Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, toàn diện, quy định chặt chẽ nhiệm vụ, quyền hạn của các đối tượng nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, việc kê khai, ấn định thuế, các trường hợp miễn thuế, hoàn thuế, kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế nộp thuế, khai thác các khoản thu ngân sách nhà nước một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên, để dự thảo Luật hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật nói chung và trở thành công cụ quản lý hữu hiệu, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc rà soát, sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận tại Hội trường |
Đại biểu khẳng định, dự thảo Luật đã quy định rất cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan trong việc quản lý thuế, thể hiện sự phối kết hợp giữa các cơ quan, các ngành trong vấn đề khai thác trong hoạt động thu thuế. Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã cung cấp thông tin về tài khoản doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế cho cơ quan thuế khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, trong thực tế, một cá nhân có thể có nhiều tài khoản khác nhau và với xu thế cạnh tranh hiện nay, các ngân hàng để đảm bảo bí mật cho khách hàng thì sẽ không cung cấp hết các thông tin về tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế. Do đó, nếu như không kiểm soát chặt chẽ các tài khoản này có thể sẽ gây thất thu thuế. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải có sự chỉ đạo, vào cuộc và phối hợp của chính quyền các cấp, các ngành để hỗ trợ cơ quan thuế khai thác các khoản thu vào NSNN một cách cao nhất.
Đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung các quy định về quản lý thuế đối với hoạt động này. Theo đại biểu, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số thì việc ứng dụng công nghệ thông tin bằng việc sử dụng Internet trong hoạt động kinh doanh đã trở nên phổ biến ở nước ta. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo thông qua các phương tiện như website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội,… đang trên đà phát triển mạnh.
Hiện nay, cơ quan thuế đã và đang gặp không ít khó khăn trong việc quản lý các loại hình kinh doanh này, cụ thể như: khó xác định được người nộp thuế, doanh thu phát sinh, khó khăn trong việc xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế, khó nắm bắt được quy mô hoạt động kinh doanh, toàn bộ quá trình giao dịch…. Việc không xác định đúng bản chất của giao dịch TMĐT sẽ gây khó khăn trong việc quản lý thuế đối với TMĐT. Do đó, việc bổ sung quy định pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử là cần thiết và phù hợp.
Về vấn đề quản lý thuế đối với giao dịch điện tử (quy định tại Điều 8 dự thảo Luật), đại biểu cho rằng việc sử dụng phương pháp thu thuế theo phương thức giao dịch thương mại điện tử là xu thế tất yếu, đây là phương pháp giao dịch hiện đại, tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý, chi phí giao dịch cho các đối tượng quản lý và đối tượng nộp thuế. Song, thực tế khi sử dụng phương pháp giao dịch này, doanh nghiệp phải trả phí giao dịch cho ngân hàng với khoản phí không phải là thấp. Từ đó, có một số doanh nghiệp sẽ cử kế toán trực tiếp đến trụ sở cơ quan thuế nộp thuế để không mất phí và dẫn đến tình trạng có doanh nghiệp kê khai nộp thuế thông qua giao dịch điện tử, có doanh nghiệp không kê khai nộp theo phương pháp này.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước có quy định đối với các khoản phí nộp thuế không cao hơn hoặc không cao hơn nhiều so với nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế, giảm chi phí trung gian và tạo đươc sự thống nhất trong vấn đề thu nộp thuế.
Về kết luận của thanh tra thuế (quy định tại Khoản 3, Điều 119, dự thảo Luật): “Trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước, kết luận của thanh tra nhà nước thì được thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, đại biểu cho rằng, quy định này là chưa hợp lý, cần phải có sự thống nhất kết quả thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, hoàn thuế của người nộp thuế giữa cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan trên. Đại biểu phân tích nếu cơ quan thuế không thống nhất được nội dung với kiểm toán nhà nước hay cơ quan thanh tra thì có quyền khiếu nại ra tòa án hoặc các cơ quan đề nghị một cơ quan trọng tài thứ 3 phân xử, không thể các nghiệp vụ cụ thể về thu NSNN lại báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần phải bổ sung một số quy định trực tiếp về kiểm soát chuyển giá vào dự thảo Luật Quản lý thuế, theo đó giao thẩm quyền điều tra về thuế cho cơ quan thuế trong đầu tranh chống chuyển giá. Lý giải về đề xuất này, đại biểu cho rằng chuyển giá là một hiện tượng tương đối phổ biến trong nền kinh tế hiện đại.
Bộ Tài chính đã phê duyệt chương trình hành động chống chuyển giá, thành lập phòng Thanh tra giá chuyển nhượng ở 4 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy định về chuyển giá và chống chuyển giá hiện nay chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng, chưa đủ mạnh và chưa có cơ chế cụ thể hiệu quả, dẫn tới vấn đề chuyển giá vẫn diễn ra trong thực tế.
Về lâu dài cần nghiên cứu ban hành Luật kiểm soát chuyển giá – đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho công tác kiểm soát chuyển giá, không chỉ đối với quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên,… cần quy định cụ thể về các khoản chi từ NSNN cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra và điều tra kiểm soát chuyển giá. Đồng thời, ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong công tác kiểm soát chuyển giá, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần xem xét, rà soát lại các luật thuế hiện hành, bổ sung, sửa đổi các quy định phù hợp với xu thế phát triển và các loại hình kinh doanh hiện tại của đối tượng nộp thuế, hợp nhất các Luật thuế chuyên ngành.
Tin mới cập nhật
- Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Vũ Quang ( 04/12)
- Cử tri huyện Nghi Xuân đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ( 04/12)
- Cử tri Hương Sơn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, xây dựng NTM ( 03/12)
- Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của cử tri Thị xã Kỳ Anh ( 02/12)
- Đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri TX Hồng Lĩnh ( 08/10)
- Đoàn ĐBQH tỉnh và Agribank Hà Tĩnh II bàn giao nhà công vụ Trường THCS Hương Lâm ( 07/10)