Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế rừng
EmailPrintAa
21:08 19/11/2019

Chiều 19/11, Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về “Công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Các đồng chí: Lê Đình Sơn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Trương Thanh Huyền - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Ngọc Sơn - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban và Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Hà Tĩnh hiện có 360.043 ha rừng và đất lâm nghiệp chiếm trên 60% diện tích tự nhiên, bao gồm: rừng tự nhiên 217.694ha, rừng trồng 110.537ha, đất chưa có rừng 31.812ha, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố ; được phân thành 3 loại rừng (đặc dụng 74.500ha, phòng hộ 116.150ha, sản xuất 169.390 ha).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt báo cáo công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2019

Đến nay toàn tỉnh đã giao gần 325.978ha rừng và đất lâm nghiệp, đạt 90,6% cho 20 chủ rừng tổ chức quản lý với 254.450ha và gần 25.397 hộ gia đình, cộng đồng dân cư quản lý 71.528ha; diện tích do UBND xã quản lý trên 34.065ha, chiếm 9,4%. Sau khi được giao, cho thuê đất, rừng hầu hết các chủ rừng đã xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đúng quy định.

Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu đề nghị nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hổ đề nghị tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; quan tâm xử lý dứt điểm các hành vi xâm hại rừng.

Nhìn chung, những năm qua công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, độ che phủ của rừng tăng từ 48% năm 2008 lên 52,22% năm 2018; diện tích, chất lượng rừng được nâng cao, lợi ích kinh tế từ rừng được khẳng định; giá trị sản xuất và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng Lâm nghiệp tăng; công tác bảo vệ, phát triển rừng được quan tâm, ngày càng được xã hội hóa, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 - 2019, toàn tỉnh khai thác được khoảng 1.521.546 m 3 , thu từ hoạt động lâm nghiệp 631.595 triệu đồng.

Đại biểu HĐND tỉnh, thành viên Đoàn giám sát Nguyễn Trọng Nhiệu đề nghị xem xét có cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào đầu tư, quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác tiềm năng, lợi thế rừng, đất lâm nghiệp.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng đề nghị tiếp tục kiện toàn lại lực lượng kiểm lâm và củng cố hoạt động của các Ban quản lý rừng; nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù cho lực lượng kiểm lâm để đảm bảo quyền lợi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn giải trình làm rõ một số nội dung và giao các sở, ngành tiếp thu đầy đủ, rà soát lại và xử lý triệt để các vấn đề còn tồn đọng.

Qua làm việc, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận, trao đổi và thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: một số chủ rừng chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc, một số nơi rừng vẫn bị khai thác, lấn chiếm trái phép; cấp đất rừng chồng lấn; một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng xẻ, phát rừng tự nhiên nghèo kiệt trái phép để lấy đất trồng rừng nguyên liệu, cây có múi; các giải pháp để phòng cháy rừng lớn còn nhiều bất cập, số vụ cháy, diện tích rừng bị thiệt hại còn nhiều; một số cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn các huyện nằm ngoài quy hoạch vẫn còn lén lút hoạt động; việc chuyển đổi hồ sơ giao khoán đất rừng theo Nghị định 01/CP và Nghị định 135/CP sang Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý giao khoán một số đơn vị chủ rừng chưa tốt, chưa  kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các tồn tại; kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng chưa đáp ứng yêu cầu , cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng lâm nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thị Nữ Y cho rằng: thông qua đợt giám sát này Đoàn sẽ kiến nghị các giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ những khó khăn, điểm “nghẽn” trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng, đất lâm nghiệp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đề nghị tiếp tục thực hiện tốt các quy hoạch lâm nghiệp; tập trung chỉ đạo việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang các mục đích khác đảm bảo đúng quy định pháp luật; quan tâm soát xét kỹ các quy hoạch ngành với quy hoạch phát triển lâm nghiệp để tránh chồng chéo, bất cập; xử lý dứt điểm các vụ việc tranh chấp lấn chiếm đất tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn phát biểu kết luận cuộc làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn ghi nhận, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn chung của tỉnh, nhưng vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đồng chí cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nhất là những vấn đề tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết; đồng thời đề nghị: rà soát, đánh giá một cách toàn diện về công tác quy hoạch, khai thác, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp để xây dựng đề án tổng thể về phát triển bền vững ngành lâm nghiệp cho giai đoạn tiếp theo; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; nghiên cứu khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng, đất lâm nghiệp; tiếp tục đánh giá, phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế để đưa ra các giải pháp cụ thể. Đối với những vấn đề tồn đọng về chồng lấn, tranh chấp, cần xem xét, có lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm. Xung quanh việc kiện toàn tổ chức bộ máy, đề nghị có giải pháp căn cơ, xem xét kỹ càng để đưa ra phương án khả thi, hiệu quả nhất.

Lê Trang

    Ý kiến bạn đọc