|
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp năm 2017 |
Văn hoá vốn là một khái niệm đa nghĩa và có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Năm 1952, hai nhà nhân loại học người Mỹ là A.Kroeber và C.Kluckhohn đã thống kê được 152 định nghĩa và chia làm 6 nhóm chính. Tại Hội nghị Triết học thế giới năm 1980, người ta đã thống kê được 250 định nghĩa và đến nay, con số đó đã lên tới khoảng 500 và được nhà văn hoá học người Nga - A.X.Ca-rơ-min phân thành 14 nhóm... Nhưng chung lại, người ta xác định văn hoá là một thuộc tính chỉ có ở loài người, là cái phân biệt con người và động vật. Trong phạm vi loài người, văn hoá còn là dấu hiệu phân biệt giữa cộng đồng xã hội này với cộng đồng xã hội khác. Đó chính là hệ giá trị và chuẩn mực xã hội và những truyền thống khác nhau mà các cộng đồng người đã tạo nên trong quá trình hoạt động thực tiễn như quan niệm của Tiến sĩ Federico Mayor - nguyên Tổng thư kí UNESCO: “Văn hoá là một tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của con người trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”.
Từ cách tiếp cận này, người ta chia văn hoá thành hai hình thái: văn hoá cá nhân và văn hoá cộng đồng, hay còn gọi là văn hoá của nhóm xã hội.
Văn hoá cá nhân là toàn bộ vốn tri thức, kinh nghiệm... tích luỹ vào một con người, biểu hiện ở định hướng giá trị và phương thức hành xử của người ấy trong mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội và với bản thân nó. Văn hoá cá nhân phát triển đến đỉnh cao thì trở thành danh nhân.
Khi xã hội phát triển làm xuất hiện các giới nghiệp định hình như trí thức, viên chức, tăng lữ, doanh nhân, công nhân... thì mỗi giới đều có một mẫu nhân cách và tương ứng với nó sẽ có các dạng văn hoá cá nhân như văn hoá trí thức, văn hoá viên chức, văn hoá tăng lữ, văn hoá doanh nhân, văn hoá công nhân...
Còn văn hoá cộng đồng là văn hoá của nhóm xã hội, nhưng không phải là sự kết hợp số học của những văn hoá cá nhân mà là toàn bộ hệ giá trị và phương thức hành xử được các thành viên trong cộng đồng chia sẻ và tự giác thực hiện, trở thành truyền thống của họ. Xã hội Việt Nam truyền thống đã sản sinh ra các dạng cộng đồng như gia đình, làng xã, tộc người, dân tộc, tôn giáo... tương ứng có các dạng văn hoá cộng đồng như văn hoá gia đình, văn hoá làng xã, văn hoá tộc người, văn hoá dân tộc, văn hoá phật giáo, thiên chúa giáo... Xã hội hiện đại làm xuất hiện thêm nhiều dạng cộng đồng mới và cũng tương ứng theo đó có thêm các dạng văn hoá cộng đồng mới như văn hoá doanh nghiệp, văn hoá trang trại...
Doanh nhân (Homme d’affaires; Businesseman) là một từ xuất hiện đã lâu gắn với các nền kinh tế thị trường; ngay ở miền Nam trước năm 1975 từ này cũng đã khá phổ biến và được giải thích là người kinh doanh. Từ khi đất nước khởi xướng công cuộc đổi mới và xác định nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì khái niệm này mới được dùng và ngày càng trở nên phổ biến. Theo cách hiểu chung nhất, doanh nhân là người có xu hướng và khát vọng làm giàu bằng việc tổ chức các hoạt động kinh doanh nhằm không ngừng tạo ra giá trị thặng dư tối đa, làm gia tăng tài sản cho mình, góp phần tăng trưởng sản phẩm cho xã hội. Còn theo quan niệm của Trung tâm văn hoá doanh nhân Việt Nam thì doanh nhân không phải là người kinh doanh thông thường, đó là ông chủ của doanh nghiệp. Văn hoá doanh nhân là văn hoá chủ doanh nghiệp. Như vậy, trong nền văn hoá kinh doanh hiện đại, ta dễ nhận ra hai hình thái văn hoá khác nhau: hình thái văn hoá cá nhân – văn hoá doanh nhân; hình thái văn hoá cộng đồng – văn hoá doanh nghiệp. Tức là khi nào ông chủ doanh nghiệp vận dụng một cách sáng tạo các yếu tố văn hoá trong hoạt động kinh doanh, lúc đó ông đang xây dựng văn hoá doanh nghiệp; và khi nào chủ doanh nghiệp để lại dấu ấn sáng tạo trong văn hoá doanh nghiệp của mình, lúc đó ông ta mới có cái gọi là văn hoá doanh nhân. Từ sự giải thích này, ta có thể thống nhất một cách hiểu: văn hoá doanh nhân là sự kết hợp giữa văn hoá kinh doanh với đạo đức kinh doanh của chủ doanh nghiệp, cũng tức là sự kết hợp giữa văn hoá nghề nghiệp với văn hoá nhân cách của doanh nhân.
