Tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục làm việc tại phiên họp toàn thể của Quốc hội
EmailPrintAa
09:32 15/03/2013

Phiên họp toàn thể của QH là phương thức hoạt động cơ bản và quan trọng nhất của QH. Các hoạt động của UBTVQH, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban và các ĐBQH, suy cho cùng đều phục vụ cho các hoạt động của QH tại các phiên họp toàn thể. Có thể nói không có phiên họp toàn thể của QH thì không có các đạo luật, bộ luật, các Nghị quyết thể hiện ý chí quốc gia.

Phiên họp toàn thể của QH là diễn đàn để các ĐBQH thảo luận và quyết định các vấn đề trong chương trình kỳ họp của QH. Thông qua các phiên họp toàn thể mà các nhiệm vụ, quyền hạn của QH được thực hiện. Tại đấy các dự án luật, dự thảo nghị quyết về giám sát tối cao, về quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, về chất vấn và bỏ phiếu tín nhiệm được bàn thảo dân chủ, công khai và quyết định thông qua dưới dạng các văn bản có hiệu lực thực thi cao nhất ở nước ta như các đạo luật, bộ luật, các nghị quyết. Vì thế, phiên họp toàn thể của QH là phương thức hoạt động cơ bản và quan trọng nhất của QH. Các hoạt động của UBTVQH, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban và các ĐBQH, suy cho cùng đều phục vụ cho các hoạt động của QH tại các phiên họp toàn thể. Có thể nói không có phiên họp toàn thể của QH thì không có các đạo luật, bộ luật, các Nghị quyết thể hiện ý chí quốc gia.

Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới, phiên họp toàn thể của QH nước ta ngày càng được cải tiến trở thành diễn đàn được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi, nhất là các phiên chất vấn. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của phiên họp toàn thể QH, đang đặt ra những đòi hỏi mới, cao hơn. Trước hết là đòi hỏi phải dân chủ hóa hơn nữa các phiên họp của QH bằng các cuộc thảo luận mang tính tranh luận giữa các các đại biểu QH nhằm tìm ra chân lý khách quan, phản ánh đầy đủ ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Bảo đảm cho các đạo luật, các nghị quyết được QH thông qua tại các phiên họp toàn thể có chất lượng cao nhất, được cuộc sống đón nhận và tổ chức thực hiện một cách tự giác có hiệu lực và hiệu quả cao. Đồng thời, đó còn là đòi hỏi ĐBQH phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong các phiên họp toàn thể của QH. Theo đó, ĐBQH phải tiếp tục nâng cao kỹ năng và bản lĩnh nghị trường của mình. Tiếng nói của ĐBQH tại các phiên họp toàn thể QH là nhân tố quyết định chất lượng phiên họp. Vì thế, tiếp tục đổi mới việc tổ chức phiên họp để phát huy trí tuệ, trách nhiệm của ĐBQH có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phiên họp toàn thể.

Đổi mới phiên họp toàn thể QH, trước hết phải đổi mới quy trình thủ tục làm việc của QH tại phiên họp - Quy trình thủ tục làm việc tại phiên họp toàn thể của QH của nước ta được quy định trong nhiều văn bản từ nội quy kỳ họp QH, ban hành theo nghị quyết số 07/2002/QHKXI, quy chế hoạt động của UBTVQH, quy chế hoạt động của HĐDT và các Ủy ban của QH, quy chế hoạt động của ĐBQH, đến các đạo Luật như: Luật Thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật hoạt động giám sát của QH và các đạo luật có liên quan khác. Vì nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nên không tránh khỏi mâu thuẫn, chồng chéo. Vì vậy, cần phải pháp điển hóa các quy định về phiên họp toàn thể QH thành một văn bản thống nhất để dễ dàng thực hiện trong thực tế.

