Đoàn ĐBQH tỉnh Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) và Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)
EmailPrintAa
15:10 18/10/2017

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều (11/10) Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri lấy ý kiến về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) và Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Tham dự có đại diện lãnh đạo ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Luật gia tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Dự thảo Luật mới đây nhất gồm 9 chương, 71 Điều. Các nội dung đã được chỉnh lý, tiếp thu gồm: Làm rõ phạm vi điều chỉnh; quy định rõ các hình thức tố cáo, nhất là thông qua thư điện tử, fax, điện thoại; không xem xét việc giải quyết tố cáo nặc danh nhằm đề cao trách nhiệm của người tố cáo; bổ sung quy định về thời hiệu tố cáo (5 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm); quy định về rút tố cáo chặt chẽ hơn theo hướng có thể rút một phần hoặc toàn bộ nội dung tố cáo trước khi có kết luận nội dung tố cáo, trường hợp rút tố cáo mà xét thấy hành vi vi phạm pháp luật vẫn chưa được phát hiện và xử lý thì tố cáo vẫn được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật; quy định về điểm dừng trong giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo và người bị tố cáo.

Ông Trịnh Công Minh, Trưởng phòng nghiệp vụ 1 - Thanh tra tỉnh phát biểu

 

Tham gia góp ý, nhiều ý kiến tán thành với việc mở rộng các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại; đề nghị bổ sung chủ thể có quyền tố cáo không chỉ bao gồm cá nhân mà còn cả tổ chức; cân nhắc quy định "không thụ lý đối với đơn nặc danh"; việc giải quyết đơn nặc danh cần phải linh hoạt hơn, nếu đơn nặc danh có chứng cứ rõ ràng, tài liệu xác thực mà không thụ lý thì cũng nên xem xét".

Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Lê Thị Quỳnh Hoa

 

Trong dự thảo Luật để tăng cường trách nhiệm của người tố cáo. Một số ý kiến đề nghị phải quy định nghĩa vụ người tố cáo phải "gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo" nhằm hạn chế tình trạng gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan.

Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Nguyễn Thị Như Quỳnh

 

Ngoài những vấn đề trên, có ý kiến đề nghị quy định cho phép người dân được quyền khởi kiện ra tòa án nếu không đồng ý với quyết định giải quyết tố cáo lần 2. Quy định đối tượng được bảo vệ không chỉ là người tố cáo mà còn bao gồm vợ, con của người tố cáo. Hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo nên quy định chung là tố cáo sai sự thật, không quy định lỗi cố ý hay vô ý. Xác định lại các điều kiện để thụ lý đơn tố cáo, nhất là cơ sở tố cáo (có điều kiện để kiểm tra xác minh hay không)...

Đối với dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng, trọng tâm sửa đổi lần này nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các thiết chế phòng ngừa tham nhũng, đặc biệt là phải làm cho Luật đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thanh Hải

 

 

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 8 chương, 109 điều. Những nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào vấn đề lớn như: Về những quy định chung; về phòng ngừa tham nhũng; về ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng; quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng…

 

Các đại biểu đã tập trung góp ý vào một số nội dung như: Quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu, đối tượng kê khai, cần có cơ chế công khai để người dân giám sát; nên có một cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng độc lập, đủ quyền năng để thực hiện nhiệm vụ.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Sơn tiếp thu các ý kiến của đại biểu

 

Về quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, các đại biểu đề nghị nên mở rộng tài sản phải kê khai, không nên chỉ giới hạn là tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên để tránh trường hợp tài sản được người có nghĩa vụ kê khai chuyển tài sản cho người thân để tránh sự kiểm soát.

Phát biểu tại Hội nghị Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết đầy trách nhiệm của các sở, ngành bằng văn bản và qua phát biểu. Trên cơ sở các ý kiến Đoàn nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp để trình kỳ họp Quốc hội sắp tới.


    Ý kiến bạn đọc