Thảo luận ở tổ về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh
EmailPrintAa
20:40 02/11/2013

Chiều nay 2/11, Quốc hội thảo luận tổ về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và việc ban hành quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTVQH được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII đến hết tháng 7 năm 2013.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ Ngày 08/11/2011, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Nghị quyết số 10/2011/QH13 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, trong đó xác định một trong những định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015 là "cơ bản xây dựng xong hệ thống pháp luật gắn với cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII". Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khoá XIII và 03 Chương trình hằng năm (2012, 2013, 2014). Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khoá XIII (sau khi điều chỉnh, bổ sung) gồm 144 dự án, trong đó Chính phủ được giao trình 133 dự án (chiếm tỷ lệ 92,36%).

Tính đến hết tháng 7/2013, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua 46 văn bản, trong đó, Chính phủ trình 44 văn bản. Đến ngày 15/10/2013, có 37/46 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, 09 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực (xin xem Phụ lục I). Tình hình ban hành luật, pháp lệnh các năm cụ thể như sau: Năm 2011, Quốc hội thông qua 05 luật đều do Chính phủ trình; năm 2012, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua 29 văn bản, Chính phủ trình 27 văn bản; hết tháng 7/2013, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua 12 văn bản đều do Chính phủ trình.

Nhìn chung, cùng với quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, trong hai năm đầu nhiệm kỳ khóa XIII, các luật, pháp lệnh được ban hành đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội, với trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, một trong ba đột phá chiến lược.

 Tuy nhiên, về kết quả xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh còn đạt kết quả thấp, và chậm ban hành, chất lượng văn bản cón nhiều tồn tại, hạn chế. Trong số 46 luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tính đến nay, có 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành và 09 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực thi hành. Tính đến ngày 15/10/2013, kết quả quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 46 luật, pháp lệnh như sau:

- Đối với 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 73/131 văn bản (55,7%) quy định chi tiết, hướng dẫn 85/154 nội dung được giao; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 25/69 văn bản (36,2%) quy định chi tiết, hướng dẫn 63/126 nội dung được giao.

Như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 98/200 văn bản (49%) quy định chi tiết hướng dẫn 148/280 nội dung được giao.

Số văn bản chưa được ban hành là 102/200 văn bản (51%) quy định chi tiết 132/280 nội dung được giao (trong đó có 58 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 44 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ).

- Đối với 09 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực, có 01/42 văn bản đã ban hành để quy định chi tiết 03/83 nội dung được giao, cụ thể là Nghị định số 92/2013/NĐ-CP ngày 13/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng.

Đại biểu Trần Tiến Dũng phát biểu tại phiên thảo luận

 

Phát biểu tại buổi thảo luận,  đại biểu Trần Tiến Dũng cho rằng: Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác triển khai thi hành một số luật, pháp lệnh còn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ giữa các lĩnh vực pháp luật dẫn đến tình trạng một số quy định của luật, pháp lệnh chưa được thực thi. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả chưa cao; việc triển khai thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật mới có kết quả bước đầu. Việc bố trí kinh phí, đảm bảo nguồn nhân lực và các điều kiện triển khai thi hành luật, pháp lệnh còn chưa đầy đủ. Một số quy định của luật, pháp lệnh về tổ chức, bộ máy hoặc chế độ, chính sách chậm được tổ chức thi hành, còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chẳng hạn như các quy định về cơ cấu của tổ chức thanh tra trong Quân đội; chính sách xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp...

- Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn chậm, tình trạng nợ đọng văn bản còn lớn, ảnh hưởng đến hiệu lực của luật, pháp lệnh.

- Chất lượng văn bản quy định chi tiết còn chưa được như mong muốn, vẫn còn tình trạng các cơ quan soạn thảo, góp ý, thẩm định, thẩm tra văn bản quy định chi tiết để lọt nội dung không phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi, nhất là trong thông tư, thông tư liên tịch, gây bức xúc trong dư luận.

Để khắc phục tình trạng trên đại biểu Trần Tiến Dũng đề nghị: Quốc hội, UBTVQH cần có nghị quyết giám sát chuyên đề về lĩnh vực này để làm rõ những ách tắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp khả thi nhằm khắc phục tình hình trên trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH. Đề cao trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và đặc biệt là không nên đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm dối với những dự án luật chưa chuẩn bị kỹ về mọi mặt. Mặt khác, đại biểu cũng cho rằng những tồn tại trên cũng có nguyên nhân từ chất lượng của công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, còn quá nhiều văn bản luật, điều luật khi thông qua còn giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành; vì vậy, luật phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn mới đi vào cuộc sống. Đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành cần hợp tác, phối hợp với nhau trong việc hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của quốc hội và đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo chặt chẽ bộ, ngành khi ban hành văn bản hướng dẫn phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất cao không vì tính cục bộ của bộ, ngành. Mặt khác, đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát văn bản QPPL để phát hiện những văn bản hướng dẫn thi hành có vi phạm.


    Ý kiến bạn đọc