Vậy văn hoá kinh doanh là gì? Từ góc độ của Văn hoá học, chúng ta thấy rằng văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp thuộc dạng văn hoá cộng đồng, ngày nay người ta thường gọi là Văn hoá tổ chức. E.N.Schein, nhà nghiên cứu người Mỹ đã nêu một định nghĩa: “Văn hoá tổ chức là toàn bộ cách thức và nguyên tắc xử lý các vấn đề thống nhất bên trong và thích ứng với bên ngoài để tồn tại và phát triển. Những cách thức và nguyên tắc đó là yếu tố khởi nguyên, được các thành viên trong tổ chức tự nguyện chấp nhận, lấy đó làm phương hướng hành động, phân tích và đưa ra những quyết định thích hợp”.
Như vậy, nếu vận dụng vào doanh nghiệp, cơ cấu của văn hoá tổ chức sẽ gồm một số yếu tố chủ yếu như:
Yếu tố giá trị: xuất phát từ nhu cầu của các thành viên, người lãnh đạo cần lựa chọn một định hướng giá trị phù hợp. Có tổ chức lấy sáng tạo làm giá trị hàng đầu, tổ chức khác lại đề cao giá trị là việc hoàn thành nhiệm vụ hoặc thu nhập cao...
Yếu tố chuẩn mực: là những quy định có chức năng hướng dẫn cách hành xử để mọi người phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu mà tổ chức đặt ra.
Yếu tố biểu hiện của tổ chức: mỗi tổ chức thường khẳng định mình qua việc sử dụng hệ thống các biểu tượng như lô-gô, thương hiệu, khẩu hiệu, trang phục, lễ hội, các nghi thức giao tiếp, sinh hoạt văn nghệ và các hình thức sinh hoạt tập thể khác.
Xây dựng bầu không khí tinh thần trong tổ chức: sức mạnh của tổ chức biểu thị ở sự đồng thuận tinh thần, vì vậy người lãnh đạo cần quan tâm xây dựng những tình cảm cao đẹp trong tổ chức của mình.
Xây dựng phong cách quản lý: biểu hiện ở một số điểm như: có tinh thần dân chủ, tôn trọng người khác nếu thấy hợp lý, không võ đoán, kiêu ngạo; quyết đoán nhưng không độc đoán, mỗi khi đưa ra quyết sách cần dựa vào những dữ kiện thật, đồng thời có khả năng nhìn xa, trông rộng; dám chịu trách nhiệm với cấp trên, cấp dưới, với khách hàng và xã hội...
Cùng với văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp thuộc loại hình văn hoá cộng đồng, văn hoá doanh nhân còn được tạo thành bởi nhân cách doanh nhân – văn hoá cá nhân mà cốt lõi của nó là định hướng giá trị.
