Tiền, chất xám và xã hội hóa
EmailPrintAa
08:16 18/06/2012

Cách nghĩ “tiền là tất cả” có thể hiểu được bởi lẽ sau một thời gian dài quá thiếu thốn, khi bung ra sự vật sẽ đi vào hướng trái lại. Vai trò của quản lý nhà nước là thấy và phát huy cái đúng, vạch ra cái sai, thảo luận về những thái quá nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội để không để phát triển đến thái cực ngược lại.

1. Đúng là không có tiền thì chất xám khó có thể phát huy, không có điều kiện để thực hiện được những công trình nghiên cứu cần đến các thiết bị hiện đại. Đúng là lương không đủ nuôi gia đình, lo cho con cái ăn học, những người có chất xám, mặc dù rất yêu nghề, cũng đành phải ra ngoài làm việc. Đúng là đã có lúc bất hợp lý đến mức tiền bồi dưỡng một ca phẫu thuật cho bác sĩ không bằng tiền vá một lỗ săm thủng.

Cách nghĩ “tiền là tất cả” có thể hiểu được bởi lẽ sau một thời gian dài quá thiếu thốn, khi bung ra sự vật sẽ đi vào hướng trái lại. Vai trò của quản lý nhà nước là thấy và phát huy cái đúng, vạch ra cái sai, thảo luận về những thái quá nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội để không để phát triển đến thái cực ngược lại.

Nhà nước đã cố gắng nâng mức lương tối thiểu, tăng ngân sách chi cho giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa (chắc chắn là chưa đủ), và mặt khác đã có chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực này.

Tuy nhiên chủ trương xã hội hóa còn cần sớm được thể chế hóa thành chính sách thể hiện đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước. Trong thực tế, đã có những biểu hiện thả lỏng, dẫn đến những phát sinh rất đáng quan tâm.

2. Mở các trường ngoài công lập, dân lập và tư thục, là một cách thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhất là giáo dục đại học, như các nước đã làm.

Trên lĩnh vực này, theo thiển ý của tôi, quản lý nhà nước chưa làm tốt nhiệm vụ của mình trong thời gian qua, ít nhất trên các mặt: (a) Cho mở trường quá dễ dãi, bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh vụ lợi giáo dục, mà Điều 20 của Luật Giáo dục nghiêm cấm; (b) Muốn ôm đồm quá nhiều khâu (1), vì quyền lực, đã rõ, vì quyền lợi đi kèm, không loại trừ; (c) Không thảo luận với các bên có liên quan để sớm đi tới một mô hình trường đại học ngoài công lập tốt cho cả ba bên, các nhà đầu tư, các thầy cô, và người học, và cho nền giáo dục đại học nước nhà.

Hiện nay các trường đại học dân lập được “đề nghị chuyển sang tư thục” mà không có giải thích. Còn các trường đại học tư thục, theo quy chế hiện hành, được xem như một doanh nghiệp cổ phần bình thường, ở đó những người “có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định” mới có thể được bầu vào Hội đồng quản trị. Đội ngũ các thầy cô, những người mà bằng uy tín, chất xám và lao động của mình đã làm nên “thương hiệu” của trường, cũng chỉ là người làm thuê.

Rất tiếc dự thảo Luật Giáo dục đại học đã không tiếp thu góp ý rất xác đáng của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập và của các nhà giáo, các chuyên gia tâm huyết, đã xem nhẹ và thậm chí sẽ thể chế hóa thực trạng này.

3. Trong một lĩnh vực khác, có một dự thảo quy định: “Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng nghiên cứu khoa học và  phát triển công nghệ”.

Nếu sự việc xảy ra đúng như vậy thì chất xám của các nhà khoa học Việt Nam bị bóc lột đến mức này hay sao? Chẳng lẽ người có tiền bỏ ra là có quyền thu tóm kết quả nghiên cứu của người khác làm sở hữu của mình hay sao? Tham khảo luật pháp của các nước phương Tây, họ quy định mối quan hệ giữa tiền và chất xám không đến mức như vậy.

Sự trùng lặp về đánh giá chất xám hiện nay trong hai lĩnh vực được xem là quốc sách hàng đầu, qua hai sự việc trên đây, là đáng báo động cho tiền đồ của đất nước; đáng để những người có trách nhiệm nhìn lại một cách nghiêm túc nhất quan điểm về xã hội hóa, về mối quan hệ giữa tiền và chất xám trong định hướng xã hội chủ nghĩa, và tìm ra các nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng này.

4. Nhìn về tương lai thì sao? Tổng hợp tổng số hồ sơ đăng ký thi tuyển vào các trường đại học và cao đẳng năm học 2012-2013 cho thấy các ngành khoa học cơ bản, các ngành kỹ thuật, công nghiệp và nông nghiệp rất ít thí sinh, và các ngành khoa học xã hội và nhân văn còn đìu hiu hơn nữa. Trong khi đó, các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, … “tỷ lệ chọi” rất cao.

Tình hình này không phải mới đây, chỉ tăng thêm độ cách biệt mà thôi.

Sự lựa chọn ngành học suy cho cùng cũng thể hiện, trong một chừng mực nhất định, sự lựa chọn giữa tiền và chất xám của thí sinh và gia đình, và rộng hơn của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.

Nhiều nghị quyết, bài xã luận đã đề cập tới nền kinh tế tri thức. Làm sao vươn được tới đó với một nguồn nhân lực tương lai đi vào cơ cấu ngành nghề đào tạo đã lựa chọn?

Tái cơ cấu nền kinh tế sẽ ở trên phần ngọn nếu chỉ dựa vào khu vực thương mại, dịch vụ, tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ không có vị trí và vai trò cần thiết. 

Tôi bỗng nhớ lại ý kiến của một nhà khoa học đồng thời là một nhà giáo dày dặn kinh nghiệm đã chia sẻ với tôi cách đây trên bốn mươi năm: “Nhìn vào sự lựa chọn ngành học của sinh viên hôm nay của một đất nước, có thể dự đoán được đất nước đó sẽ đi về đâu”.

Đáng suy ngẫm lắm!

_________________

1. Trong 74 điều của dự thảo Luật Giáo dục đại học (phiên bản 08.05.2012), có đến 20 điều khoản giao về Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, quy định, quyết định; có 4 điều khoản đưa về “Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, giao nhiệm vụ”


    Ý kiến bạn đọc