Bác Hồ trọng dụng nhân tài
EmailPrintAa
15:49 19/05/2023

Cổ nhân có câu “Dụng nhân như dụng mộc” để nói về việc sử dụng nhân tài. Thời nào biết trọng dụng hiền tài thì đất nước thịnh và ngược lại đất nước sẽ suy, nhân dân cơ cực, lầm than. Tư tưởng đó của cha ông ta được Bác Hồ kế thừa, phát triển và hoàn thiện trong điều kiện mới.

Ngày 4.10.1945, Người viết bài Thiếu óc tổ chức, một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban Nhân dân, có đoạn: “Việc dụng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy”.

Ngày 14.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết Nhân tài và kiến quốc đăng trên báo Cứu quốc, Người chỉ rõ: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Người kêu gọi: “Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến… lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì thực hành ngay”.

Nói là làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng cho mình một bộ máy nhà nước thủa ban đầu với rất nhiều người tài giỏi.

Nhân sĩ, trí thức xét theo nhiều góc độ là tài sản quốc gia. Mỗi khi chính thể thay đổi, nhìn chung họ thường im lặng theo dõi thời cuộc trước khi quyết định cộng tác hay không, thậm chí phản đối. Cái khó của chính quyền nhân dân năm 1945 là làm sao cảm hóa được đội ngũ quý giá này để mời họ tham gia sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, phục vụ cho quốc kế, dân sinh.

Ngay cả những người đã tham gia bộ máy cai trị của đế quốc, phong kiến cũng cần có sự phân biệt. Trừ loại phản động gian ác cần phải loại bỏ, phần đông là công chức làm công ăn lương, nói chung có tinh thần yêu nước, gắn bó với quốc gia, dân tộc.

Sau Cách mạng tháng Tám, số đông nhân sĩ, trí thức và một bộ phận quan lại cũ đã được bão táp cách mạng giác ngộ và cuốn hút tham gia vào sự nghiệp chung, và sức cảm hóa họ sâu sắc nhất, mãnh liệt nhất, không ai khác chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước hết phải kể đến Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ cách mạng, hơn Hồ Chí Minh 15 tuổi. Đầu năm 1946, đang là chủ bút báo Tiếng Dân ở Huế thì được điện của Hồ Chủ tịch mời ra giúp nước. Lần đầu Cụ từ chối, lấy lý do tuổi cao, sức yếu (năm đó cụ 71 tuổi) và thời tiết xấu. Thực ra còn một lý do nữa mà cụ không tiện nói ra, đó là cụ cho cả Cộng sản lẫn Việt quốc, Việt cách đều tranh giành ảnh hưởng, quyền lực nên cụ tránh xa. Đến khi nhận điện mời lần thứ hai của Hồ Chủ tịch thì cụ nhận lời, nhưng vẫn chưa thật tin. Vậy mà chỉ sau lần tiếp xúc đầu tiên ở Bắc Bộ phủ, cụ Huỳnh đã được Hồ Chí Minh thuyết phục và cụ hăng hái đảm nhận chức vụ do Hồ Chí Minh giao phó: Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp, cụ được trao quyền Chủ tịch Chính phủ. Từ việc tin yêu Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh trở thành một cộng sự đắc lực của Người.

Tham gia chính thể dân chủ cộng hòa trong những ngày đầu tiên còn có rất nhiều nhà hoạt động chính trị, tôn giáo, khoa học… nổi tiếng như linh mục Phạm Bá Trực, bác sĩ Vũ Đình Tụng, nguyên Khâm sai Bắc Kỳ Phan Kế Toại… Ở đây chúng tôi muốn nhắc tới cụ Bùi Bằng Đoàn, tháng 3.1945 còn là một trong sáu thượng thư của Triều đình Bảo Đại. Từ thượng thư Bộ hình sang đảm nhiệm Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ đã tận tâm dốc lòng, dốc sức cho sự nghiệp cách mạng và không quên lúc rảnh rỗi lại xướng họa thơ văn với cụ Hồ.

Ngày 8.11.1946, Chính phủ mới do Hồ Chủ tịch lập đã ra mắt quốc dân. Đây không còn là Chính phủ nhân nhượng như Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến tháng 3.1946, mà là một chính phủ thực sự hành động. Danh sách Chính phủ có 23 người, thì chỉ 5 - 6 người của Mặt trận Việt Minh, còn trên 2/3 là nhân sĩ, trí thức đã nổi tiếng từ trước cách mạng. Trong đó có Chu Bá Phượng, đại diện cho Việt Nam Quốc dân Đảng trong Chính phủ tháng 3.1946, nay giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế.

Đi tham gia kháng chiến và sau này trở thành những nhà khoa học đầu ngành của nước ta có rất nhiều, trước hết phải kể đến bốn nhà khoa học đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng chọn về nước đợt đầu: kỹ sư Phạm Quang Lễ; bác sĩ Trần Hữu Tước; kỹ sư mỏ và luyện kim Võ Quý Huân; kỹ sư mỏ và luyện kim Võ Đình Quỳnh. Sau này, giáo sư Trần Đại Nghĩa (tức kỹ sư Phạm Quang Lễ) và giáo sư Trần Hữu Tước đã được Nhà nước ta phong anh hùng bởi những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp thực tiễn ở từng giai đoạn lịch sử. Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội”. Mặc dù vậy, thu hút, trọng dụng người tài trong khu vực công lâu nay luôn là vấn đề thời sự vì chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong bối cảnh đó, học Bác cách trọng dụng nhân tài càng trở nên cấp bách và cấp thiết.

Báo daibieunhandan.vn

    Ý kiến bạn đọc