Định hướng giá trị của doanh nhân trước hết và chủ đạo nhất là làm giàu, hay nói như người Trung Quốc là “tri phú” - biết làm giàu. Định hướng này có thể phân thành 3 yếu tố: Có tri thức làm giàu; Có khát vọng làm giàu; Biết cách ứng xử trong làm giàu. Doanh nhân là đội quân chủ lực, những người tiên phong trong công cuộc làm cho dân giàu, nước mạnh. Làm giàu và biết cách làm giàu là hai vấn đề khác nhau; làm giàu là nhu cầu tự nhiên của mỗi người, còn biết cách làm giàu mới là vấn đề của văn hoá. Cách làm giàu vừa là khoa học lại vừa là nghệ thuật và khi làm giàu được xem là hoạt động sáng tạo thì văn hoá doanh nhân đồng nghĩa với văn hoá làm giàu hay đạo làm giàu của doanh nhân. Gs.Ts Hoàng Vinh đã có một định nghĩa khá toàn diện, đại ý: Văn hoá doanh nhân hình thành trong môi trường của một doanh nghiệp thành đạt; là toàn bộ vốn tri thức, kinh nghiệm, biểu thị thành những giá trị và khuôn mẫu hành xử tích luỹ vào một cá nhân tạo nên văn hoá doanh nhân - một con người có tri thức làm giàu, có khát vọng làm giàu, dám chịu rủi ro để làm giàu bằng cách tổ chức các hoạt động kinh doanh, liên tục tạo ra giá trị thặng dư tối đa, không ngừng làm gia tăng tài sản cho cá nhân cũng như cho doanh nghiệp…
Nước ta thời xưa theo truyền thống Nho giáo trọng nông ức thương nhằm cột chặt người dân vào ruộng đất, làng xã... Sĩ - nông - công - thương, tầng lớp buôn bán (doanh nhân) được xếp vào hạng cuối. Vì vậy, đội ngũ những người biết làm giàu ở nước ta rất hiếm và xuất hiện khá muộn, chủ yếu là vào đầu thế kỷ XX khi phong trào Duy Tân được đề xướng: “Chú trọng mở mang kinh tế”, “Không để dân giàu thì không có con đường nào đạt đến mục đích tự trị được”... Cử nhân Lương Văn Can (1854 – 1927) đã từng viết sách “Thương học phương châm” trong đó đã nêu ra 10 nguyên nhân khiến thương nghiệp nước ta không phát triển được: Người mình không có thương phẩm; Không có thương hội; Không có tín thực; Không có kiên tâm; Không có nghị lực; Không biết trọng nghề; Không có thương học; Kém đường giao tiếp; Không biết tiết kiệm; Khinh nội hoá. Nhóm Trần Văn Chiêu cũng đã soạn thảo và ấn hành cuốn sách “Thương cổ luận”... Ở Hà Tĩnh, Nghệ An, những năm đầu thế kỷ XX cũng đã xuất hiện một số đại nho làm nghề buôn để lấy tiền hoạt động cách mạng như cụ Nghè Ngô Đức Kế mở Triêu dương thương quán ở phố Cầu Rầm (Vinh), Thủ khoa Lê Văn Huân mở cửa hàng buôn bán ở chợ Trổ (Đức Thọ)...
Từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới, cùng với những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội, chúng ta cũng đã không ngừng lớn mạnh thêm về tư duy kinh tế; khẳng định mục tiêu nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nhằm thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân; đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng... Riêng đối với tầng lớp doanh nhân, Nhà nước đã khẳng định quan điểm: Tạo điều kiện phát huy tiềm năng và vai trò tích cực trong phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nhân để mở rộng đầu tư trong nước và ở nước ngoài; giải quyết việc làm cho người lao động; nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam.
Có một nhận định nổi tiếng từng gây ra rất nhiều tranh cãi của Max Weber (1864 - 1920), nhà kinh tế chính trị học và xã hội học người Đức trong tác phẩm xuất bản từ năm 1904: Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản; ông cho rằng Tôn giáo (là yếu tố quan trọng nhất của văn hóa - VHH) chính là một trong những nguyên nhân cốt lõi nhất quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội. Châu Âu sẽ không thể phát triển bằng nước Mỹ vì các quốc gia châu Âu vẫn trung thành với đạo Thiên Chúa với rất nhiều luân lý, nguyên tắc hầu như ít thay đổi, trong khi nước Mỹ lại chọn đạo Tin lành (còn gọi là tân giáo, Kháng Cách), một hệ phái của Thiên chúa giáo nhưng cởi mở, năng động hơn...
Nhà nước ta đã, đang và sẽ khẳng định một quan điểm nhất quán: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Đánh mất văn hóa cũng chính là đánh mất bản thân mình; doanh nghiệp, doanh nhân cũng không nằm ngoài quy luật đó./.
Tin mới cập nhật
- Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước ( 19/05)
- Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ươg ( 19/05)
- Lãnh đạo tỉnh dâng hương, tưởng niệm Bác Hồ nhân ngày sinh nhật Người ( 19/05)
- Nghị quyết 57: Động lực thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao ( 15/05)
- Làm tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo từ cấp cơ sở ( 15/05)
- Kết luận số 149-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện nghị quyết số 21-NQ/TW ( 14/05)