Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương quan tâm đổi mới cơ cấu tổ chức HĐND cấp xã
EmailPrintAa
14:49 04/06/2015

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả, khắc phục được tính hình thức trong thực hiện các chức năng quyết định, giám sát của HĐND cấp xã, Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần nghiên cứu tổ chức bộ máy cho HĐND cấp này.

Chính quyền xã, phường, thị trấn (chính quyền cấp xã) là cấp gần dân nhất, đồng thời là cấp mà mọi chính sách, pháp luật đều được tổ chức thực thi ở đó. Do vậy, xây dựng chính quyền cấp xã thực sự vững mạnh, hoạt động có hiệu quả là việc hết sức quan trọng. Hiện nay, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thể chế hóa Hiến pháp 2013 đang được cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý của các ĐBQH, cũng như các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện và trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII thông qua. Nghiên cứu Dự thảo gần nhất chúng tôi thấy Dự Luật đã tiếp thu và thiết kế nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong tổ chức bộ máy cũng như hoạt động của HĐND theo quy định tại luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, như: quy định tỷ lệ đại biểu chuyên trách đối với HĐND, bỏ chức danh Ủy viên Thường trực chuyên trách cấp tỉnh và huyện, thay vào đó là chức danh Phó Chủ tịch, quy định các Trưởng ban là Ủy viên Ban Thường trực...

 

Đồng chí Đoàn Đình Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tại Hội nghị tiếp xúc cử tri với Đoàn ĐBQH tỉnh

 

Tuy nhiên, qua nghiên cứu chúng tôi thấy những sửa đổi trong Dự Luật mới tập trung phần lớn vào HĐND cấp tỉnh và huyện, còn HĐND cấp xã (bao gồm xã, phường, thị trấn) hầu như chưa được quan tâm đổi mới, nhất là cơ cấu tổ chức bộ máy gần như giữ nguyên so với luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Do vậy, khi Luật được ban hành và có hiệu lực, hoạt động của HĐND cấp xã sẽ vẫn gặp lại những khó khăn như nhiệm kỳ vừa qua. Hiệu quả, hiệu lực hoạt động khó được nâng lên và tính hình thức trong thực hiện các chức năng quyết định, giám sát khó được khắc phục.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả, thể hiện được tính thực quyền trong hoạt động của HĐND cấp xã, Luật cần nghiên cứu để tăng cường bộ máy cho HĐND cấp xã. Cụ thể: về số lượng đại biểu, nên quy định tối thiểu ở miền núi, hải đảo cũng như đồng bằng được bầu 20 đại biểu. Hiện nay, trong Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định xã miền núi và hải đảo có dưới 1 nghìn dân được bầu 15 đại biểu (điểm a, khoản 1, Điều 62). Như vậy là quá ít, mặt khác trừ những trường hợp đặc biệt còn lại luật nên có chế tài để hạn chế tối đa số xã có dân số dưới ba nghìn đối với miền núi và dưới năm nghìn đối với đồng bằng.

Cần tính toán để bố trí số lượng nhất định đại biểu chuyên trách đối với HĐND cấp xã, tối thiểu nên 2 người, vì hiện nay đại biểu hoạt động chuyên trách ở cấp xã phần lớn là một Phó Chủ tịch nên rất khó khăn trong tổ chức hoạt động cũng như hoàn thành nhiệm vụ theo quy định. Trong khi bộ máy tham mưu, phục vụ ở HĐND cấp xã không được bố trí nên gần như mọi công việc của HĐND cấp xã đều do một mình Phó Chủ tịch chuyên trách đảm nhận.

Thường trực HĐND cấp xã, như dự thảo Luật chỉ có hai người là Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch, cơ cấu như vậy vừa bất cập đối với các hoạt động của Thường trực vì quá ít, trong khi phần lớn Chủ tịch HĐND cấp xã hoạt động kiêm nhiệm, chỉ một Phó Chủ tịch chuyên trách thì khó đảm đương được nhiệm vụ theo quy định. Trong khi đó, Luật lại giao cho Thường trực HĐND cấp xã có nhiệm vụ cho ý kiến đối với các đề án, báo cáo của UBND trình các kỳ họp (thực chất đây là hoạt động thẩm tra). Hơn nữa, hoạt động của Thường trực HĐND cũng theo nguyên tắc biểu quyết theo đa số, mà thường trực chỉ có 2 người nếu có 2 ý kiến trái nhau thì không giải quyết được. Do vậy, đề nghị nên nghiên cứu để cơ cấu bộ máy Thường trực HĐND cấp xã tối thiểu là ba người.

Theo Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì HĐND cấp xã không tổ chức các ban, như vậy, không thuận lợi cho hoạt động của HĐND cấp xã. Thực tế thí điểm thành lập ban HĐND xã ở một số địa phương (như Đồng Nai, Bình Phước) cho thấy, ban HĐND xã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của HĐND cấp cơ sở. Để HĐND cấp xã hoạt động có hiệu quả hơn và khắc phục được tính hình thức trong thực hiện chức năng quyết định và giám sát, nên nghiên cứu để HĐND cấp xã thành lập 2 ban như cấp huyện, Trưởng các ban HĐND có thể do Thường trực kiêm nhiệm.

Về bộ máy phục vụ, dự thảo Luật chưa quy định bộ máy tham mưu, phục vụ cho HĐND cấp xã. Đây là điều rất bất cập vì bộ máy phục vụ hiện nay theo Nghị định 92-NĐ/CP chỉ có công chức văn phòng UBND xã. Do vậy, thời gian qua HĐND cấp xã chưa có bộ máy phục vụ. Nên chăng dự thảo Luật cần quy định rõ công chức văn phòng HĐND và UBND xã để khắc phục bất cập này.


    Ý kiến bạn đọc