Công tác tổ chức, quản lý lễ hội - Những kết quả đáng ghi nhận
EmailPrintAa
09:59 26/03/2018

Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều lễ hội truyền thống, nhưng theo thời gian đã dần bị mai một, vì vậy đến nay Hà Tĩnh chỉ còn trên 70 lễ hội trong đó có 47 lễ hội diễn ra vào mùa xuân và có 12 lễ hội lớn được tổ chức hằng năm. Trong số 12 lễ hội lớn hàng năm thì có 8 lễ hội dân gian truyền thống, 2 lễ hội tôn giáo và 2 lễ hội mới là Lễ hội khai trương mùa du lịch biển và Lễ hội chiến thắng Ngã Ba Đồng Lộc.

Như vậy đến nay, Hà Tĩnh là tỉnh có số lượng lễ hội không nhiều và hầu hết được tổ chức vào mùa xuân, sau dịp Tết Nguyên Đán. Cùng với sự phát triển nhanh của các mặt kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao, quy mô, hình thức các lễ hội đã được nâng cấp và thu hút sự tham gia của người dân nhiều hơn. Về cơ bản, các lễ hội trên địa bàn đã được tổ chức vui tươi, lành mạnh, không có các tập tục gây phản cảm, bức xúc cho dư luận như một số lễ hội ở các tỉnh khác. Phần lễ trang trọng đúng quy định, phần hội với nhiều hình thức vui chơi đa dạng đã góp phần thu hút được du khách tham gia. Các Ban tổ chức lễ hội đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, hạn chế các hiện tượng như hành khất ăn xin, chèo kéo khách viết tấu sớ, làm lễ, kiểm soát khá tốt các hoạt động kinh doanh văn hoá phẩm, vàng mã... Công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan tại các di tích diễn ra lễ hội được quan tâm, tạo ấn tượng tốt cho du khách. Tiêu biểu là các lễ hội diễn ra tại các di tích: Ngã Ba Đồng Lộc, Đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Đền Lê Khôi, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Trác, Đền thờ Bùi Cầm Hổ... Đặc biệt các lễ hội Đền Lê Khôi, Đền Nguyễn Thị Bích Châu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen về công tác tổ chức, quản lý lễ hội, được xem là hình mẫu cho các địa phương trong và ngoài tỉnh tham quan, học tập và công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Để có được kết quả đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời gian qua đã triển khai nhiều biện pháp tích cực trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức, quản lý lễ hội cho các địa phương trên địa bàn. Thông qua các cuộc tập huấn, ngành đã quán triệt tốt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp như: Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg, ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Chỉ thị số 20/ CT-TU ngày 20/03/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Quyết định số 31/2012/QĐ-UBND, ngày 09/7/2012 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, kỷ niệm các ngày truyền thống và đón nhận các danh hiệu thi đua; Hướng dẫn số 46/HD-SVHTTDL ngày 02/5/2013 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, kỷ niệm các ngày truyền thống và đón nhận các danh hiệu thi đua. Ngoài ra, ngành cũng đã xuất bản sổ tay “Công tác văn hóa cơ sở và cưới, tang, lễ hội” bao gồm các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, tỉnh cấp phát đến tận cán bộ văn hóa của 262 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Hằng năm, ngành đều quán triệt các công điện của Chính phủ, ban hành và tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo về lễ hội, phối hợp với các địa phương tổ chức lễ hội lớn. Và theo đó hàng năm 13/13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có văn bản chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, triển khai các nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nhiều địa phương đã chỉ đạo đưa nội dung xây dựng nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội vào hương ước, quy ước. Hằng năm vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán, ngành đều thành lập đoàn kiểm tra các lễ hội để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương nhằm khắc phục những yếu kém từng xảy ra trong các mùa lễ hội trước.

Lễ hội Cầu ngư Nhượng bạn
 

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở Hà Tĩnh còn đang phải đối mặt với một số hạn chế cần được khắc phục như: Vệ sinh môi trường, mê tín dị đoan, đốt hàng mã lớn và nhiều (ở Đền Củi), hoạt động thờ cúng sai (đi chùa đốt vàng mã và hoạt động mê tín... ở Chùa Hương), bán sách lậu (không phép) tại các nơi thờ cúng (Đền Truông Bát, Đền Củi...). Mặt khác phần hội của nhiều lễ hội còn nghèo nàn, chưa thu hút được du khách, việc trông giữ xe, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ một số lễ hội chưa đảm bảo…

Để thực phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai một số giải pháp cụ thể sau:

Trước hết ngành sẽ tăng cường tham mưu kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt với các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong  thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về thực hiện các văn bản của Trung ương và địa phương, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đồng thời thông qua việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chú trọng nội dung xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội, trong các gia đình, cơ quan, đơn vị và khu dân cư.

Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, gắn việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội với việc đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức. Nghiêm túc kiểm điểm, phê bình những cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức có biểu hiện vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về lễ hội.

Chỉ đạo hiệu quả việc tổ chức lễ hội đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán của địa phương, tránh tổ chức các trò chơi mang tính kích động bạo lực trong phần hội; xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho người tham gia lễ hội và du khách, thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, quy định về niêm yết giá, bán đúng giá. Kiên quyết xử lý những vi phạm của tổ chức và cá nhân trong quá trình tổ chức và tham gia lễ hội.

Tăng cường phối hợp công tác tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích, khuyến khích mô hình tổ chức lễ hội tiến bộ, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Bên cạnh đó ngành sẽ triển khai tốt các hoạt động nghiên cứu phục hồi các lễ hội dân gian có giá trị văn hóa trên địa bàn kết hợp với xây dựng các lễ hội mẫu; xây dựng các đề tài khoa học, hội thảo khoa học, triển khai việc khảo sát, điều tra tổng thể các lễ hội trên địa bàn; tăng cường công tác tập huấn quản lý nhà nước về công tác cưới, tang, lễ hội sát đúng với thực tiễn đồng thời tổ chức cho tham quan các mô hình tiêu biểu về cưới, tang, lễ hội trên toàn quốc nhằm học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương.


    Ý kiến bạn đọc