Chú trọng công tác đào tạo nghề cho phụ nữ
EmailPrintAa
09:13 15/03/2013

Cùng với việc phát triển công tác Hội, trong quá trình hoạt động của mình, Hội LHPN Cẩm Xuyên thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo nghề, tạo việc làm giúp chị em có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Gắn bó với nghề làm bánh đa từ năm 1981 nhưng chị Dương Thị Phương ở thôn Phú Hòa, xã Cẩm Hòa không ngờ nghề này mang lại nguồn thu nhập cao đến vậy. Trước đây, bánh làm ra không đều, chủ yếu phục vụ cho các gia đình trong thôn. Thế nhưng từ năm 2007 được tham gia lớp tập huấn do Hội LHPN huyện tổ chức chị đã có kiến thức về cách tiếp thị sản phẩm, cách sử dụng máy móc, cách làm lò bánh tránh nên tay nghề được nâng cao, bánh nhanh khô và giòn, thơm. Chất lượng đảm bảo, nhiều người ưa dùng nên đến nay chỉ riêng làm bánh đa một tháng chị Phương đã có gần 3 triệu đồng. Nhận thấy làm bánh đa không chỉ có thêm thu nhập mà còn tạo được việc làm cho chị em khi nhàn rồi nên Hội LHPN xã Cẩm Hòa đã thành lập tổ hợp với 55 thành viên.

Nghề làm nón đã manh nha ở xã Cẩm Hà trong nhiều năm qua. Tuy nhiên chỉ có một ít người làm. Nhận thấy đây là nghề có thị trường tiêu thị rộng, vốn đầu tư ít, dễ làm nên Hội Phụ nữ đã tiến hành tập huấn kiến thức và hỗ trợ vốn để mở rộng nghề làm nón. Hiện nay nghề làm nón ở xã Cẩm Hà đã thu hút trên 50 chị em. Bình quân mỗi ngày mỗi chị làm được 3 chiếc nón, thu nhập được 90 ngàn đồng. Cùng với làm nón vừa qua, trong vòng 1 tháng Hội phụ nữ huyện đã tập huấn thêm nghề làm nấm rơm cho phụ nữ xã Cẩm Hà. Thuận lợi của nghề làm nấm rơm là nguồn nguyên liệu dồi dào, lao động ở nông thôn đông đúc nên chị em rất phấn khởi. Chị Phan Thị Thể - Thôn Trung Thắng, xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên vui vẻ cho biết: “Ngày trước chúng tôi chỉ biết làm lúa, làm khoai. Không ngờ có ngày lại làm ra được những chiếc nón, những túi nấm trắng tinh như thế này. Bây giờ ngoài làm ruộng ra chúng tôi có thêm nhiều nghề mới nên không lo đói nữa rồi.”

Khác với những năm trước đây, chị em phụ nữ ở thôn 5, xã Cẩm Vịnh sau vài ngày bận bịu với đồng áng là chuỗi dài những tháng ngày nhàn rỗi: không công ăn, không việc làm. Thế nhưng kể từ tháng 7 năm 2011 khi tổ hợp sản xuất tăm hương được thành lập những người phụ nữ này đã có việc làm thường xuyên. Tổ hợp được thành lập trên cơ sở sản xuất tăm hương của gia đình ông Lê Văn Bình. Ông Bình làm nghề này từ những năm 2001 nhưng mang tính nhỏ lẻ nên hiệu quả không cao. Ông và Hội Phụ nữ xã đã thành lập tổ hợp sản xuất tăm hương với 40 chị tham gia, trong đó có 30 chị làm thường xuyên. Làm hương không mang tính thời vụ nên chị em có thể làm được quanh năm. Ngoài thời gian làm việc tập trung, nhiều chị còn nhận sản phẩm về nhà để làm thêm. Mỗi tháng bình quân mỗi chị có thu nhập từ 1triệu 5 trăm ngàn đến 1,7 triệu đồng. Có việc làm, có thu nhập không còn gì vui mừng hơn nên chị em đã dồn hết tâm lực chăm chút cho từng que tăm, từng thẻ hương. Vì vậy, sản phẩm làm ra ngày càng có thương hiệu, lượng tiêu thụ ngày càng nhiều.

Không chỉ có Cẩm Hòa, Cẩm Hà, Cẩm Vịnh mà những năm qua trong điều kiện đất nông nghiệp đang bị thu hẹp, căn cứ vào lợi thế của từng địa phương Hội phụ nữ huyện Cẩm Xuyên đã lựa chọn những ngành nghề phù hợp đưa về địa bàn như: nghề làm hương, làm đậu phụ, nấm rơm, may bóng xuất khẩu, nghề làm bánh đa, làm nón…Những nghề này đã tạo thêm việc làm cho chị em, xóa đi sự nhàn rỗi và từ những nghề này bình quân mỗi tháng chị em có thêm ít nhất 1 triệu đồng cho những chi tiêu hàng ngày. Điều đáng nói là việc mở rộng ngành nghề theo hình thức tổ hợp tác có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và chị em có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Từ đó nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến được với phụ nữ và chị em nhận thức rõ hơn vai trò của mình. Bà Phạm Thị Hiên – Chủ tịch Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên cho biết thêm: “Xác định công tác đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho hội viên là nội dung quan trọng và quyết định đến nhiều chương trình hành động của tổ chức Hội nên chúng tôi đã chú trọng việc tập huấn kiến thức và giải ngân các nguồn vốn do Hội quản lý để du nhập thêm những ngành nghề mới về địa bàn nên hàng ngàn chị em trong huyện đã có thêm việc làm lúc nông nhàn. Chị em được tập hợp, được làm việc tập trung trong tổ hợp tác nên trách nhiệm đều rất cao và ai cũng phấn đấu hết mình khi làm việc nên sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng quy định. Thu nhập khá lên, chị em lại rất nhiệt huyết với tổ chức Hội nên khi triển khai một vấn đề gì đó rất thuận lợi, hiệu quả lại cao”

Với sự nỗ lực của các cấp hội phụ nữ, chị em đã dần thuần thục những ngành nghề mới. Tuy nhiên, với một huyện thuần nông, đời sống còn nhiều khó khăn như Cẩm Xuyên thì rất cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền để những nghề mới này phát triển bền vững


    Ý kiến bạn đọc