm dụng quyền lực, cũng cần có những quy định và giải pháp mạnh để có chính sách thu hút nhân tài, đội ngũ cán bộ giỏi gắn với việc sử dụng đội ngũ cán bộ hiện tại hài hòa và có những bước đột phá.

Về cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đây là nội dung hết sức quan trọng về độ mở của chính sách thể hiện đặc thù và đặc biệt thực sự là môi trường thỏa đáng để linh hoạt cao nhất, phù hợp với công ước quốc tế, với các nền kinh tế năng động trong đầu tư phát triển và thể hiện sự hội tụ của những yếu tố đầu tư công nghệ thị trường tài chính năng động tiến bộ của khu vực và trên thế giới trong xu thế phát triển mới. Để 3 đặc khu kinh tế vừa là hạt nhân phát huy thế mạnh của mình vừa lan tỏa tạo động lực cho địa phương, cho vùng và cho cả nước từ phát triển ngành nghề sản phẩm đặc thù của mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Với 5 nhóm chính sách cụ thể đã thể hiện ở trong luật thì cho thấy việc đã có ưu đãi vượt trội, tuy nhiên chúng ta cần quan tâm nhất lại là sự thuận lợi đồng bộ trong tiếp cận thông thoáng với thủ tục hành chính, các quy trình chấp nhận phê duyệt các dự án có sự hoàn thiện hơn về khung pháp lý để thực sự tạo thuận lợi cho  nhà đầu tư còn quan trọng hơn là các ưu đãi về đất đai, về thuế vì nhiều khi những chậm trễ trong quy trình thủ tục làm mất cơ hội của các nhà đầu tư nên ngoài nội dung ưu đãi cần rõ hơn quy trình trách nhiệm, tính kịp thời, tinh gọn về thủ tục và xóa rào cản để tiếp cận được chính sách mà sự vướng mắc đôi khi nằm tại các bộ, ngành chức năng và các địa phương. Nếu luật không quy định rõ thì đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khó đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Ban soạn thảo cần rà soát để các nội dung, các chính sách thông thoáng hơn và có những đầu mối cụ thể để xử lý các vướng mắc, những vấn đề đặt ra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Trung ương cũng như địa phương.

Tại Mục 5 Chương IV về tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác ngoài nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phần nhiệm vụ quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần có một nghị định chung thay vì hướng dẫn của từng bộ, ngành với nhiệm vụ cụ thể của mình ở phần chuyên môn của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để bảo đảm sự thống nhất đồng bộ và tránh sự dè dặt lại tiếp tục dựng các hàng rào chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu quy định của luật cho sự đặc biệt của các đơn vị này, nhất là trong phân cấp, ủy quyền với chủ trương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để đủ thẩm quyền ra các quyết định và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của thực tiễn.

Về chính sách đặc thù, đại biểu đồng tình nên quy định chính sách đặc thù chung cho 3 đơn vị và đặc thù riêng của mỗi đơn vị để thể hiện sự thống nhất, liên thông giữa các đơn vị. Ngoài phát triển thế mạnh của mỗi đơn vị thì sự liên thông giữa 3 đơn vị này hết sức ý nghĩa, nó vừa góp phần cạnh tranh chung và cạnh tranh với thế giới, nhất là các sản phẩm của mỗi đơn vị. Như đặc thù chung về đất đai, về thuế, hải quan và ngành nghề mà 3 đơn vị đều có chúng ta có nghị định chung và đặc thù riêng có của địa phương từng đơn vị là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Nếu đạt được như vậy sau khi luật thông qua các điều kiện chuẩn bị như các địa phương hiện nay đã hoàn thiện mọi việc sẽ là điểm đến của đại biểu Quốc hội, của cử tri cả nước và du khách quốc tế. 


    Ý kiến bạn đọc