Đoàn ĐBQH tỉnh: TXCT lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng và dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi)
EmailPrintAa
07:28 26/09/2017

Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, chiều 29/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh phối hợp sở NNPTNT tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT) lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi). Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn và Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nguyễn Bá Thịnh chủ trì hội nghị.

Ông Đặng Bá Thức – PCT Hội KHKT Lâm nghiệp Hà Tĩnh "đánh giá rừng mà chỉ dựa vào diện tích và trữ lượng là chưa chuẩn mà cần đánh giá chất lượng rừng và các loại cây"


Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) gồm 9 chương, 110 điều, quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thủy sản; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy sản. Các đại biểu tham gia góp ý vào một số vấn đề như: Thống nhất cao nội dung giải trình, tiếp thu chỉnh lý của UBTVQH về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, thực hiện quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản… Đồng thời, một số đại biểu có ý kiến, thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cấp trung ương, cấp tỉnh; thành lập kiểm ngư trung ương và một số tỉnh thành trực thuộc trung ương có biển; cần rà soát để tránh trùng lặp một số quy định các luật liên quan đã ban hành trước đó.

Ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi Cục Thủy Sản: thành lập kiểm ngư trung ương và một số tỉnh thành trực thuộc trung ương có biển


Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) gồm 12 chương, 111 điều quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản. Các đại biểu nêu lên một số ý kiến, những diện tích rừng không thuộc quy hoạch lâm nghiệp thì ai quản lý và có phải chịu trách nhiệm điều chỉnh của Luật Bảo vệ và phát triển rừng; rừng tự nhiên có trồng bổ sung thuộc đối tượng rừng gì? Cần quy định rừng do UBND xã (không phải chủ rừng) quản lý diện tích lớn; khái niệm về đóng, mở cửa rừng tự nhiên chưa chính xác, thiếu thuyết phục; hoạt động thanh lý rừng nhà nước, công tác khoán rừng và giao khoán rừng  và đất lâm nghiệp còn nhiều bất cập;… Ngoài ra, đánh giá rừng mà chỉ dựa vào diện tích và trữ lượng là chưa chuẩn mà cần đánh giá chất lượng rừng và các loại cây; không thể tách rời đất - rừng mà rừng và đất luôn có gắn chặt mật thiết; tất cả các chủ rừng đều được thành lập các lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng;..

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của ngành NNPTNN


Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Sơn đã cảm ơn những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, của các cử tri tham dự tiếp xúc; những ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu, tổng hợp để trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


    Ý kiến bạn đọc