Thứ hai , xây dựng các nguyên tắc phiên họp. Một nhược điểm cơ bản của quy trình thủ tục tổ chức và tiến hành phiên họp toàn thể của QH nước ta là chưa làm rõ những vấn đề có tính nguyên tắc. Vì vậy, khi đi vào những vấn đề cụ thể thường xảy ra những nhận thức thiếu thống nhất. Ví dụ như việc xác định thời gian của một kỳ họp bao nhiêu là vừa đủ? Hiện nay có hai quan điểm trái ngược nhau. Một quan điểm muốn rút ngắn phiên họp và kỳ họp QH. Rút ngắn để tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Ngược lại có ý kiến lại cho rằng QH sinh ra là để họp, để bàn thảo một cách dân chủ, quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia và thông qua các bộ luật, đạo luật nên không được đặt ra việc rút ngắn thời gian và càng không nghĩ đến việc tiết kiệm tiền bạc trong kỳ họp. Đã thực hành dân chủ thì phải tốn kém. Không vì tiết kiệm thời gian mà hạn chế việc phân tích tranh luận tại các phiên họp, nhất là tại các phiên họp thảo luận về các dự án luật. Mỗi quan điểm nói trên tuy có yếu tố hợp lý, nhưng còn phiến diện, chủ yếu dựa trên ý muốn chủ quan. Việc tính toán xác định thời gian của một phiên họp toàn thể trước hết và chủ yếu là dựa trên tính chất, nội dung của vấn đề được đưa ra bàn thảo tại phiên họp. Vấn đề có tính chất phức tạp, có nhiều phương án khác nhau, nội dung phong phú, với nhiều mối quan hệ thì giành nhiều thời gian. Ngược lại, vấn đề ít phức tạp, nội dung vừa phải thì bố trí thời gian ít hơn. Vì vậy, nguyên tắc xác định thời gian cho 1 kỳ họp nói chung, cho một phiên họp toàn thể nói riêng phải căn cứ vào tính chất và nội dung của vấn đề. Nhiều ĐBQH không hài lòng với quy định 7 phút một lần phát biểu như quy định hiện nay. Vì thế, xây dựng một văn bản chung thống nhất về quy trình, thủ tục tiến hành một phiên họp toàn thể của QH trước hết cần phải có các quy định chung mang tính nguyên tắc. Đó là nguyên tắc về xác định thời gian, nguyên tắc về cách thức phát biểu của đại biểu (không được xúc phạm đại biểu khác, bình đẳng trong tranh luận, không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết...) nguyên tắc về điều khiển phiên họp của chủ tịch Đoàn. Thực tiễn tiến hành kỳ họp toàn thể QH ở nước ta chỉ ra rằng: QH quá mất nhiều thời gian để nghe trình bày báo cáo, đề án. Hiện nội quy kỳ họp chưa có quy định về điều này. Vì thế, nên chăng cần phải có quy định về thời gian trình bày báo cáo, tờ trình theo hướng rút ngắn chỉ 15 - 20 phút. Đối với phiên họp toàn thể QH thảo luận về các dự án luật, Điều 52 (Khoản 3 và 4) Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật quy định: 3. QH thảo luận tại phiên họp toàn thể về những nội dung cơ bản, những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án, dự thảo; 4. Trong quá trình thảo luận đại diện cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án, dự thảo giải trình về những vấn đề liên quan đến dự án, dự thảo mà ĐBQH nêu. Hiện nay, việc thảo luận tại phiên họp toàn thể về các dự án luật còn dàn trải, có dự án luật bố trí thời gian ngắn, nhiều đại biểu đăng ký nhưng không còn thời gian phát biểu. Nên chăng cần quy định UBTVQH quyết định nội dung nhóm vấn đề đề nghị ĐBQH tập trung thảo luận tại phiên họp toàn thể. Thời gian phát biểu của mỗi ĐBQH là 7 phút, không phân biệt lần đầu hay lần hai.

