Đảng cộng sản Việt nam đổi mới để phát triển
EmailPrintAa
16:41 27/02/2018

Trước sự bế tắc của các phong trào yêu nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, thì Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra chân lý giản đơn: “Phải làm kách mệnh, kách mệnh là phá cái cũ, đổi ra cái mới”. Triết lý ngắn gọn đó phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Trong xã hội khi xuất hiện mâu thuẫn đối kháng, giải quyết mâu thuẫn tìm ra cái mới trước cái trì trệ để bứt phá đưa xã hội tiến lên, đó là sáng tạo của lịch sử.

Trải bao sự kiểm nghiệm và hòa mình vào dòng chảy của thế giới cần lao, trong lúc nhân loại đang xem các cuộc cách mạng tư sản ở phương Tây là mẫu mực, thông tin bị bưng bít, ngay ở Pháp mà cũng chưa hiểu được cách mạng Tháng Mười là thế nào; thì như sự bắt gặp của lịch sử, Nguyễn Ái Quốc đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương những vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin, rồi tận mắt nhìn thấy thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga. Từ đó, Người cảm nhận được con đường cứu nước cần tìm và reo lên “đây rồi”, đây là “cẩm nang” là “cái mới” để phá cái cũ. Con đường đó chính là: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thuộc địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Và rồi, Người đã biến tư duy “đổi mới để phát triển” thành tư duy của Đảng cộng sản Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Dưới ngọn cờ của Đảng, đánh đuổi thực dân giành độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội đã huy động được sức mạnh của toàn dân vượt qua mọi chông gai, mọi trở ngại, mọi hy sinh gian khổ đứng lên giành độc lập, ra đời Nhà nước kiểu mới, Nhà nước công - nông đầu tiên ở một nước thuộc địa, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây là điều mới mẻ và kỳ lạ của thời đại. Khi Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập công khai trước toàn thế giới và tiếp đó là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân tố mới Việt Nam đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức. Đến khi đánh thắng thực dân Pháp, với chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng thì Việt Nam đã thành ngọn cờ vẫy gọi để hàng loạt các nước ở Châu Phi, Châu Mỹ La tinh đứng dậy, thành trào lưu các dân tộc thuộc địa trên khắp thế giới đứng lên giành độc lập dân tộc trong thế kỷ XX. Rồi vào lúc trên thế giới không ai dám đụng đến Mỹ, thế mà khi đế quốc Mỹ đem hơn 50 vạn quân cùng với vũ khí tối tân hiện đại, với sức mạnh của một cường quốc số một thế giới xâm lược Việt Nam, thì với tư duy: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Việt Nam đã dám và đánh thắng đế quốc Mỹ giành độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cái mới của cách mạng Việt Nam là chứng minh rằng, trong thời đại ngày nay dù một nước nhỏ nhưng với sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, được sự ủng hộ của quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản có thể đánh thắng bất kỳ kẻ thù xâm lược nào, dù đó là đế quốc Mỹ.

Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, đi theo con đường của cách mạng Tháng Mười giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cách mạng Việt Nam luôn đổi mới và sáng tạo. Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu vào thời Xô Viết tiến hành xây dựng đất nước chủ yếu là theo mô hình của Liên Xô. Ở Hội nghị lần thứ II tháng 11/1960 của các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế đề ra Nghị quyết khẳng định: “Kinh nghiệm của Đảng cộng sản Liên Xô trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản có ý nghĩa nguyên tắc đối với toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế”. Thế mà vào những năm 70 của thế kỷ XX từ thực tiễn của mình, Đảng cộng sản Việt Nam đề ra cơ chế khoán sản phẩm cho hộ xã viên hợp tác xã với chỉ thị “khoán 10” vượt ra ngoài khuôn khổ “có ý nghĩa nguyên tắc” theo quy định của Quốc tế cộng sản. Khi Liên Xô sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, Việt Nam mất nguồn viện trợ lớn, lại ở vào thế bị bao vây cấm vận, nhưng cách mạng vẫn tiếp tục đi lên với tư duy đổi mới. Tiến hành đổi mới tư duy lý luận, hình thành nhận thức lý luận mới và tìm tòi đột phá từ lý luận đến thực tiễn để phát triển. Sự nghiệp đổi mới do Đảng đề ra từ Đại hội VI (1986) được phát huy và tiếp tục đổi mới qua các kỳ Đại hội. Ba mươi năm qua thực hiện sự nghiệp đổi mới từ những khó khăn ban đầu tưởng như không thể vượt qua, cách mạng Việt Nam đứng vững và tiến lên, mang lại những thành quả hết sức có giá trị. Trước tiên là thành công trong việc giải quyết khủng hoảng kinh tế trầm trọng với lạm phát “phi mã”; rồi đến thoát khỏi thế bao vây cấm vận, từng bước hội nhập quốc tế, thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đưa nước nhà từ lạc hậu, kém phát triển trở thành nước phát triển trung bình; kiên trì và kiên quyết giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, bắt nhập được với sự phát triển của xu thế thời đại. Thực hiện đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với từng bước đổi mới chính trị và chú trọng đến các vấn đề xã hội.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa - môi trường. Trước những mặt trái của cơ chế thị trường, những hệ lụy xã hội gay gắt, sự xuống cấp của đạo đức, những bộc lộ nguy hại của chủ nghĩa cơ hội, thực dụng... đòi hỏi phải hết sức quan tâm đến xây dựng Đảng về mặt đạo đức, làm cho Đảng thật sự trong sạch vững mạnh. Đảng cần phải cách mạng hóa tư duy để đổi mới phù hợp với sự vận động của thực tiễn, với bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4; có tư duy khoa học, tư duy sáng tạo trong lãnh đạo và cầm quyền. Với tư cách là Đảng lãnh đạo và cầm quyền, từ khi ra đời đến nay luôn khởi xướng đổi mới và thực hiện thành công trong mọi giai đoạn cách mạng; trước sự nghiệp đổi mới ngày nay Đảng cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc vai trò của mình để xem việc chỉnh đốn và xây dựng Đảng là nhiệm vụ sống còn. Đảng không chỉ mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà phải trong sáng về đạo đức, thực hiện lời Bác Hồ căn dặn: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quyét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Luôn sáng tạo và đổi mới để thích ứng với hoàn cảnh mới, để không ngừng phát triển ở tầm cao của trí tuệ, đưa sự nghiệp đổi mới tiếp tục phát triển theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


    Ý kiến bạn đọc