Thứ ba là, tiếp tục hoàn thiện về thủ tục các phiên họp chất vấn. Luật Hoạt động giám sát của QH điều 11 đã quy định tại kỳ họp QH, việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo các bước. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về thủ tục chất vấn còn có một số hạn chế, ví dụ như việc quyết định danh sách những người trả lời chất vấn và các nhóm vấn đề được lựa chọn để tiến hành tại các phiên họp chất vấn rất gần với ngày tiến hành phiên họp chất vấn, nên Đại biểu không đủ thời gian để chuẩn bị câu hỏi chất vấn. Vì vậy cần phải quy định thời gian ĐBQH gửi chất vấn đến Chủ tịch QH (chậm nhất là 5 - 7 ngày sau ngày khai mạc kỳ họp) để chuyển đến người bị chất vấn và đảm bảo thời gian để Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp các chất vấn báo cáo UBTVQH. UBTVQH có trách nhiệm chọn lựa các nhóm vấn đề và dự kiến danh sách người có trách nhiệm trả lời chất vấn tại hội trường để xin ý kiến các ĐBQH và trình QH quyết định các nhóm vấn đề cần đưa ra tại phiên họp toàn thể và danh sách những người trả lời đối với từng nhóm vấn đề. Tại phiên họp chất vấn toàn thể QH, tập trung vào các nhóm vấn đề, ĐBQH đối thoại và tranh luận đến cùng với người trả lời chất vấn trên từng nhóm vần đề. Câu hỏi chất vấn phải ngắn gọn, rõ ý, không giải thích dài dòng, không nêu tình hình, không hỏi mang tính chất để biết, để có thông tin. Cần quy định thời gian để hỏi không quá 2 phút. Người trả lời chất vấn phải trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào câu hỏi, có như vậy phiên họp chất vấn mới có chất lượng.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện các quy định về chủ tọa phiên họp toàn thể QH. Chủ tọa phiên họp toàn thể QH cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập bầu không khí dân chủ, cởi mở, nâng cao chất lượng của phiên họp. Tuy nhiên nội quy kỳ họp cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, quy định về việc điều hành của chủ tọa phiên họp toàn thể còn quá đơn giản. Luật hiện hành nội quy kỳ họp chỉ quy định: Chủ tọa phiên họp mời từng Đại biểu phát biểu (Điều 16); Trước khi biểu quyết chủ tọa phải nêu rõ nội dung vấn đề QH cần biểu quyết (Điều 17). Các quyền và nghĩa vụ của chủ tọa phiên họp không được quy định, nên không phát huy được vai trò của người đứng đầu “cuộc chơi”. Chủ tọa có quyền mời đại biểu này phát biểu mà không mời đại biểu kia phát biểu có được không? hay phải theo thứ tự đăng ký, người đăng ký trước được mời trước người đăng ký sau mời sau? chủ tọa phiên họp có quyền nhận xét đánh giá phiên họp toàn thể QH (ví như tổng kết phiên chất vấn đánh giá chất vấn của đại biểu và trả lời của Bộ trưởng như lâu nay vẫn làm) hay không? Hay phải dựa vào nhận xét đánh giá của toàn thể ĐBQH sau đó mới công bố. Điều đó cũng phải được quy định trong nội quy kỳ họp để có cơ sở pháp lý cho chủ tọa phát huy vai trò.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện về công khai minh bạch tại phiên họp toàn thể. Công khai, minh bạch là một trong những nguyên tắc cơ bản của phiên họp toàn thể QH. Càng công khai, minh bạch, càng phát huy vai trò, trách nhiệm của Đại biểu. Vì vậy, đổi mới quy trình phiên họp toàn thể cần đặc biệt quan tâm đến việc cụ thể hóa nguyên tắc này thành các quy định pháp luật. Nên chăng cần có quy định về công khai, minh bạch việc bỏ phiếu thông qua các dự án Luật, các Nghị quyết của QH. Những ai đồng ý, những ai không đồng ý, những ai không có ý kiến; cần được công bố công khai tại phiên họp. Quy định như vậy, chẳng những nâng cao trách nhiệm bản lĩnh của Đại biểu mà còn là những thông tin để cử tri giám sát hoạt động của Đại biểu. Đồng thời là tài liệu lịch sử để các thế hệ tiếp theo tham khảo, đánh giá hoạt động của ĐBQH các thế hệ trước, nhất là đối với các dự án kết quả thực hiện đạt được hiệu quả cao hay không có hiệu quả trong thực tế. Lịch sử sẽ phán xét những xu hướng biểu quyết khác nhau trong việc quyết định các dự án trọng đại quốc gia tại các phiên họp toàn thể QH.


    Ý kiến bạn đọc